Gói hỗ trợ không phải để thử thách
Gói hỗ trợ không phải để thử thách
Tuổi Trẻ từng phản ánh ‘Gói hỗ trợ chưa thấy đột phá’. Còn khảo sát 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của VNR 500 mới đây cho thấy 76,7% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ là một thực tế cần lời giải.
Tính đến thời điểm này, chỉ một số doanh nghiệp trong ngành dệt may nhận được đơn hàng đến tháng 12, còn năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng trong khi mọi năm đã nhận đơn hàng đến tháng 6.
Tiêu chí đầy thử thách
Mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “chủ lực” của nhiều doanh nghiệp may hiện giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Đơn hàng giảm mạnh cùng với áp lực chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng… đã khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.
Vừa qua, Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, song thực lòng mà nói kể cả bản thân tôi và các doanh nghiệp trong Hội Dệt may thêu đan TP.HCM đều chưa tham gia được gói hỗ trợ nào. Ngay cả việc doanh nghiệp muốn vay không lãi suất để trả lương cho nhân viên còn khó và hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận được.
Lý do theo tôi, đó là ở bộ tiêu chí, ví dụ như quy định doanh nghiệp đóng cửa rồi mới nhận được, không có doanh thu hoặc phải có nhân viên nghỉ từ 50-100% trên tổng lao động… Như vậy doanh nghiệp đã sập tiệm rồi, lúc đó còn muốn hỗ trợ gì nữa. Các tiêu chí rất rườm rà, gây khó khăn và thậm chí thử thách, đánh đố doanh nghiệp, do đó rất nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận nhưng khó quá đành buông tay, tự cứu mình hoặc rời bỏ thương trường.
Do đó, tôi cho rằng sắp tới các doanh nghiệp xuất khẩu được hay không ngành hải quan, thuế nắm được hết và nên giao cho các ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp trước nay vay để giám sát, chịu trách nhiệm, cho doanh nghiệp được vay tiền trả lương cho người lao động với lãi suất thấp. Nói cách khác là nới lỏng các điều kiện, thủ tục cũng như kéo dài thời gian hỗ trợ cho người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc với lãi suất 0%.
Hỗ trợ phải nhìn từ gốc vấn đề
Để giảm bớt chi phí và cầm cự chờ dịch bệnh qua đi, 80% doanh nghiệp trong ngành dệt may đã buộc phải cắt giảm lao động, còn những doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa. Dù các doanh nghiệp lớn vẫn sản xuất, còn bán được hàng nhưng thu được tiền hay không lại là chuyện khác. Trước đây các đối tác có thể lấy hàng trả chậm 45-60 ngày, song bây giờ họ không có doanh thu, họ yêu cầu được trả chậm từ 3-9 tháng với lý do bán hàng online.
Mặc dù nguyên liệu đầu vào cũng cho trả chậm 3-6 tháng, song nguyên liệu chỉ chiếm 50% giá thành, rất nhiều chi phí khác vẫn trả ngay, nhất là lương người lao động. Do đó, cái khó của doanh nghiệp dệt may là kẹt dòng tiền, Chính phủ muốn hỗ trợ phải nhìn cho ra cái gốc vấn đề nằm ở đây để cho doanh nghiệp vay trả lương nhân viên và hỗ trợ các chi phí khác như tiền điện, nước…
Bản thân doanh nghiệp không để người lao động thất nghiệp, nhưng Nhà nước cũng cần có các chính sách để giãn đóng bảo hiểm, cần thiết là miễn đóng bảo hiểm. Nhà nước tạm thời gánh giúp phần bảo hiểm để công nhân được lợi mà doanh nghiệp cũng bớt đi gánh nặng.
Trước đây, công nhân ngành dệt may muốn có thu nhập đủ sống phải tăng ca, bây giờ ngày làm chỉ 6 tiếng, thu nhập giảm 40%. Nếu kéo dài, lao động không thiết tha với ngành dệt may nữa. Khó đầu ra đã đành, đằng này còn khó thêm nguồn lao động nữa trong khi 2 yếu tố này là giá trị cốt lõi của ngành thì e rằng dệt may sẽ cực kỳ khó phục hồi.
* Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận (chủ tiệm Cà Mèn, quận Phú Nhuận, TP.HCM):
“Tiền tươi thóc thật” cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ
Dịch bệnh đã làm những hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống điêu đứng khi lượng khách thưa thớt, nhất là lúc phải đóng cửa do cách ly xã hội. Chúng tôi tự nỗ lực cầm cự bằng cách chuyển sang bán online, gắng chắt chiu từng đơn hàng một để tồn tại, nuôi nhân viên.
Khi dịch tạm ổn, chúng tôi kinh doanh trở lại song sức mua không như trước, trong khi chi phí, vật giá ngày một leo thang. Dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ người kinh doanh, nhưng chúng tôi không được hưởng gì ngoài hỗ trợ chung như giảm tiền điện 3 tháng. Do đó, điều chúng tôi mong mỏi trong chính sách là giảm những khoản có thể là nhỏ nhoi với một số doanh nghiệp như tiếp tục giảm tiền điện, giảm tiền nước, thuế phí… Có như thế “tiền tươi thóc thật” mới đến được các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng hạn chế kiểm tra các hộ kinh doanh trong thời điểm này. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh đẩy mạnh bán hàng online, ví dụ như một chương trình trợ giá chẳng hạn.
* Ông Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM):
Cần giảm thuế VAT, thu nhập cá nhân
Cần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ cộng đồng. Nên giảm thuế VAT những mặt hàng thiết yếu tiêu dùng, không nên giảm đều các sản phẩm.
Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập thì người lao động cũng nên được giảm thuế thu nhập cá nhân, điều này sẽ tạo nên sự công bằng giữa các loại thuế, hỗ trợ cho cá nhân có điều kiện tái tạo sức lao động.