23/12/2024

2021 sẽ là năm của vắc xin Covid-19

2021 sẽ là năm của vắc xin Covid-19

Hơn 150 loại vắc xin tiếp tục được phát triển trên toàn cầu. Trong số này, một vài cái tên nổi bật hứa hẹn sẽ sớm đưa vào sử dụng trong vài tuần tới.
Kho lạnh của tập đoàn logistocs va-Q-tec (Đức) ở Wuerzburg đã sẵn sàng để tồn trữ và phân phối vắc xin Covid-19 /// Reuters
Kho lạnh của tập đoàn logistocs va-Q-tec (Đức) ở Wuerzburg đã sẵn sàng để tồn trữ và phân phối vắc xin Covid-19  REUTERS
Sau gần một năm kể từ khi thế giới khởi động nỗ lực chưa từng có nhằm tìm ra biện pháp khắc chế căn bệnh Covid-19, hơn 150 loại vắc xin tiếp tục được phát triển trên toàn cầu. Trong số này, một vài cái tên nổi bật hứa hẹn sẽ sớm đưa vào sử dụng trong vài tuần tới.
Liên danh Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) dự kiến sẽ sản xuất tối đa 1,3 tỉ liều vắc xin BNT162b2 trong năm 2021. Cùng năm, Moderna (Mỹ) dự báo sẽ sản xuất được từ 500 triệu đến 1 tỉ liều vắc xin mRNA-1273 của hãng này. AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) cho hay đang đẩy mạnh quá trình sản xuất, cho phép đạt được 3 tỉ liều vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 vào năm sau. Trong khi đó, Quỹ đầu tư RDIF, đơn vị đầu tư dự án nghiên cứu vắc xin của Nga, cho hay nước này sẽ sản xuất 1 tỉ liều Sputnik V trong năm 2021, đủ tiêm cho 500 triệu người.

Thử nghiệm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam

Theo Bộ Y tế, Học viện Quân y đang hoàn tất các điều kiện để được thẩm định đạt yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19. Dự kiến công việc này sẽ hoàn thành vào tháng 12, kịp cho triển khai, sau khi Bộ Y tế phê duyệt cho triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19.
Theo một số nhà sản xuất, dự kiến vắc xin Covid-19 ‘‘made in VN’’ sẽ tiêm thử nghiệm cho người từ 18 – 50 tuổi và đang cân nhắc đề xuất xin được chấp thuận tiêm thử nghiệm cho người đến 60 tuổi. Tham gia nghiên cứu là người khỏe mạnh, không nhiễm Covid-19. Sau khi đơn vị thử nghiệm lâm sàng của Học viện Quân y được Bộ Y tế thẩm định đủ điều kiện, đơn vị này sẽ có trách nhiệm thông báo chính thức việc lựa chọn người tình nguyện. Vào các thời điểm khác nhau, trong 2 – 3 tháng sau tiêm, người tình nguyện sẽ được lấy máu xét nghiệm để đánh giá hiệu quả của vắc xin.
TS Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho biết trong quá trình tiêm thử nghiệm trên động vật, có kết quả cần phải làm lại do việc lựa chọn động vật tiêm chưa đạt yêu cầu. Do đó, việc đánh giá thử nghiệm trên động vật cũng cần hết sức nghiêm ngặt vì là cơ sở để xem xét, cho phép tiêm thử nghiệm trên người.
Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về thử nghiệm lâm sàng cho hay cập nhật từ các quốc gia cho thấy, bản chất của vắc xin Covid-19 nói chung là ‘‘lành tính’’ nhưng vẫn luôn được thực hiện chặt chẽ đúng quy định, giám sát bởi Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế, vì vắc xin cũng như thuốc, có thể gây phản ứng không mong muốn.
Liên Châu

Theo báo The USA TODAY, Hãng dược Pfizer và nhà sản xuất BioNTech (Đức) hôm 20.11 đã khẩn cấp yêu cầu Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép đưa vào sử dụng vắc xin BNT162b2 càng nhanh càng tốt tại Mỹ.

Về mặt lý thuyết, FDA có thể cấp phép sớm nhất vào ngày 11.12, một ngày sau khi ủy ban đặc biệt của cơ quan này nhóm họp để đưa ra quyết định về BNT162b2. Ngày 13.12 sẽ là thời điểm sớm nhất vắc xin có thể được phép sử dụng tại Mỹ, và dự kiến sẽ chính thức được tiêm phòng ngay sau đó, theo AFP.
Tướng Gustave Perna, chỉ huy Chiến dịch Warp Speed, cho hay quá trình phân phối vắc xin có thể bắt đầu trong vòng 24 giờ kể từ khi có quyết định từ FDA. Vắc xin sẽ được chuyển đến toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ trong ngày hôm đó và khoảng 6,4 triệu liều sẽ được phân phối trong tuần lễ đầu tiên.
Đến ngày 31.12, ước tính sẽ có khoảng 40 triệu liều vắc xin của fizer/BioNTech và Moderna được đưa ra thị trường, cho phép tiêm cho khoảng 20 triệu người Mỹ. Những người được ưu tiên tiêm vắc xin là các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như những đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi, có bệnh nền. Những người không thuộc nhóm nguy cơ cao có thể phải đến mùa hè 2021 mới được tiếp cận vắc xin.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25.11 dự báo sẽ bắt đầu tiêm phòng cho công dân EU đầu tiên trước cuối năm nay. EU cùng ngày đã ký thỏa thuận mua 160 triệu liều vắc xin Moderna, đồng thời Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) khởi động quá trình thương thuyết với các nhà sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga. Hãng RT dẫn lời ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, cho hay đã nộp đơn xin cấp giấy phép sử dụng Sputnik V tại châu Âu từ ngày 22.10. Ông Dmitriev dự kiến lô hàng đầu tiên của Sputnik V sẽ được chuyển giao cho các khách hàng vào tháng 1.2021. Thậm chí, ông còn cho rằng trong tương lai Đức có thể sản xuất loại vắc xin này.
Đối với kế hoạch đưa vào sử dụng tại Nga, Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova dự kiến có thể bắt đầu chương trình tiêm phòng toàn dân từ tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, theo TASS. Hiện Nga đã tiêm vắc xin cho những nhóm có nguy cơ cao, như nhân viên y tế và giáo viên, với hơn 117.000 liều đã được sản xuất.
Hôm qua, Pfizer đã cung cấp kết quả các cuộc thử nghiệm vắc xin BNT162b2 cho Cơ quan Quản lý y tế quốc gia Brazil (ANVISA). Đây là bước đi cần thiết trước khi vắc xin có thể được cấp phép sử dụng tại quốc gia Nam Mỹ, theo Reuters. Nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tuyên bố sẽ phân phối gần 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển trong năm 2021.
THUỴ MIÊN
TNO