24/01/2025

Câu chuyện giáo dục: Học sinh mong muốn gì ở thầy cô ?

Câu chuyện giáo dục: Học sinh mong muốn gì ở thầy cô ?

Với câu hỏi ‘Điều em mong muốn ở thầy cô?’, tôi đã ‘thu hoạch’ được kết quả mong mỏi tha thiết từ các em: Không tạo áp lực học tập cho học sinh, giảm bớt bài tập về nhà…
Đa số học sinh đều mong muốn có những tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt được kết quả (ảnh minh họa) /// Đào Ngọc Thạch
Đa số học sinh đều mong muốn có những tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt được kết quả (ảnh minh họa)  ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ đề “Thanh niên với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo”, tôi khảo sát học sinh mình với câu hỏi: “Nêu cảm nhận của em về nghề dạy học. Sau này em có ý định chọn nghề dạy học không? Vì sao?”.
Kết quả khảo sát hầu hết các em đều cho rằng dạy học là nghề không thể thiếu, cao quý, đáng được coi trọng, tuy nhiên không em nào trong lớp có ý định làm thầy.
Lý giải cho điều này có rất nhiều ý kiến, song phổ biến nhất là nghề đòi hỏi phải có kiến thức, gò bó vì phải mẫu mực, không phù hợp tính cách bản thân các em và thu nhập hạn chế… Suy nghĩ trên của các em cho thấy nghề dạy học là một công việc rất khó, đòi hỏi lớn nhất ở người thầy trí, tâm và đức. Đó là kiến thức, trí tuệ cần có ở mức cần và đủ. Là sự thương yêu, sự công tâm trong quan hệ với người học. Và là tác phong chuẩn mực, sư phạm của người thầy.
Với câu hỏi “Điều em mong muốn ở thầy cô?”, tôi đã “thu hoạch” được kết quả mong mỏi tha thiết từ các em: Không tạo áp lực học tập cho học sinh, giảm bớt bài tập về nhà; liên hệ nhiều kiến thức thực tế vào bài học; công bằng, không thiên vị; kiềm chế nóng giận, kiên nhẫn, đồng cảm với tâm lý học sinh.
Bậc thầy sư phạm Khổng Tử đã từng dạy: “Biết để học không bằng thích để học, thích để học không bằng vui để học”. Đa số học sinh đều mong muốn có những tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt được kết quả.
TRẦN NHÂN TRUNG
TNO