24/11/2024

Chia sẻ, thấu cảm với giáo viên

Chia sẻ, thấu cảm với giáo viên

Dịp 20-11, nên là ngày để xã hội nhìn lại, hiểu và chia sẻ với thầy cô, cùng bàn luận và tìm giải pháp cho những bất cập trong ngành.

Chia sẻ, thấu cảm với giáo viên - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Gia Định, TP.HCM chúc mừng cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân nhân Ngày nhà giáo VN – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau những lời chúc mừng, lẵng hoa rực rỡ, nhà giáo quay lại với những thách thức nghề nghiệp và cuộc sống. Nó như những màn pháo hoa thật đẹp, lung linh nhưng chỉ bừng sáng trong ít phút. ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương – người sáng lập FAROS Education & Consulting và đưa mô hình “trường học kiến tạo” về Việt Nam – nhận xét như vậy khi nói về chủ đề tôn vinh thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Theo bà Phương, “20-11 nên là ngày để xã hội nhìn lại, hiểu và chia sẻ với những gánh nặng mà giáo viên đang phải chịu đựng, để bàn luận và tìm giải pháp cho những vấn đề còn bất cập trong ngành, trong đó có chế độ, chính sách dành cho nhà giáo”.

* Gần đây, bên cạnh nhiều kỳ vọng, đòi hỏi, xã hội cũng bắt đầu có sự chia sẻ với nghề giáo. Bà có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?

– TS Thomas Gordon, người từng được 3 lần đề cử giải Nobel hòa bình – tác giả chương trình đào tạo “Giáo viên hiệu quả”, có câu nói nổi tiếng: “Giáo viên cũng là con người”. Nghĩa là giáo viên cũng có những hỉ, nộ, ái, ố; có những vất vả, lo toan sau cánh cổng trường; họ cũng có gia đình, có con cần phải đón sau giờ học… Không những thế, giáo viên còn đang phải xoay xở với sĩ số học sinh/lớp quá cao, hệ thống chương trình – sách giáo khoa còn nhiều bất cập…

Tôi có đầu tư vào một số trường tư thục và mới đây một giáo viên trong trường chúng tôi bị khiển trách. Nguyên nhân là vì hôm đó phụ huynh đến đón con trễ quá, cô giáo chờ đến 19h30 vẫn chưa thấy phụ huynh đến, đành gửi bé cho bác bảo vệ rồi ra về. Khi đến đón con, phụ huynh đã rất giận dữ và trách móc cô giáo. Mọi người đâu biết rằng con cô giáo mới 2 tuổi, hôm đó lại là ngày giỗ bố chồng của cô. Xã hội và các phụ huynh đừng ngưỡng vọng nhà giáo như những vị thánh mà cần có cái nhìn công tâm, thấu cảm hơn.

Thu hút người giỏi đến với giáo dục không chỉ là chế độ phúc lợi mà phải là sự trân trọng, sự thấu cảm, sự hỗ trợ, san sẻ… của các cấp quản lý, của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung. Ngoài ra, cũng cần có chế độ cởi mở hơn, thoáng hơn trong công tác đào tạo giáo viên cũng như việc mời gọi chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực đến giảng dạy cho học sinh trong nhà trường phổ thông.

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương

* Nhiều giáo viên tâm sự họ đang phải chịu rất nhiều áp lực, trong đó áp lực về phía phụ huynh là kinh khủng nhất…

– Tôi nghĩ đây là câu chuyện ở các đô thị lớn của Việt Nam, nơi tập trung nhiều phụ huynh có điều kiện về kinh tế. Người ta gọi những phụ huynh này là “phụ huynh trực thăng”, luôn bay vòng vòng trên đầu con cái và sẵn sàng can thiệp vào bất cứ vấn đề gì ở trường học. Những phụ huynh này có thể có sự hiểu biết hơn, có thu nhập tốt hơn thầy cô giáo, họ đóng học phí ở mức cao…

Đó là điều không lành mạnh, đáng báo động bởi cho dù phụ huynh có học vị cao đến đâu thì cũng sẽ có những việc không thể làm thay vai trò thầy cô. Các bậc cha mẹ cần phải có sự tin cậy và tôn trọng nhất định đối với giáo viên của con em mình.

Đứa trẻ rất nhạy cảm, chúng quan sát và chứng kiến cha mẹ mình có thái độ khinh thường, lấn lướt thầy cô giáo, rồi trẻ lại thấy thầy cô của mình khúm núm với cha mẹ mình thì sự kính trọng người thầy khó mà tồn tại trong học sinh. Tai hại hơn, đứa trẻ còn có thể có suy nghĩ lệch lạc, rằng có tiền là mua được tất cả, không cần trân quý tri thức, trân quý người dẫn dắt mình tìm đến tri thức…

Vì thế, việc phụ huynh tôn trọng thầy cô giáo của con là thái độ cần thiết phải có, chính vì lợi ích của chính con em mình chứ không phải ai khác. Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường phải là mối quan hệ đồng kiến tạo.

Chia sẻ, thấu cảm với giáo viên - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chúc mừng cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam sáng 19-11 – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Vậy theo bà, người thầy ngày nay cần có những hỗ trợ như thế nào để làm tốt vai trò của mình, đồng thời giữ được “lửa nghề”?

– Nhà giáo ở ta đang bị quy cho rất nhiều trách nhiệm nhưng lại có rất ít sự chuẩn bị, hỗ trợ để đối mặt với vấn đề đó. Một học sinh hư, lỗi không thể chỉ do nhà trường. Cần bóc tách ra, gia đình các em đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình chưa. Ở nhà mà cha nói chuyện bằng bạo lực, mẹ chửi thề thì làm sao học sinh ngoan được. Chưa kể, bầu không khí xã hội với nhiều thang giá trị đảo lộn cũng tác động mạnh mẽ đến nhân cách học sinh.

Đã thế, các chương trình tập huấn giáo viên hiện nay tập trung nhiều vào vấn đề chuyên môn, vào việc phải dạy bài này như thế nào, kiểm tra – đánh giá học sinh ra sao mà ít có những đợt tập huấn hướng dẫn giáo viên kết nối và tìm sự hỗ trợ từ gia đình học sinh, bản thân học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, đồng nghiệp… để thực hiện tốt công việc của mình.

Chúng ta muốn có nền giáo dục khai phóng thì phải khai phóng cho thầy cô giáo trước đã. Bên cạnh đó, chính sách lương và phúc lợi cho nhà giáo cần được cải thiện chứ không thể hô hào suông. Hiện nhiều giáo viên vẫn phải đi dạy thêm ngoài giờ, phải bán hàng online để có thêm thu nhập thì sẽ rất khó yêu cầu các thầy cô làm tốt vai trò của mình.

Không còn “chuột chạy cùng sào…”

Những năm gần đây, việc học sinh lớp 12 chọn ngành nghề đã có sự chuyển biến, trong đó nhiều học sinh giỏi đã chủ động chọn trường sư phạm và cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” không còn đúng nữa. Thế hệ trẻ ngày nay có sự quan tâm rất lớn đến môi trường, đến những vấn đề xã hội…

Các em không còn thiếu ăn thiếu mặc như ông bà, cha mẹ mình ngày xưa nên định hướng ngành nghề có sự thay đổi. Nếu những thế hệ trước chọn ngành nghề theo mức lương và sự ổn định thì thế hệ trẻ bây giờ ưu tiên chọn nghề nào tạo được tác động xã hội lớn nhất, mà sư phạm là một trong những ngành đáp ứng được nhu cầu này.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
TTO