Thuế thu nhập cá nhân phụ thuộc vào tiền lương, tiền công

Thuế thu nhập cá nhân phụ thuộc vào tiền lương, tiền công

Thuế thu nhập cá nhân có đến 10 khoản thu nhưng vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ tiền lương, tiền công. Các nguồn thu nhập khác, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới đang vào tầm ngắm cơ quan thuế.
Thuế thu nhập cá nhân vẫn thu từ tiền công, tiền lương là chủ yếu /// ảnh: Ngọc Thắng
Thuế thu nhập cá nhân vẫn thu từ tiền công, tiền lương là chủ yếu  ẢNH: NGỌC THẮNG

10 tháng thu hơn 100.000 tỉ đồng thuế TNCN

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết theo dữ liệu khai thác Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 đạt 100.413,61 tỉ đồng, bằng 78,06% so với dự toán (dự toán ngân sách nhà nước đối với thuế TNCN năm 2020 là 128.635 tỉ đồng). Trong đó, một số khoản thu có tốc độ giảm so với cùng kỳ năm ngoái như thuế từ tiền lương, tiền công 72.547 tỉ đồng, giảm 17,81%; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân đạt 5.284 tỉ đồng, giảm 11,89%; từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS), nhận thừa kế và nhận quà tặng là BĐS đạt 12.589 tỉ đồng, giảm 5,69%; từ trúng thưởng đạt 2.332 tỉ đồng, giảm 0,57%; từ bản quyền, nhượng quyền thương mại hơn 21 tỉ đồng, giảm 22,37%; từ hoạt động cho thuê tài sản đạt 1.504 tỉ đồng, giảm 27,79%.

Kinh tế số ngày càng phát triển mạnh, các tập đoàn nước ngoài phát sinh nguồn thu nhập tại Việt Nam nên cơ quan thuế cần có giải pháp mạnh hơn và triển khai nhanh hơn các giải pháp thu thuế từ lĩnh vực này

Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC

Riêng 4 khoản thu nhập còn lại có số thu tăng như thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân đạt 3.861 tỉ đồng, tăng 0,17%; từ chuyển nhượng vốn (không gồm chuyển nhượng chứng khoán) đạt 178,6 tỉ đồng, tăng 72,72%; từ thừa kế, quà biếu, quà tặng khác trừ BĐS đạt 46 tỉ đồng, tăng 97,8%; từ chuyển nhượng chứng khoán đạt 1.699 tỉ đồng, tăng 24,15%.

Với số thu hơn 100.413 tỉ đồng trong 10 tháng qua, thuế TNCN tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tốc độ tăng lại giảm 13,45% (cùng kỳ tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018) do dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân là những nguồn thu chính của thuế TNCN bắt đầu từ quý 2. Theo phân tích của Tổng cục Thuế, số thu thuế TNCN tăng chủ yếu do những nguồn thu phát sinh từ kinh tế năm 2019 nộp trong quý 1 năm 2020 tăng khá (tăng 17,2% so với cùng kỳ). Tình hình kinh tế năm 2019 tăng khá dẫn đến các doanh nghiệp (DN) chi trả thu nhập cho người lao động trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán tăng cao. Đồng thời thị trường BĐS sôi động, thị trường chứng khoán khởi sắc nên thuế TNCN từ những nguồn này trong quý 1 cũng tăng khá. Cụ thể thu từ tiền công, tiền lương quý 1 tăng 19,1%; thu từ đầu tư vốn tăng 15,2%; hoạt động kinh doanh của hộ cá nhân tăng 6,4%; thu từ chuyển nhượng BĐS tăng 6,1%… Thế nhưng từ tháng 3, dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và tháng 4 thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều DN cắt giảm tiền lương, tiền công, cho người lao động nghỉ luân phiên, hoạt động kinh doanh của cá nhân bị đình trệ, đồng thời thực hiện gia hạn thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo Nghị định 41/2020 dẫn đến số thu thuế TNCN từ quý 2 đến hết tháng 10 chỉ bằng 97,38% so với cùng kỳ, trong đó số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công; từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân là những nguồn thu chính của thuế TNCN lần lượt chỉ đạt 94,39%; 92,88% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, sau khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới từ ngày 1.7 lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, có khoảng 1 triệu người đang nộp thuế TNCN bậc 1 không phải nộp thuế nữa. Người nộp thuế từ bậc 2 trở đi cũng giảm số thuế đóng. Chính sách này bắt đầu ảnh hưởng đến số thu thuế từ tiền lương, tiền công từ tháng 8. Cụ thể số thu từ tiền lương, tiền công tháng 8 là 4.564,71 tỉ đồng, bằng 93,2% cùng kỳ 2019; tháng 9 giảm xuống là 4.123,851 tỉ đồng, bằng 92,74% cùng kỳ 2019; tháng 10 là 6.759,047 tỉ đồng bằng 90,17% so với cùng kỳ 2019.

Ngân hàng khấu trừ tiền thuế

Dù rằng thuế TNCN có đến 10 khoản thu nhập, nhưng nhìn vào cơ cấu số thu cho thấy tỷ lệ thu thuế từ tiền công, tiền lương chiếm hơn 72,5% số thu, kế đến là từ chuyển nhượng BĐS chiếm 12,5%, thu nhập từ sản xuất kinh doanh của cá nhân chiếm 5,3%, đầu tư vốn cá nhân chiếm 3,8%… Điều này cho thấy thuế TNCN phụ thuộc vào nguồn thu nhập tiền lương, tiền công khá lớn. Trong khi đó việc thất thu từ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới được đề cập nhiều năm nay vẫn chưa thể khắc phục được.

Vẫn nên hướng đến chính sách khuyến khích cá nhân và DN tự kê khai nộp thuế như nhiều nước khác. Để làm được điều đó, phải tăng nặng việc xử phạt nếu phát hiện có hành vi trốn thuế. Việc trốn thuế phải được xử lý nặng ngang với tội tham ô vì đây cũng là ngân sách nhà nước. Xử phạt nặng mới đủ sức răn đe để ngăn ngừa những hành vi tương tự có thể xảy ra. Hơn nữa, xử phạt nặng tội trốn thuế cũng góp phần mang lại tính công bằng trong môi trường kinh doanh để các DN và cá nhân khác luôn nộp thuế đủ không bị thua thiệt.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Các cơ quan chức năng kỳ vọng từ ngày 5.12, Nghị định 126 hướng dẫn luật Quản lý thuế mới có hiệu lực sẽ có thể thu thuế từ các hoạt động của các tổ chức Google, YouTube, Netflix, Facebook… Theo đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế và việc cung cấp này định kỳ hằng tháng. Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, nhận định doanh số mà các công ty nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam như Google, Facebook, YouTube… lên hàng tỉ USD những năm qua nên nguồn thu này sẽ đóng góp vào ngân sách số thu khổng lồ nếu có giải pháp thực hiện. Trong thời đại công nghệ 4.0, kinh tế số ngày càng phát triển mạnh, các tập đoàn nước ngoài phát sinh nguồn thu nhập tại Việt Nam nên cơ quan thuế cần có giải pháp mạnh hơn và triển khai nhanh hơn các giải pháp thu thuế từ lĩnh vực này. Với giải pháp mà Nghị định 126 đưa ra, ông Hùng cho rằng có thể thu được thuế nhưng sẽ mất thời gian chờ cơ quan thuế đưa ra tỷ lệ ấn định số thuế. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng quy định của Chính phủ về việc quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử sẽ góp phần tăng thu thuế ở lĩnh vực này. Khi đã có quy định chính thức thì chắc chắn các cơ quan sẽ thực hiện được.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO