28/12/2024

Vào đại học từ căn nhà hoang không điện, nước

Vào đại học từ căn nhà hoang không điện, nước

Sống trong căn nhà hoang xuống cấp dột nát do hàng xóm cho ở nhờ, một mình Phạm Thị Thẻo bươn chải, quyết tâm theo đuổi sách vở để vào đại học với một khát vọng sẽ được đổi đời.

 

Vào đại học từ căn nhà hoang không điện, nước - Ảnh 1.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ hỗ trợ thêm cho Phạm Thị Thẻo 5 triệu đồng tại lễ trao học bổng – Ảnh: TẤN LỰC

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cô học trò Phạm Thị Thẻo cùng mẹ rời vùng quê nghèo heo hút bên đầm Hà Trung (Thừa Thiên Huế) vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng.

Tuổi thơ gian khó, lầm lũi

Sinh ra và lớn lên ở xã Vinh Hà (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cô nữ sinh có cái tên rất đặc biệt – Phạm Thị Thẻo, luôn sống trong những khó khăn, gian khổ từ khi vừa sinh ra. Quãng thời gian đi học là sự nỗ lực phi thường của cô cựu học sinh trường THPT Hà Trung khi vừa lọt lòng. Ba mẹ con chỉ biết nương tựa nhau trong căn nhà hoang tồi tàn, xuống cấp của một người dân tốt bụng cho ở nhờ.

Vùng quê nghèo cát trắng cằn cỗi không thể kiếm tiền nuôi con nên bà mẹ phải lăn lội, ngược xuôi vào Nam, lên Tây Nguyên làm thuê, giúp việc nhà để chắt chiu gửi tiền về nuôi con. Lên cấp 3, chị gái Thẻo cũng đi phụ quán ăn cho người ta, cô gái 16 tuổi phải ở nhà một mình, lủi thủi trong căn nhà nhỏ không điện, không nước sạch, với một quyết tâm sắt đá “không bỏ học”. Vì với Thẻo – đây là con cách duy nhất để có thể đổi đời, nuôi mẹ, giúp chị vượt qua cuộc sống khó khăn.

Vào đại học từ căn nhà hoang không điện, nước - Ảnh 2.

Thẻo và mẹ gặp nhau bất ngờ tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Huế – Ảnh: TẤN LỰC

Thẻo chia sẻ: “Bố bỏ ba mẹ con từ nhỏ, em cũng chưa bao giờ gặp bố. Mẹ một thân một mình nuôi hai chị em ăn học bằng nhiều nghề như phụ hồ, đi bưng bê, rửa chén, cắt cỏ, trông em, giúp việc nhà… thế nhưng cũng không đủ điều kiện cho chị em ăn học. Nhà quá khó nên chị gái Thẻo nghỉ học từ lớp 9 để nhường suất đi học lại cho em. Hơn 18 năm nay, nhờ tình thương của bà con lối xóm, mẹ con em được ở trong ngôi nhà bỏ hoang của ông Trương Đãi, không có điện cũng không có nước”.

Cuộc sống của Thẻo là chuỗi ngày gian khó như mảnh đất cát trắng quê nhà. Từ nhỏ sinh ra đã không may mắn như các bạn đồng trang lứa. Nhận thấy được sự khó khăn của gia đình nên cô gái kiên cường này luôn luôn cố gắng học tập. Suối 12 năm em đều học sinh khá, giỏi. Năm 12 vừa đạt được giải 3 hội thi nghiên cứu khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ít ai có thể tin, suốt năm 12 học hành, Thẻo luôn phải học không có điện. Em chỉ có thể học ở ban ngày, nhiều bữa lại sang nhà hàng xóm để xin học nhờ. “Căn nhà không có chốt cửa, các tấm tôn xệ xuống, mùa mưa thì nhà dột rất nhiều chỗ, ngay cả sách vở cũng không có chỗ để phải lấy áo mưa che lại, nhà cũng không có điện, nước và cả nhà vệ sinh. Cuộc sống lúc đó thật sự khó khăn với em, ban đêm em ngủ nhưng luôn phải cảnh giác đề phòng nguy hiểm, nên thường xuyên rơi vào tình trạng “mất ngủ”, Thẻo nhớ lại.

Sống một mình nên Thẻo phải tự lo hết cho mình. Buổi sáng Thẻo dậy sớm đi chợ mua thức ăn, trưa đạp xe về nhà nấu cơm. Thẻo thường nấu một lần để ăn nguyên ngày, có bữa nấu ăn không kịp vì học 5 tiết, hôm hết tiền em ăn cơm với muối. Lúc sắp thi đại học, Thẻo tự động viên mình, phải cố gắng cho mẹ và chị vui. Vừa học vừa phụ rửa chén các quán ăn gần nhà để có chút tiền mua sách vở và trang trải tiền ở lớp.

Học để bù đắp cho mẹ

Ngày Thẻo vào nhập học ở Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (ngành kinh doanh thương mại), cùng em vào thành phố sông Hàn có người mẹ tảo tần đi theo.

Dù ở cùng thành phố, nhưng Thẻo ở trọ cùng nhóm bạn, còn mẹ xin vào giúp việc nhà cho một gia đình để kiếm tiền nuôi em. Vừa hoàn thành thủ tục nhập học, cô gái nhỏ nhắn cũng kịp xin vào làm thêm cho một nhà sách gần trường để phụ giúp mẹ.

 

Vào đại học từ căn nhà hoang không điện, nước - Ảnh 3.

Phạm Thị Thẻo (phải) cùng bạn trong căn phòng trọ ở Đà Nẵng – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Trong từng câu nói về mẹ, Thẻo đỏ hoe đôi mắt, giọng bổng trầm lại. “Không có chồng, mẹ chịu cực, chịu khổ nuôi hai chị em. Suốt những ngày tháng qua, mẹ ngược xuôi, làm đủ công việc, chưa bao giờ có ngày sung sướng. Em mong sớm ra trường, đi làm kiếm tiền để bù đắp cho mẹ. Em thương mẹ và em càng phải quyết theo đại học”. Thẻo ước mơ: “Em muốn mình trở thành một người kinh doanh giỏi, để có thể giúp đỡ cho người cùng hoàn cảnh như mình ngày trước”.

Còn thầy giáo Phan Thanh Tâm, giáo viên chủ nhiệm của Thẻo suốt 3 năm học thì xúc động: “Hoàn cảnh khổ cực như vậy nhưng Thẻo vẫn là học giỏi cả ba năm. Vào tuổi đó, hầu như em học sinh nào cũng có cha mẹ chăm nom, còn Thẻo thì phải tự lo cho mình. Nhưng em vẫn lạc quan vượt qua, nên bạn bè, thầy cô và hàng xóm rất yêu mến. Có đợt trường phải đóng một khoản tiền, Thẻo không đủ tiền, em nghĩ cách làm bánh gấu bông, bạn bè trong lớp cùng đi vận động mọi người mua ủng hộ. Dù khó khăn thế nào, em cũng sẽ tìm cách vượt qua”.

 

PHƯỚC TUẦN
TTO