26/12/2024

“Hồi sức” cho ĐBSCL

“Hồi sức” cho ĐBSCL

Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thủy điện sông Mê Kông, các vấn đề phát triển nội tại thiếu bền vững…, ĐBSCL đang cần một quy hoạch tổng thể, đa ngành đủ sức giúp khu vực này “trụ vững” giữa những thách thức.
Nuôi trồng thủy sản được xem là lĩnh vực mũi nhọn của ĐBSCL /// Ảnh: Đình Tuyển
Nuôi trồng thủy sản được xem là lĩnh vực mũi nhọn của ĐBSCL  ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Giảm lúa, ưu tiên thủy sản

Ngày 20.11 tại Cần Thơ, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành mà luật Quy hoạch quy định.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhận định: “ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những thiên tai khác gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân; tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng”. Trong bối cảnh đó, ĐBSCL cần có một quy hoạch tổng thể trong giai đoạn mới trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, được xử lý đồng bộ với tầm nhìn dài hạn.
Theo dự thảo, ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo sẽ ưu tiên phát triển bền vững với các mục tiêu nổi lên là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường. Cụ thể, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận, sự ổn định làm chỉ tiêu chính thay vì chạy theo số lượng. Sản xuất lúa sẽ giữ ở mức cần thiết tối thiểu, tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào vùng có lợi nhất, giảm và tiến tới bỏ lúa vụ 3, những khu vực khác cho phép chuyển đổi. Nuôi trồng thủy sản được xem là lĩnh vực mũi nhọn để tăng thu nhập đi đôi với đầu tư hạ tầng thuận lợi.
Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ… đều có những đóng góp, đáng chú ý là định hướng quy hoạch cần quan tâm đến phát triển kinh tế biển và ven biển, xây dựng và phát triển vùng kinh tế biển năng động…

Giúp ĐBSCL “khỏe mạnh” hơn

Chia sẻ về Quy hoạch tổng thể của Bộ KH-ĐT, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông, nhận định đây là quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên trong lịch sử cho ĐBSCL, bởi trước khi có luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch đều mang tính đơn ngành và cục bộ địa phương.
Trước đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao theo Nghị quyết số 120 (tháng 11.2017) về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Bộ KH-ĐT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã cơ bản hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện. Dự kiến quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12.2020.

“Có thể kỳ vọng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL, trong đó tựu trung là bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh chạy theo số lượng trong một thời gian dài. Quy hoạch sẽ thúc đẩy cải cách nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, giảm đê bao khép kín ở vùng lũ, chuyển đổi hệ thống canh tác ở vùng ven biển nương theo, thích ứng theo mùa mặn – ngọt, gia tăng chế biến, xây dựng chuỗi giá trị, đầu tư vào logistics, cải thiện giao thông, cải thiện thị trường là giải quyết đúng trọng tâm của phức hợp vấn đề. Cải cách nông nghiệp theo hướng này sẽ giúp phục hồi đất đai, giảm ô nhiễm sông ngòi để có nguồn thay thế nước ngầm, giảm tốc độ sụt lún, giảm xâm nhập mặn, giảm ngập đô thị do thủy triều”, ông Thiện nói.

Cũng theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, sẽ có những vấn đề bản thân quy hoạch trên không giải quyết được như thiếu hụt phù sa, thiếu cát do thủy điện ở thượng nguồn, gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Tuy nhiên, giải quyết được những vấn đề nội tại của ĐBSCL thì ắt sẽ làm cho khu vực này “khỏe mạnh” hơn, tăng “sức đề kháng” ứng phó với các yếu tố biến động từ bên ngoài.
ĐÌNH TUYỂN
TNO