Đây là quy định trong
luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội (QH) thông qua tại Kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Theo lý giải của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), chất thải rắn đang là vấn đề nóng cần được giải quyết với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt. Mỗi năm, lượng chất thải rắn gia tăng khoảng 10% và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Một nghiên cứu của VN cho thấy 40% rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, luật
Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình QH lần này quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Để có thể sử dụng loại tài nguyên này, có 2 yếu tố tiên quyết là việc
phân loại rác từ đầu nguồn và
công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ. Hiện nay, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được tính theo bình quân đầu người và hộ gia đình, mang tính chất cào bằng. Để giải quyết bất cập này, luật sửa đổi quy định thu phí theo khối lượng, thể tích rác thải ra theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn.
“Bộ TN-MT đặt lộ trình thực hiện từ nay đến 2025 là giai đoạn để chúng ta tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân. Trong giai đoạn đầu thực hiện, cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm, lắp đặt hệ thống hạ tầng camera giám sát một cách bài bản, dần dần hình thành thói quen, đưa việc thu gom rác thải đi vào nề nếp. Dần dần khi nhận thức, hành vi, hành động của người dân thay đổi, luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân”.
Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ủng hộ quy định mới được thông qua, PGS-TS Phùng Chí Sĩ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, lý giải: Quy định hiện hành yêu cầu thu phí xử lý, thu gom rác thải theo đầu người và tính chất cơ sở xả thải. Giá rác thải sinh hoạt dựa theo chi phí thu gom được tính trung bình 415.000 đồng/tấn. Tùy điều kiện cụ thể, từng địa phương sẽ có nghị quyết ban hành giá rác riêng cho phù hợp. Tại TP.HCM hiện nay là gần 49.000 đồng/hộ/tháng. Cách thu như vậy vừa không chính xác vì gia đình khá giả hay hộ nghèo đều tính giá như nhau; vừa không khuyến khích giảm phát thải tại nguồn vì xả nhiều hay ít cũng đóng chung một mức giá. Chưa kể hiện tại, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhà nước đang đảm nhiệm phần chính. Phần ngân sách bao cấp cho xử lý rác thải cũng là từ tiền thuế của người dân. Như vậy, người xả rác ít cũng phải chịu chung phí xử lý phần ô nhiễm mà người xả nhiều gây ra, không công bằng. Thu tiền theo khối lượng đảm bảo công bằng, hợp lý và văn minh hơn.
Sắp tới, phí thu gom rác thải sẽ tính theo khối lượng và nguyên tắc thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn
|
Mang cân đi thu gom rác ?
Ngay từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhiều người dân lo ngại việc thực hiện sẽ gặp khó khăn vì người thu gom rác không thể mang theo cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải của các hộ gia đình. Chưa kể nhiều người ý thức kém sẽ thỏa thuận với người thu gom để kê sai số rác thải, dẫn đến tiêu cực.
Quan trọng nhất là có chính sách, cơ chế khuyến khích phân loại, tái chế… hỗ trợ để nhận được sự hợp tác từ người dân
Trả lời báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết phương án cụ thể sẽ không được quy định trong luật trình QH mà Chính phủ sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương sau khi luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được QH thông qua. Dựa theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã thực hiện phương án này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, việc tính toán lượng rác thông thường dựa vào thể tích túi bao bì. Người dân sẽ phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc, thể tích khác nhau. Phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính toán thông qua giá bán các bao bì này. Còn việc quy định màu sắc, bao nhiêu loại túi, cách tính toán giá thế nào sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn.
Theo PGS-TS Phùng Chí Sĩ, tính giá theo bao bì là cách mà
các nước phát triển đã áp dụng rất hiệu quả. Có hai phương thức, người dân mua túi theo từng loại (đơn cử loại 5 kg – màu đỏ, 10 kg – màu xanh, 15 kg – màu vàng), đóng tiền thu gom ngay khi mua hoặc trả sau theo kiểu đựng rác vào đúng loại, người thu gom tính bao nhiêu túi thì nhân tiền lên bấy nhiêu.
Tuy nhiên, phương án này cũng có tính chất áng chừng và có thể thành công ở VN hay không phần lớn vẫn dựa vào ý thức của người dân. Nhiều người có thể “lách” bằng cách dồn hết rác thải nặng sang túi loại 5 – 10 kg, tính tiền cho túi loại nhẹ nhưng thực tế số ki lô gam lại nặng hơn nhiều. Chưa kể không loại trừ trường hợp người dân “trốn” đóng tiền bằng cách mang rác đổ sang nhà hàng xóm hoặc đổ ra công viên, sông, kênh, rạch, càng thêm gây
ô nhiễm môi trường.
Phân loại rác tại nguồn, người dân sẽ được hưởng lợi ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Người dân có thể được thêm tiền từ rác thải
Trước đây, TP.HCM đã từng tính đến phương án tính phí
thu gom rác thải theo khối lượng để giải quyết bất cập “cào bằng” giữa các hộ xả rác ít và hộ xả rác nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn nên TP đã nghiên cứu để tính một mức giá sàn chung cho việc thu gom rác dựa trên cơ sở mức phát thải bình quân đầu người (quy chuẩn VN năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành) là 0,8 kg/người/ngày để tính lượng rác thải bình quân
mỗi hộ (5 người) là 120 kg/tháng. Từ đầu năm nay, TP chính thức áp dụng mức giá mới, phí thu gom và vận chuyển rác tối đa mỗi hộ dân phải trả là 48.480 đồng/tháng, tăng gần gấp 3 so với mức 15.000 – 20.000 đồng/hộ/tháng trước đó. Vì thế, ngay khi luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được QH bấm nút thông qua, không ít người lo ngại cách tính mới sẽ tác động đến túi tiền, ảnh hưởng tới kinh tế, đời sống của người dân.
Về vấn đề này, trong luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có nêu: Nếu thực hiện phân loại rác tốt thì với loại rác tái chế được, người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý mà chỉ trả tiền phần doanh nghiệp phải đầu tư để xử lý.
Một chuyên gia độc lập về rác thải phân tích: Nếu có thể áp dụng triệt để việc phân loại tại nguồn, thu phí xử lý rác theo khối lượng, người dân sẽ được hưởng lợi. Hiện nay rác thải trộn lẫn linh tinh đủ thứ, chi phí để xử lý, phân loại, chôn lấp… rất tốn kém. Trong khi đó, nếu phân loại bài bản, những rác thải có thể tái chế, trở thành nguyên liệu sản xuất có thể đem bán cho những cơ sở sản xuất,
kinh doanh, hoặc bán đồng nát… không những không phải đóng phí xử lý, thu gom mà còn được thêm tiền.
TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia độc lập về chất thải rắn, thông tin mỗi năm, chỉ riêng tiền thu gom, vận chuyển rác đã “ngốn” của ngân sách TP.HCM khoảng 1.000 tỉ đồng, chi phí cho xử lý cũng tương đương. Trong khi đó, nếu thu đúng, thu đủ, cương quyết thì mỗi năm chỉ riêng TP.HCM có thể thu về khoảng 700 – 800 tỉ đồng từ việc thu gom rác thải. “Quan trọng nhất là có chính sách, cơ chế khuyến khích phân loại, tái chế… hỗ trợ để nhận được sự hợp tác từ người dân”, ông Việt nhấn mạnh.