26/12/2024

Kiên trì như… giáo viên lớp 1

Kiên trì như… giáo viên lớp 1

Giáo viên lớp 1 vất vả hơn các khối lớp khác ở bậc tiểu học, nay lại phải dạy theo sách giáo khoa mới, những ‘sóng gió’ này cũng là cơ hội khẳng định tình yêu nghề và vai trò của các thầy cô.
Cô Nguyễn Thị Minh Hạnh cho rằng có 3 điều cần với giáo viên dạy lớp 1 là kiên trì, luôn duy trì được cảm xúc tích cực và học tập không ngừng /// ẢNH: T.M
Cô Nguyễn Thị Minh Hạnh cho rằng có 3 điều cần với giáo viên dạy lớp 1 là kiên trì, luôn duy trì được cảm xúc tích cực và học tập không ngừng  ẢNH: T.M

Trẻ lớp 1 bây giờ khác xưa rất nhiều

Cô Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), đã dạy lớp 1 suốt 15 năm qua, tâm sự: “Việc dạy lớp 1 như là cái duyên vậy. Không hiểu sao, mình thường xuyên được phân công dạy lớp 1 nhưng vẫn thấy nhiều thử thách. Cái khó ở đây là chuyển học sinh (HS) từ vui chơi là chủ đạo sang việc học tập. Giáo viên (GV) sẽ đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình học tập cả đời của HS, nếu không cẩn thận sẽ làm các con mất hứng thú với việc khám phá tri thức và đóng lại mọi lối đi với việc học tập”.
Cô Hạnh nhận thấy HS bây giờ khác xưa rất nhiều, điều đó cũng đặt ra thách thức mới cho GV về phương pháp làm việc cũng như giáo án để nuôi dưỡng được trí tò mò của các con.
Theo cô Hạnh, 3 điều cần với GV dạy lớp 1 là kiên trì, luôn duy trì được cảm xúc tích cực và học tập không ngừng.

Phải vừa dạy vừa dỗ

Kiên trì là phẩm chất bất cứ GV nào cũng nhắc tới khi dạy lớp 1. Năm học này, dạy lớp 1 càng khó bởi trẻ mầm non 5 tuổi không được đến trường. GV cũng không có tuần đệm để rèn luyện HS lớp 1 như các năm trước. Trò chuyện với GV lớp 1 nào, phóng viên cũng đều được cho biết “phải vừa dạy vừa dỗ”, nhất là những ngày đầu năm học mới.

Để dạy tốt, điều mình cho là quan trọng hơn cả, đó là tình yêu thương của giáo viên dành cho học sinh chứ không phải là công cụ hỗ trợ nào

Cô Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội)

Ví dụ, đang giờ học, các con liên tục “thưa cô”: “bạn A lườm con”, “bạn B trêu con”, “bạn C bảo con béo phì”… Chưa kể, các con liên tục xin đi vệ sinh vì có thể ngồi mãi một chỗ buồn bực. Nhiều khi một em trong lớp đi là cả lớp xin ra ngoài vệ sinh. Có em đi lâu chưa thấy quay lại là GV phải đi tìm, đề phòng các em cần trợ giúp; có em đi lạc, không nhớ lớp mình là lớp nào để về… là những chuyện thường xuyên với HS lớp 1.

HS lớp 1 cũng là năm đầu tiên bước vào giai đoạn phổ thông nên cả gia đình quan tâm đặc biệt, nhất là ở khu vực thành thị. Do vậy, chỉ cần con đọc chậm, viết chữ chưa đẹp là bố mẹ lại hoảng hốt, vô tình gây áp lực lên GV. Do vậy, hết giờ lên lớp về nhà, GV còn phải trả lời vô số câu hỏi, thắc mắc, đôi khi là giận dữ của phụ huynh HS khi con mình gặp phải một vấn đề nào đó. Nếu không nhẫn nại thì chắc chắn GV lớp 1 khó đứng vững.
Chính vì vậy, theo cô Hạnh, ngoài dạy dỗ HS, cô còn phải tương tác với phụ huynh. GV cần cung cấp đầy đủ cho các gia đình về quan điểm giáo dục của nhà trường cũng như những giải pháp mà HS đang cần để tìm kiếm sự đồng thuận từ phụ huynh.

Luôn bày trò vì học sinh nhanh chán

Quen nếp sinh hoạt của trẻ mầm non, HS mới vào lớp 1 rất khó có thể quen ngay với việc ngồi học một mạch trong 1 tiết học rồi mới được ra chơi. Nếu phải ngồi im lặng hoặc chỉ nghe cô giảng rồi đọc, viết, làm bài… các em rất dễ khủng hoảng tâm lý, chán học, sợ học. Do vậy, GV phải nghĩ ra các phương pháp dạy học để tạo sự hào hứng, tùy từng đối tượng HS và điều kiện dạy học.
Cô Bàn Thị Hương, GV lớp 1 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh), cho hay 100% HS ở đây là người dân tộc Dao. Các em thường rụt rè, nhút nhát, ít thể hiện bản thân. Thời gian đầu, cô trò lớp 1 của trường khá vất vả để dạy – học ghép vần, tập đọc. Tuy nhiên, sau 2 tháng, với việc chủ động, linh hoạt áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực, phân loại HS để kèm cặp, HS lớp cô Hương đã giảm tình trạng “học trước quên sau”, 50% HS có thể đọc trơn tru. Ví dụ, cô giáo chiếu lên màn hình hình ảnh một số loài vật. Tương ứng với mỗi vần mà HS vừa được học, cô “đố” trò tìm được con vật nào mà tên gọi có chứa vần đó. Phía dưới lớp, hàng loạt cánh tay HS giơ lên. Nhiều em còn đứng hẳn dậy giơ tay để cô chú ý và gọi lên bảng giải đố.
Tương tự, thay vì cho HS quan sát sách giáo khoa rồi tự điền đáp án vào vở bài tập, giờ ôn tập môn toán, cô giáo Lê Thị Thảo, lớp 1A6 Trường tiểu học An Lư (H.Thủy Nguyên, Hải Phòng), tổ chức cho lớp chơi trò chơi. Cô đưa ra câu hỏi rồi gọi một HS lên bảng tìm đáp án đúng trong các hình được chiếu trên bảng điện tử. HS trả lời xong, thay vì GV nhận xét, tự em sẽ mời các bạn nhận xét đáp án của mình. Cứ thế, tiết học trôi qua trong không khí sôi nổi, hào hứng của những “nhân vật chính”. Cách dạy học như vậy, HS được nói, được làm nhiều hơn, không thấy việc học là đáng sợ.
Cô Hạnh cũng cho rằng ngày xưa, ngữ liệu hỗ trợ giảng dạy còn hạn chế. Bây giờ với sự phát triển của công nghệ, GV có thêm rất nhiều công cụ như clip kể chuyện, trò chơi tương tác online, những bài hát… Do đó, GV cần phải học tập để làm chủ công nghệ, vừa giúp HS hứng thú với bài học, vừa giúp mình đỡ vất vả hơn và giúp quá trình tương tác, phối hợp giữa GV và từng phụ huynh dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cô Hạnh cũng cảnh báo: Công nghệ chỉ để hỗ trợ chứ chưa thể thay thế được người thầy. Bởi vì học tập là một quá trình tương tác giữa con người với con người, máy móc không làm được việc ấy. “Để dạy tốt, điều mình cho là quan trọng hơn cả, đó là tình yêu thương của GV dành cho HS chứ không phải là công cụ hỗ trợ nào”, cô Hạnh chia sẻ.
TUỆ NGUYỄN
TNO