25/12/2024

Thuế, phí “bào” kiệt sức nhà đầu tư

Thuế, phí “bào” kiệt sức nhà đầu tư

Bán cổ phiếu chịu thuế 0,1%, hưởng cổ tức bằng cổ phiếu tiếp tục phải nộp thuế thêm 5%. Thuế chồng thuế, cùng hàng chục loại phí từ chuyển nhượng, phí quản lý, phí lưu ký… đang khiến nhiều nhà đầu tư thời Covid-19 kiệt quệ, ngán ngẩm.
Nhà đầu tư đang chịu nhiều loại thuế, phí /// ảnh: Ngọc Thắng
 Nhà đầu tư đang chịu nhiều loại thuế, phí ẢNH: NGỌC THẮNG

Vừa nhiều, vừa “đắt”

Để tham gia thị trường chứng khoán nhà đầu tư đang phải trả một loạt các loại phí. Đơn cử, theo biểu phí chứng khoán cơ sở của Công ty chứng khoán Quân đội (MBS), mỗi lần mua – bán, nhà đầu tư phải trả phí 0,15% tổng giá trị giao dịch (từ 700 triệu – 1 tỉ đồng). Đối với các khoản giao dịch nhỏ, mức phí sẽ càng cao, ví dụ từ 500 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng là 0,2%; từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng phí 0,25% và từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng là 0,3%.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, MBS thu phí giao dịch đóng/mở trong ngày là 5.000 đồng/hợp đồng/lượt; hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là 30.000 đồng/hợp đồng/lượt. Đáng nói, phí giao dịch trên không bao gồm các khoản phí dịch vụ khác của các cơ quan quản lý: phí chuyển tiền, thuế giao dịch, phí giao dịch, phí quản lý vị thế… Đơn cử, giá dịch vụ quản lý vị thế 2.550 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày.
Tại CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI), biểu phí giao dịch chứng khoán cơ sở cũng tương đối cao. Ví dụ, phí giao dịch trực tuyến 0,25% tổng giá trị giao dịch; với giá trị dưới 50 triệu đồng phí 0,4%, từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng phí 0,35%. Chia sẻ với Thanh Niên, anh N.Đ.K, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội, cho biết anh đã tham gia thị trường chứng khoán hơn 10 năm. Năm vừa qua có thể nói là đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19, bản thân cũng chịu thua lỗ nặng nề. Điều anh cảm thấy ngán ngẩm nhất là các khoản phí mà các công ty chứng khoán thu quá cao, không chia sẻ với mất mát của nhà đầu tư.
Anh K. lấy ví dụ, mua 3.000 cổ phiếu PVS phiên đóng cửa ngày 20.11 với giá 14.800 đồng cổ phiếu (tương đương 44,4 triệu đồng), riêng mức phí 0,4% mất gần 178.000 đồng. Nếu mua 50.000 cổ phiếu (740 triệu đồng), mất 0,25% phí tương đương 1,85 triệu đồng. “Bình thường cũng đã quá cao rồi, đằng này đại dịch Covid-19, Chính phủ liên tục giảm thuế, phí để hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, nhưng gần như các công ty chứng khoán không hề giảm cho nhà đầu tư. Đã chịu thua lỗ lại còn “gánh” phí nặng thì cũng chẳng còn động lực nào để tham gia nữa”, anh K. ngán ngẩm.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán nhằm cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 7.5 đến hết ngày 31.12.2020, có 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được giảm 50% so với quy định cũ. Đó là các khoản phí, lệ phí về: cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán; cấp giấy phép hoạt động công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; cấp giấy chứng nhận hoạt động quỹ thành viên… Tuy nhiên, với riêng các khoản phí giao dịch thì gần như các công ty chứng khoán vẫn không giảm, hoặc nếu có thì mức giảm không đáng kể.

Thuế chồng thuế

Song, điều mà khiến nhà đầu tư ức chế, nản lòng hơn cả là chính sách thu thuế. Hiện nay, khi bán chứng khoán, theo luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), người bán phải nộp thuế và có 2 lựa chọn hình thức nộp. Thứ nhất, theo lợi nhuận thực tế, tức nộp tỷ lệ 20% (của giá bán trừ giá mua, cộng chi phí hợp lý) và chỉ phải nộp khi có lãi (với các nhà đầu tư tổ chức). Riêng với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ do không có hệ thống sổ sách theo dõi nên nhà nước chọn phương án “đánh đồng” thu 0,1% doanh số bán không cần biết lãi lỗ.
Năm 2019, thương chiến Mỹ – Trung, 2020 lại đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ nặng, thậm chí “cháy” tài khoản. Với việc thu 0,1% thuế như trên thì họ cũng không “thoát” được bất cứ một đồng thuế nào. Đáng nói hơn là chính sách “thuế chồng thuế” của việc thu thuế từ chia thưởng cổ phiếu bằng cổ tức. Việc này hiểu nôm na, khi công ty làm ra lợi nhuận thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, công ty giữ tiền lại và phát hành thêm một lượng cổ phiếu tương ứng lợi nhuận để lại đó. Ví dụ, nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu A, với mức chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu 10%, nhà đầu tư này sẽ được sở hữu thêm 1.000 cổ phiếu A. Khi bán đi 1.000 cổ phiếu này sẽ phải nộp 5% trên tổng giá trị bán.
Theo nhiều nhà đầu tư, thu như thế quá vô lý, bởi khi bán cổ phiếu đã phải nộp 0,1% trên tổng giá trị bán, sau đó lại phải nộp thêm 5% như trên dẫn tới “thuế chồng thuế”. Chưa kể, lợi nhuận dùng để chia cổ tức, doanh nghiệp đã phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Như vậy không khác gì 1 lần giao dịch mà phải đóng tới 3 lần thuế.
Bất hợp lý hơn nữa, sau nhận chia “cổ tức bằng cổ phiếu” 10%, giả sử giá cổ phiếu A giảm 20%, nhà đầu tư bán cắt lỗ chặn nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN bằng 5% của 10% “cổ phiếu bằng cổ tức” trong khi thu nhập thực tế âm gần 10%. “Thuế TNCN là để đánh khi có thu nhập. Đằng này lỗ vẫn phải nộp thì công bằng ở đâu”, một chuyên gia tài chính nói và cho rằng việc chia tách cổ phiếu hay chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm giảm giá vốn/giảm giá cổ phiếu rồi, nếu thu thêm thuế là không đúng bản chất của thu nhập và bất hợp lý, không theo thông lệ quốc tế. Do đó, cần sớm loại bỏ để giảm gánh nặng cho nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh hút vốn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
ANH VŨ
TNO