25/12/2024

‘Bộ sậu’ IPC gây thiệt hại tiền nhà nước như thế nào ?

‘Bộ sậu’ IPC gây thiệt hại tiền nhà nước như thế nào ?

Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, việc gây thất thoát 208 tỉ đồng có dấu ấn trực tiếp của một số người trong HĐTV IPC, Sadeco đã bị khởi tố. 
Xe chở lực lượng chức năng đến khám xét trụ sở IPC vào ngày 21.11 /// ẢNH: KHẢ HÒA
Xe chở lực lượng chức năng đến khám xét trụ sở IPC vào ngày 21.11  ẢNH: KHẢ HÒA
Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC, cơ quan công an xác định dàn lãnh đạo IPC đã bán cổ phần “giá bèo” thông qua tăng vốn điều lệ cho đối tác chiến lược, gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Như Thanh Niên số ra ngày 22.11 thông tin, liên quan phi vụ bán cổ phần “giá bèo” thông qua tăng vốn điều lệ tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM đã thi hành các lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với 13 bị can về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó, nhiều bị can nguyên là lãnh đạo chủ chốt Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Sadeco (công ty con của IPC).
“Bộ sậu” IPC gây thiệt hại tiền nhà nước như thế nào ?

Bị can Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc ẢNH: CTV

Bị lũng đoạn thời đỉnh cao lợi nhuận

Sadeco vào thời điểm năm 2015 có vốn điều lệ khoảng 170 tỉ đồng. Trong đó, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp  nhà nước chiếm 62,8% (IPC 44%, Văn phòng Thành ủy TP.HCM 2,6%, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (TACONVES) 14,1%…). Nắm trong tay quỹ đất dự án hàng trăm héc ta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP.HCM, Sadeco là doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” cho IPC. Tuy nhiên, khi vào thời kỳ đỉnh cao lợi nhuận (hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm cao, với năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%), tài sản nhà nước tại Sadeco lại bị lũng đoạn, bị tư nhân “thâu tóm” với sự “can dự” trực tiếp nhiều lãnh đạo chủ chốt IPC, Sadeco…
Theo hồ sơ, ngày 10.11.2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Đến 29.6.2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử), gồm 4 thành viên gồm ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco); ông Trần Đăng Linh (nguyên Phó tổng giám đốc IPC), bà Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco) và ông Trần Mạnh Khôi (Trưởng ban Kiểm soát Sadeco; đều đã bị khởi tố) biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá, với mức giá 40.000 đồng/cổ phần. Sau đó, ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỉ đồng (tương đương 9 triệu cổ phần). Cùng ngày, Sadeco ký hợp đồng gửi 360 tỉ đồng vào một ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng.
Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco với hơn 54% vốn điều lệ. Cơ quan CSĐT xác định giá bán nêu trên đã gây thiệt hại cho Sadeco với số tiền khoảng 208 tỉ đồng.

Truy trách nhiệm nhiều “sếp” IPC

Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, việc gây thất thoát 208 tỉ đồng có dấu ấn trực tiếp của một số người trong HĐTV IPC, Sadeco đã bị khởi tố. Cụ thể, sau khi nhóm đại diện vốn của IPC và Văn phòng Thành ủy TP.HCM báo cáo xin chủ trương, ngày 2.8.2017, Sadeco tiếp tục họp HĐQT, các thành viên biểu quyết thống nhất mời Công ty Nguyễn Kim tham gia làm cổ đông chiến lược, gồm: Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc TACONVES), Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Trần Đăng Linh. Còn Trần Mạnh Khôi, Lâm Văn Tuấn (nguyên thành viên Ban Kiểm soát Sadeco) và Đoàn Minh Lý (nguyên Phó phòng Kế toán IPC) trực tiếp tham gia cuộc họp, cùng ký biên bản họp HĐQT thông qua việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim không thực hiện đấu giá… dẫn đến gây thất thoát tài sản nhà nước.
Đối với nhóm thành viên HĐTV của IPC gồm Lê Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV IPC), Phạm Xuân Trung (nguyên Phó tổng giám đốc IPC), Vũ Xuân Đức (nguyên thành viên HĐTV IPC), Nguyễn Trường Bảo Khánh (nguyên thành viên chuyên trách HĐTV IPC), Cơ quan CSĐT cho rằng với nhiệm vụ và nghĩa vụ của HĐTV IPC, các thành viên HĐTV IPC trên có trách nhiệm phải lựa chọn phương án tối ưu nhất, phương án có rủi ro thấp nhất để tránh gây thất thoát, lãng phí vốn của nhà nước. Trong việc phát hành cổ phần, thì IPC có quyền chào bán quyền mua cổ phần phát hành thêm theo phương thức bán đấu giá công khai, giá khởi điểm sẽ được xác định bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá. Tuy nhiên, Lê Hoàng Minh, Phạm Xuân Trung, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Trường Bảo Khánh vẫn đồng ý chọn phương án phát hành 9 triệu cổ phần, giá 40.000 đồng/cổ phần, cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.
Cơ quan CSĐT xác định hành vi trên của các lãnh đạo IPC thời kỳ xảy ra vụ việc đã gây thất thoát vốn nhà nước tại IPC, cấu thành tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
HOÀNG HUY
TNO