08/01/2025

Thuế, phí bào kiệt sức nhà đầu tư: Chưa biết doanh thu, đã lo nộp thuế

Thuế, phí bào kiệt sức nhà đầu tư: Chưa biết doanh thu, đã lo nộp thuế

 

 

 

Chính sách thuế cần nuôi dưỡng doanh nghiệp, không nên lạm thu /// Ảnh: Ngọc Thắng
Chính sách thuế cần nuôi dưỡng doanh nghiệp, không nên lạm thu  ẢNH: NGỌC THẮNG
Quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp từ quý 1 – 3 trong năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm, trường hợp nộp thiếu sẽ bị phạt ở Nghị định 126 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126) tiếp tục nhận những phản ứng gay gắt từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.

Bị chiếm dụng vốn

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) dệt may tại Hà Nội lấy ví dụ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) công ty của ông trong năm 2019 phải nộp 10 tỉ đồng. Chiếu theo quy định mới đến ngày 30.10, số tiền thuế phải nộp 3 quý đúng 75% là 7,5 tỉ đồng. Nếu DN chỉ nộp 5 tỉ đồng (tương ứng 50%) đến ngày 30.12 sẽ phải nộp thêm 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, theo quy định mới, DN còn bị phạt tiền chậm nộp (0,03%/ngày) trên số tiền 2,5 tỉ đồng trong 2 tháng.

Quan điểm “đánh” thuế như trên là vắt kiệt sức DN chứ không phải để nuôi dưỡng nguồn thu theo đúng tinh thần của luật Thuế. Đặc biệt, hiện nay đại dịch Covid-19 khiến DN đang vật lộn, ngập chìm trong khó khăn, nhà nước phải bằng mọi giải pháp chia sẻ, tháo gỡ, hỗ trợ chứ không phải tìm mọi cách để đánh thuế, phạt cho bằng được. Cần sửa đổi, nên để lại quy định như cũ. Còn việc công bằng hay không thì cơ quan thuế phải có thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, chứ không thể đánh đồng.

PGS-TS Ngô Trí Long (chuyên gia tài chính)

“Theo quy định cũ (Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Thông tư số 151/2014/TT-BTC năm 2014), DN căn cứ vào số thuế của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp các quý trong năm sát với thực tế kết quả sản xuất kinh doanh. Việc này hoàn toàn tạo được sự chủ động cho DN. Như trường hợp trên, DN có thể nộp 10 tỉ chia đều ra các quý. Ngoài ra, quy định cũ ngành thuế chỉ tính chậm nộp

4 quý từ sau ngày 31.1 của năm tiếp theo, tạo điều kiện cho DN có thể quyết toán năm chính xác, khó có thể bị phạt tiền chậm nộp”, vị này cho biết và đặt câu hỏi, vì sao quy định cũ đang thông thoáng, thuận lợi cho DN theo đúng tinh thần cải cách môi trường đầu tư lại bỗng nhiên bị thay đổi?
Lãnh đạo một DN tại TP.HCM bức xúc quy định như vậy sẽ đẩy DN vào rủi ro bị chiếm dụng vốn. Bởi đến hết quý 3, DN mới có kết quả kinh doanh của 3 quý nên chỉ phát sinh nghĩa vụ nộp thuế đối với kết quả kinh doanh đã đạt được. Tuy nhiên, Nghị định 126 lại yêu cầu DN tạm nộp một phần nghĩa vụ thuế của quý 4, như vậy là không hợp lý. Hơn nữa, trong môi trường kinh doanh biến động, có thể kết quả kinh doanh trong quý 4 không tốt, làm kết quả kinh doanh cả năm thấp hơn kết quả kinh doanh lũy kế đến hết quý 3. Như vậy, kể từ thời điểm ngày 30.10 hằng năm, DN đã nộp thừa thuế và Nghị định 126 hiện tại không có cơ chế để DN nhận lại số thuế tạm nộp đã nộp thừa. DN phải bù trừ số thuế nộp thừa với các nghĩa vụ thuế của năm sau hoặc chờ 6 tháng không phát sinh nghĩa vụ thuế mới được xin hoàn theo các thủ tục phức tạp.
“Quy định không phù hợp với quy trình kinh doanh của DN, nên dù có muốn thì DN cũng không có cơ sở để tuân thủ quy định. Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu (ngày 30.9), DN còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng…, nên DN không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm”, vị này nói.
Quan trọng hơn, quy định không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Từ quý 1 – 3 hằng năm, DN tạm nộp 75% số thuế TNDN của cả năm. Đến quý 4, nếu DN có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp nên làm giảm động lực phát triển kinh doanh của DN.

Không khuyến khích DN mở rộng phát triển

Tương tự, nhiều DN cũng phản ứng với quy định về “Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế” của NĐ 126. Trong khi luật thuế cho phép người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính đối với toàn bộ các đơn vị phụ thuộc, không phân biệt có được hưởng

ưu đãi thuế TNDN hay không thì NĐ 126 yêu cầu DN kê khai và nộp thuế riêng đối với các đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Như vậy, hướng dẫn thi hành tại NĐ 126 lại không đúng với nguyên tắc đưa ra tại văn bản cấp trên và các nguyên tắc thuế được áp dụng từ trước đến nay. “Quy định tại NĐ 126 tận thu và không khuyến khích DN phát triển mở rộng. Với cùng một hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ trường học, bệnh viện), DN phải triển khai các cơ sở tại nhiều địa bàn trên cả nước để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và hỗ trợ phát triển hệ thống dài hạn. Tùy vào giai đoạn phát triển của từng cơ sở và đặc điểm kinh tế của từng địa bàn mà các đơn vị trực thuộc có kết quả kinh doanh khác nhau. Theo NĐ 126 thì các đơn vị trực thuộc ở địa bàn khác trụ sở chính mà được hưởng ưu đãi thuế thì phải kê khai nộp thuế riêng, như vậy nếu lãi thì sẽ phải nộp thuế dù kết quả tổng hoạt động kinh doanh của DN lỗ. Như vậy là không hợp lý và không khuyến khích DN phát triển mở rộng”, một chuyên gia tài chính phân tích.
Theo NĐ 126, thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.
Chuyên gia trên cho rằng quy định như thế không khuyến khích DN đầu tư để hỗ trợ sự phát triển chung của xã hội. Bởi về nguyên tắc, quy định thuế khuyến khích việc đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn để phát triển xã hội bằng cách đưa ra ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh tại các địa bàn này. Tuy nhiên, theo nội dung tại NĐ 126 thì việc đầu tư tại các địa bàn này mang lại bất lợi về thuế cho các DN. Vậy tại sao họ phải mở rộng đầu tư ?
ANH VŨ
TNO