25/12/2024

Anh, Đức chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân

Anh, Đức chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân

Truyền thông Anh cho biết London có thể thông qua vắc xin của hãng Pfizer ngay trong tuần này, trong khi chính quyền Đức nói có thể bắt đầu tiêm vắc xin trong tháng sau.

 

Anh, Đức chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân - Ảnh 1.

Vắc xin của Pfizer có thể được tiêm ở châu Âu trong tháng sau – Ảnh: REUTERS

Báo Telegraph (Anh) ngày 22-11 dẫn các nguồn tin chính phủ Anh đưa tin các nhà làm luật nước này đang chuẩn bị việc đánh giá chính thức vắc xin của hãng Pfizer và đối tác BioNTech (Đức). Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cũng được yêu cầu sẵn sàng phân phối vắc xin từ 1-12.

Theo Hãng tin Reuters, Anh đã yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm y tế (MHRA) đánh giá vắc xin của Pfizer từ tuần trước. Người phát ngôn của MHRA cho biết quy trình đánh giá thuốc sẽ hoàn toàn độc lập với chính phủ và không chịu áp lực về thời gian.

Tuy nhiên, MHRA khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng “để đảm bảo dịch vụ y tế sẵn sàng cung cấp vắc xin”.

Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vắc xin COVID-19 và trong cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ tiêm phòng cho 5 triệu người.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói nước này có thể phân phối vắc xin từ tháng sau.

“Có lý do để lạc quan rằng vắc xin sẽ được thông qua ở châu Âu trong năm nay. Và khi đó chúng tôi sẽ bắt đầu (phân phối) ngay lập tức”, ông Spahn nói. Ông cho biết đã yêu cầu chính quyền các bang chuẩn bị sẵn trung tâm tiêm ngừa vào giữa tháng 12-2020.

“Tôi muốn trung tâm vắc xin sẵn sàng sớm vài ngày còn hơn là để vắc xin được thông qua mà không được sử dụng ngay lập tức”, ông Spahn nói.

Đức đã đặt hơn 300 triệu liều vắc xin COVID-19 thông qua Ủy ban châu Âu, các hợp đồng song phương… Con số này nhiều hơn nhu cầu và Berlin có thể chia sẻ vắc xin với các nước khác, Bộ trưởng Y tế Đức cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho biết nước này sẽ bắt đầu chương trình tiêm ngừa COVID-19 từ tháng 1-2021 và dự kiến tiêm được cho một phần lớn dân số trong 3 tháng đầu tiên.

Theo ông Sanchez, sẽ có 13.000 trung tâm tiêm ngừa vắc xin và nước này dự kiến thuê thêm chuyên viên y tế.

“Chúng ta vẫn còn vài tháng khó khăn phía trước nhưng chúng ta đã vẽ được bản đồ đường đi”, thủ tướng Sanchez nói.

UNICEF chuyển 2 tỉ liều vắc xin cho nước nghèo, đang phát triển

UNICEF đang làm việc với hơn 350 hãng hàng không và công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp 2 tỉ liều vắc xin và khoảng 1 tỉ ống tiêm đến các nước như Burundi, Afghanistan và Yemen trong khuôn khổ COVAX – kế hoạch phân bổ vắcxin COVID-19 toàn cầu phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo Hãng tin Reuters, COVAX – đồng dẫn đầu bởi Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI), WHO và Liên minh đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) – nhằm mục đích khuyến khích các chính phủ tích trữ vắcxin COVID-19 và tập trung vào việc ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Saudi Arabia cuối tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết phân bổ công bằng vắc xin, thuốc và xét nghiệm COVID-19 để các nước nghèo không bị bỏ rơi trong bối cảnh đại dịch.

Theo WHO, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, cơ hội tiếp cận với vắc xin là không đồng đều. Khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh không được tiêm vắc xin phòng các bệnh hiểm nghèo và tàn tật.

Cách đây 2 ngày, hãng dược Mỹ Pfizer ngày 20-11 xác nhận đã cùng đối tác BioNTech nộp đơn xin Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép dùng khi khẩn cấp với vắc xin COVID-19 do họ phát triển. Vắc xin của Pfizer và BioNTech có hiệu quả lên tới 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng trong lần thử nghiệm cuối cùng.

Vắc xin của Moderna cũng có hiệu quả 94,5%. Hai loại vắc xin nói trên đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA). Kết quả thử nghiệm tốt hơn mong đợi làm dấy lên hi vọng chấm dứt đại dịch cho tới nay đã giết chết hơn 1,3 triệu người và tàn phá các nền kinh tế trên thế giới.

TRẦN PHƯƠNG – MINH KHÔI
TTO