23/11/2024

Tăng thuế, xe công nghệ tính tăng giá

Tăng thuế, xe công nghệ tính tăng giá

Quy định mới tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% áp dụng từ ngày 5-12 với tài xế xe công nghệ, một số ứng dụng gọi xe đang tính toán khả năng sẽ tăng cước phí có lộ trình.

 

Tăng thuế, xe công nghệ tính tăng giá - Ảnh 1.

Nhiều hãng xe công nghệ đang phải tính phương án tăng giá hoặc giảm thu nhập của tài xế với chính sách thuế mới – Ảnh: Q.ĐỊNH

Điều này để đảm bảo thu nhập cho tài xế nhưng sẽ ảnh hưởng quyền lợi khách hàng. Tuy nhiên, có hãng xe công nghệ cho hay không ảnh hưởng nhiều.

Lo ế khách, tài xế giảm thu nhập

Sáng 25-11, nhóm tài xế GrabBike đứng trước Trường THPT Thanh Đa (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không vui khi nhận thông tin sắp tăng thuế đối với xe công nghệ. Tài xế Nguyễn Minh Thịnh – kinh nghiệm 3 năm trong nghề – cho biết năm 2018 ai mà chăm chỉ chịu “cày”, sau khi trừ tất cả chi phí như 20% chiết khấu Grab, xăng dầu, ăn uống… cũng bỏ túi được 300.000 – 500.000 đồng/ngày.

Những năm gần đây, cạnh tranh giữa các hãng như Gojek, Be, FastGo, Now, Beamin… làm thị phần ngày càng giảm, lượng tài xế tăng đột biến đã khiến thị trường gọi xe khốc liệt giành khách.

“Nay ế lắm. Ngồi đợi 15-30 phút chờ “nổ” cuốc là chuyện như cơm bữa. Tâm lý của anh em bây giờ kiếm cơm chưa no đã lo thuế” – anh Thịnh nói.

Anh Lâm – tài xế Gojek – cho hay thu nhập thực của tài xế hai bánh chỉ 55-60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu cho hãng, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng nhớt, hao mòn xe, 4G, điện thoại… Nếu tổng doanh thu của tài xế được ghi nhận trên ứng dụng là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập thực tế dưới 6 triệu/tháng.

“Cách nào đi chăng nữa, với việc tăng từ 3% lên 10% thuế GTGT, một là tài xế giảm thu nhập cực mạnh, còn không là hành khách lãnh đủ việc tăng giá cước” – anh Lâm tính.

Trong khi đó, chị Lâm Mỹ Anh – nhân viên văn phòng tại Q.Bình Thạnh – cho rằng hiện nay cước xe công nghệ ngày càng tăng, hơn nữa có những khoản phí “lạ” như 2.000 đồng phí nền tảng hoặc mới đây là 1.000 đồng phí an toàn chuyến xe… Theo chị Mỹ Anh, việc tăng thuế sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của xe công nghệ về giá với loại hình vận tải truyền thống.

Nhiều khả năng tăng cước vận chuyển

Với quy định mới trong nghị định 126, có hiệu lực ngày 5-12, mức thuế GTGT nộp 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe thay vì mức 3% như hiện nay nên đại diện các ứng dụng gọi xe cho biết đang tính toán các phương án điều chỉnh giá cước và chuẩn bị tuyên truyền để tránh tình trạng tụ tập khiếu nại, tắt app phản đối.

Phía Grab cho hay đang tính toán 2 phương án. Trường hợp để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế sẽ phải tăng cước thêm 8%, hệ quả là số chuyến xe sẽ bị giảm, đồng nghĩa với doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

Theo số liệu của một đơn vị nghiên cứu độc lập năm 2018, độ co giãn về cầu của thị trường VN với dịch vụ vận tải kết nối qua ứng dụng gọi xe là -5,7 (tức là khi giá của một chuyến xe tăng 1%, số lượng chuyến sẽ giảm 5,7%). Nếu cước vận tải tăng thêm 8%, nhu cầu gọi xe sẽ giảm 45%. Nếu theo quy định mới áp dụng từ ngày 5-12, tài xế giảm khoảng 7,3% thu nhập so với hiện nay. Ví dụ cuốc xe 100.000 đồng, sau khi trừ thuế và phí 20% kết nối của Grab, tài xế sẽ nhận khoảng 70.000 đồng (trước đây tài xế nhận 76.000 đồng).

Đại diện Be Group cho biết vẫn đang bàn tính việc điều chỉnh sắp tới thế nào để hài hòa giữa tài xế và khách hàng. Với Be, vị này khẳng định việc tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% từ ngày 5-12 sẽ không ảnh hưởng nhiều vì ngay từ đầu hãng đã xác định là đơn vị vận tải, thuế GTGT đã tự động thu hộ vào mỗi cuốc xe của tài xế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-11, ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo – cho biết doanh nghiệp sẽ tuân thủ đúng quy định, song việc tăng thuế lần này sẽ khó khăn đối với doanh nghiệp khi tài xế và khách hàng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh thu nhập của họ bị giảm do tác động của dịch COVID-19.

Ông Tuất đánh giá tăng thuế lần này sẽ giảm tính cạnh tranh của loại hình xe công nghệ. Với xe 4 bánh, điểm cộng đối với xe công nghệ là khách hàng biết trước được giá, xe mới, sạch sẽ, có những khuyến mãi thường xuyên. Tuy nhiên, quan trọng hơn là giá cả. “Tùy theo chiến lược của từng doanh nghiệp có sự điều chỉnh hợp lý để hút khách hàng sử dụng, tránh gây cú sốc về giá. Tôi nghĩ sẽ có lộ trình tăng cước phù hợp để có thời gian thích ứng” – ông Tuất nói.

Grab nói về mức khởi điểm chịu thuế

Theo Grab VN, tại TP.HCM, giá cước GrabBike đang được Grab áp dụng là 3.400 đồng/km, GrabCar 9.000 đồng/km.

Với Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab cũng chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Chỉ khoảng 10% đối tác tài xế 4 bánh có mức doanh thu gần 500 triệu đồng/năm. Tức là chưa bằng một nửa mức doanh thu phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ áp dụng cho loại hình doanh nghiệp…

Đại diện Tổng cục Thuế nói không tăng nghĩa vụ của tài xế

Liệu việc đẩy thuế GTGT cho Grab, Gojek, Bee kê khai và nộp lên 10% toàn bộ doanh thu có làm tăng giá cước vận tải xe công nghệ hoặc làm giảm thu nhập của tài xế xe công nghệ?

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan – phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế – cho rằng quy định mới của nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế xe công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, chứ không gánh cả thuế GTGT mức 3% như lâu nay.

Còn trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ thì Grab, Bee, Gojek phải có nghĩa vụ khai thuế và nộp 10% thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng. Ngoài ra, theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải công nghệ còn phải khấu trừ, khai và nộp thay 1,5% thuế thu nhập cá nhân của các tài xế.

Do đó để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo quy định, các hãng vận tải công nghệ và tài xế sẽ điều chỉnh hợp đồng hợp tác kinh doanh.

L.Thanh

CÔNG TRUNG
TTO