Chúa Nhật XXXIII TN A 2020: Tinh thần nghèo khó của các thành tử đạo Việt Nam

Chúa Nhật hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các vị tử đạo anh hùng để mời gọi chúng ta nhìn vào gương sống của các bậc hiền nhân mà tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu.

Chúa Nhật XXXIII TN A 2020

Tinh thần nghèo khó của các thành tử đạo Việt Nam

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các vị tử đạo anh hùng để mời gọi chúng ta nhìn vào gương sống của các bậc hiền nhân mà tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu.

Hôm nay lại là ngày 15 tháng Mười Một, Ngày Quốc tế Người nghèo, thế giới mời gọi chúng ta khám phá ra những người nghèo quanh ta để giúp đỡ họ. Vì thế, trong ít phút này chúng ta cùng nhau tìm hiểu tinh thần nghèo khó của các thánh tử đạo Việt Nam.

1. Tinh thần nghèo khó là gì?

Nói đến nghèo khổ, chẳng ai trong chúng ta lại muốn thế, vì người ta thường nghĩ rằng nghèo khổ là có rất ít những phương tiện, không đủ để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của đời sống vật chất như quần áo, thực phẩm, nhà cửa, xe cộ hoặc của đời sống tinh thần như kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Chẳng ai trong chúng ta lại muốn mình trở thành một người nghèo, bởi vì nước nào, chính phủ nào cũng muốn cho dân giàu, nước mạnh, có nhiều phương tiện vật chất cũng như tinh thần để giúp mọi người sống ấm no, hạnh phúc.

Tinh thần nghèo khó càng không phải là nghèo khó về tinh thần, nghĩa là có rất ít những giá trị tinh thần, không đủ để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của tinh thần như khoa học, nghệ thuật, đạo đức, chân thiện mỹ…

Đối với những người tín hữu Kitô, tinh thần nghèo khó là phúc đầu tiên trong Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (x. Mt 5,1-12). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chú ý đến phúc đầu tiên trong Hiến chương Nước Trời để nhắc nhở rằng tinh thần nghèo khó ấy sẽ giúp chúng ta biến đổi và thăng hoa chính mình như Đức Giêsu. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa cao cả, giàu sang và quyền năng vô cùng, nhưng đã tự nguyện trở thành con người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Con người đó không phải là một ông hoàng bà chúa nào đó trong sống những cung điện giàu sang, nhưng là một người thợ mộc bình thường trong một thôn làng Nazareth nhỏ bé của một dân tộc Israel bị đế quốc Roma đô hộ.

Người sống giữa chúng ta trong tinh thần nghèo khó đó để làm cho chúng ta trở thành giàu sang như Người. Giàu sang đến độ, khi ta đón nhận Người, thì ta hoà nhập thành một với Người, trở thành Thiên Chúa như Người, tràn đầy quyền năng, ân phúc và sự phong phú phi thường của Thiên Chúa. Đó là tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu.

Tinh thần ấy từ bỏ tất cả những gì thuộc về con người, đón nhận tất cả những gì gọi là thập giá trong cuộc sống hằng ngày để cùng với Chúa Giêsu cứu độ thế giới, rồi qua đó sẽ thấy mình biến đổi phi thường. Đó cũng là nội dung lời kêu gọi của Chúa Giêsu Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ” (Lc 9,23).

Vì thế, những ai sống theo tinh thần nghèo khó này phó thác trọn vẹn đời sống mình trong sự an bài đầy tình yêu và quyền năng của Cha Trên Trời. Họ nhận Chúa là gia nghiệp của đời mình. Họ trở thành những tên ăn mày trong thời đại hôm nay, giống như những đệ tử Cái Bang của Trung Quốc thời trước, sống an nhiên, quảng đại và chỉ biết cùng theo Chúa Giêsu như Bang chủ để hành hiệp giang hồ!

2. Các vị tử đạo Việt Nam đã sống tinh thần nghèo khó này như thế nào?

Trở về quá khứ vài ba trăm năm trước, từ thế kỷ XVII, khi tin theo Đức Giêsu, cha ông của chúng ta đã phải bỏ đi rất nhiều, khiến họ trở thành những người nghèo khó về đời sống vật chất và cả tinh thần nếu hiểu theo một khía cạnh nào đó. Thật vậy, với lý lịch theo đạo Gia Tô (phiên âm từ Giêsu thời trước), họ không còn dễ dàng sống như các người dân khác trong đất nước vì không được đi học, đi thi làm quan, không được tự do hành nghề, buôn bán – vì ngày xưa sản xuất hay buôn bán mặt hàng gì đếu phải ghi danh theo phường. Do đó, người Công giáo rơi vào tình trạng khốn khó. Chưa kể những lúc bị bách hại nặng nề, họ bị lương dân bắt bớ. Với hai chữ “Tả đạo” thích trên trán hay trên má, họ phải đi làm nô lệ cho người khác. Chế độ “phân tháp” đã phân tán gia đình người Công giáo, rồi tháp vào gia đình lương dân khiến cho cha mẹ, vợ chồng, con cái xa lìa nhau.

Nhưng, các vị tiền bối anh hùng của chúng ta dám chấp nhận tất cả, từ bỏ tất cả để sống trong niềm vui, bình an và phó thác đời mình cho Chúa. Họ vẫn yêu thương, vâng phục mà không oán hận, thù ghét những người bách hại mình. “Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (x. Kh 7,9-17).

Trong đời sống hằng ngày, họ làm chứng cho những giá trị Tin Mừng của Chúa Giêsu: ý thức dân chủ, chung thuỷ với gia đình một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ. Họ yêu thương và trung thành với nhau, dù rằng vợ một nơi, con một nẻo.. Vì không được dễ dàng làm ăn, buôn bán, nên người tín hữu sống rất đoàn kết, cùng nâng đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Họ truyền nghề cho nhau, dạy nhau chữ quốc ngữ và những khoa học vệ sinh thường thức. Làm ra cái gì thì cũng phải thật tốt, bán ra hàng nào thì cũng thật rẻ, nên ai cũng muốn giao thiệp với người Công giáo.

Vì thế, dần dần các làng người Công giáo trở thành những trung tâm trù phú, những nơi tụ hội của những con người học thức, sống khoẻ mạnh, giàu sang, hạnh phúc. Số người tin theo Chúa Giêsu càng ngày càng đông. Như thế tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu đã biến đổi con người và xã hội Việt Nam trở thành những con người giàu có để sống đúng với nhân phẩm của mình. Trong thời bắt đạo gay gắt nhất từ năm 1840-1885, số tín hữu chiếm tới 12% dân số. Hiện nay, Công giáo chiếm khoảng 6,1%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người đã hiểu sai tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu, nhất là bị ảnh hưởng bởi phái khắc kỷ và kiểu sống khó nghèo của các tu sĩ. Họ chủ trương rằng, tinh thần nghèo khó đó phải khởi đầu từ sự từ bỏ nhũng của cải, phương tiện trong đời sống vật chất. Họ không dám ăn, dám mặc, dám dùng những thứ hàng có chất lượng cao để bắt chước Chúa Giêsu sống nghèo khổ, tồi tàn. Thậm chí họ cũng chẳng dám nghĩ đến những giá trị tinh thần cao cả để thúc đẩy mình theo học những ngành nghề đòi hỏi khả năng cao như ngành y khoa, thông tin điện tử và bằng lòng với sở học yếu kém của mình! Họ sợ sự giàu sang, nổi tiếng và coi đó là những cạm bẫy nguy hiểm cho đời sống đạo đức. Cuộc đổi đời của người Công giáo cho xã hội Việt Nam đã bị chậm lại và số người tin theo Đức Giêsu đã bị sút giảm!

Tôi xin chia sẻ một thí dụ cụ thể của người tín hữu Công giáo Hàn quốc để minh hoạ cho tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu. Tôi đã sang thăm Giáo hội Hàn Quốc 3 lần. Họ hiểu rằng tinh thần nghèo khó không ngăn cản người Công giáo làm giàu và sống sung túc để có thể trợ giúp đồng bào mình. Các người giàu ở thành phố góp tiền mở các siêu thị để bán các hàng của người Công giáo. Họ mua các nông sản của người Công giáo ở thôn quê, các hàng tiểu thủ công nghiệp, bao tiêu sản phẩm để bảo đảm cho các nông dân an tâm sản xuất, gửi các đoàn kỹ sư về nông thôn để dạy nghề, dạy cách nâng cao năng suất, bón phân, phun thuốc trừ sâu đúng kỹ thuật, cho vay vốn với lãi suất thấp. Họ cùng giúp nhau làm giàu. Số tín hữu Công giáo từ 1% dân số toàn quốc vào năm 1949 đã tăng đến 18% vào năm 2015.

Tôi đã đến thăm thành phố Hyundai của người Công giáo với gần 2.000 toà nhà cao tầng mà trước đó 30 năm chỉ là một rừng cát hoang vắng, cằn cỗi. Tôi đến thăm xưởng đóng tàu thuỷ của công ty này, cứ 3 ngày cho xuất xưởng 1 tàu trọng tải 100.000 tấn, và thăm nhà máy sản xuất ô tô: cứ 12 phút cho ra 5 chiếc xe mới từ một tấm thép ở đầu vào trên 5 dây chuyền; dưới bãi biển có khoảng 500.000 chiếc xe mới chuẩn bị lên tàu chở đi bán khắp thế giới. Người Công giáo Hàn quốc đã thay đổi đất nước của họ nhờ những giá trị của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Lời kết

Ôn lại bài học lịch sử làm chứng về tinh thần nghèo khó của các thánh tử đạo Việt Nam, có lẽ chúng ta cần học lại bài học từ bỏ của Chúa Giêsu để thật sự làm sống lại những giá trị của Tin Mừng.