Vì sao không nên bỏ qua chỉ số năng lượng, dinh dưỡng… trên nhãn thực phẩm?
Vì sao không nên bỏ qua chỉ số năng lượng, dinh dưỡng… trên nhãn thực phẩm?
Việc bỏ qua các thông tin ghi trên nhãn khiến bạn sử dụng quá mức thực phẩm, không kiểm soát được năng lượng ‘‘nạp’’ vào cơ thể, là một trong nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì do mất cân bằng dinh dưỡng đang ngày càng tăng ở khu vực thành thị, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi của học sinh còn cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn và nhóm học sinh trung học.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: khẩu phần ăn của học sinh hiện nay chứa năng lượng và protein cao hơn nhiều do với ngưỡng khuyến nghị, nhưng lại chưa đạt ngưỡng với các vi chất như sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin.
Thói quen sử dụng các thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn đang trở nên phổ biến. Nhưng chính các thức ăn chế biến bao gói, đóng hộp, ngoài việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, lại có một số chất dinh dưỡng cần hạn chế, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nguy cơ béo phì.
Tuy nhiên, một chuyên gia về dinh dưỡng cộng đồng đánh giá, phần đông người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen đọc thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm. Với không ít người, khi mua thực phẩm bao gói (sữa, bánh, kẹo, đồ uống), hầu như mới dừng ở kiểm hạn sử dụng, nhà sản xuất và các thông tin chung chung như: nhiều đường, ít đường, nguyên kem, tách béo.
Trong khi đó, để biết chính xác về tổng năng lượng, thành phần dinh dưỡng, trước khi mua, sử dụng cần đọc đầy đủ các chỉ số ghi trên nhãn như: chất béo, đường, thành phần dinh dưỡng được cung cấp so với nhu cầu khuyến nghị.
Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, về cơ bản, nhãn dinh dưỡng sẽ có các thông tin về kích cỡ một khẩu phần (serving size), thể hiện theo các đơn vị trọng lượng như: gram hoặc thể tích (ml) hoặc đơn vị đo lường khác như cốc, chén, thìa/ muỗng…); số lượng khẩu phần có trong gói sản phẩm.
Cần lưu ý, các thông tin dinh dưỡng trên nhãn là giá trị dinh dưỡng của sản phẩm cho 1 đơn vị khẩu phần. Nếu ăn 2 khẩu phần thì năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ được tính gấp đôi. Nếu ăn 3 khẩu phần thì năng lượng và các chất dinh dưỡng được tính gấp 3 lần.
Trung bình, nhu cầu dinh dưỡng được tính dựa trên nhu cầu về năng lượng hàng ngày từ thức ăn. Một người trưởng thành trung bình cần 2.000 kcalo.
Người tiêu dùng không nên bỏ qua thông tin về chỉ số phần trăm chất dinh dưỡng (% daily value), vì nội dung này cho biết giá trị dinh dưỡng của từng chất dinh dưỡng trong 1 khẩu phần ăn, so với lượng chất dinh dưỡng đó được khuyến nghị sử dụng hàng ngày.
Khi giá trị phần trăm (%) chất dinh dưỡng ít hơn hoặc bằng 5% thì được coi là hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Trong đó, một số chất dinh dưỡng có hàm lượng thấp tốt cho sức khỏe như: chất béo bão hòa (saturated fat), chất béo trans, cholesterol, natri (sodium).
|
Khi giá trị % dinh dưỡng lớn hơn hoặc bằng 20% thì được coi hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Một số chất dinh dưỡng có hàm lượng cao tốt cho sức khỏe như: chất xơ (fiber); và không tốt cho sức khỏe, nếu đó là chất béo bão hòa, cholesterol, natri…
Vẫn còn nhiều sản phẩm ghi nhãn dinh dưỡng không đầy đủ
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc ăn nhiều chất béo (total fat) như: các chất béo bão hòa và chất béo Trans; cholesterol hay natri đều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, không tốt cho sức khỏe. Do đó, nếu chú trọng và đọc đầy đủ thông tin ghi trên nhãn, sẽ giúp lựa chọn thực phẩm phù hợp nhất.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các loại thực phẩm đóng gói đều phải có nhãn ghi thành phần dinh dưỡng dán trên bao bì thực phẩm. Dựa vào nhãn dinh dưỡng, người tiêu dùng sẽ biết được lượng calo, chất dinh dưỡng có trong mỗi khẩu phần ăn và có quyết định chọn mua sản phẩm phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với những người đang điều trị các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường,… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, các thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa và phải được thể hiện bằng tiếng Việt, sản phẩm nhập khẩu cần có nhãn phụ.
Riêng đối với mặt hàng thực phẩm, đồ uống, ngoài những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn như đối với các hàng hóa khác, các nội dung bắt buộc khác cũng được ghi, như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần (dinh dưỡng), các cảnh báo và hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Hiện nay, các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, đồ uống và phần lớn hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu đều đã tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa.
Song vẫn còn nhiều các sản phẩm thực phẩm trên nhãn có ghi thành phần nhưng không ghi rõ hàm lượng, tỷ lệ; không thể hiện năng lượng khẩu phần cung cấp, khiến người dùng khó đánh giá được mức đáp ứng so với nhu cầu, do đó có thể sử dụng nhiều hơn mức cần thiết.
Đừng để bị đánh lừa – hãy là người tiêu dùng thông thái, có thói quen đọc thật kỹ nhãn dinh dưỡng để lựa chọn sản phẩm phù hợp; nói không với sản phẩm không ghi nhãn đầy đủ hoặc mập mờ về thành phần, cảnh báo.
Các công trình trước đây của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã chỉ ra rằng, các chính sách ghi nhãn thực phẩm có liên quan đến việc tăng 18% số người lựa chọn các sản phẩm thực phẩm lành mạnh hơn. Đối với các loại ghi nhãn, phía trước của gói (FOP) được coi là hiệu quả hơn so với ghi nhãn phía sau của gói (BOP).
Năm 2014, cả New Zealand và Úc đều áp dụng chương trình dán nhãn dinh dưỡng FOP tự nguyện, cụ thể là, xếp hạng sao sức khỏe (định HSR), đánh giá hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói theo thang năm sao: từ nửa sao (kém lành mạnh nhất) đến năm sao (khỏe mạnh nhất).
Theo báo cáo đánh giá của hệ thống HSR do Chính phủ New Zealand và Chính phủ Úc ủy quyền, hầu hết người tiêu dùng Úc và New Zealand đã phản ứng tích cực với hệ thống, 23% người Úc được khảo sát và 28% người New Zealand đã sử dụng HRS để chọn các sản phẩm tốt cho sức khỏe
NAM SƠN
TNO