28/12/2024

Học nghề: Có cơ hội nhận lương ngay khi đang học

Học nghề: Có cơ hội nhận lương ngay khi đang học

Theo các vị khách mời chương trình Rộng mở cơ hội học nghề, việc các bạn trẻ lựa chọn học nghề là một trong số những lựa chọn thông minh và hiệu quả.
Học nghề: Có cơ hội nhận lương ngay khi đang học
Ngày 17.11, tại trường quay tòa soạn Hà Nội – Báo Thanh Niên, kênh truyền hình Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc tọa đàm – giao lưu trực tuyến chủ đề Rộng mở cơ hội học nghề. Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời: TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Yên Bái; ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Muốn thành công, cần có kỹ năng

Cuộc tọa đàm – giao lưu trực tuyến được mở đầu bằng câu chuyện nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo nghề của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong nước. Qua đó cho thấy, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội, nếu muốn học nghề. Thậm chí, vấn đề chỉ là họ có muốn học hay không! Còn chỉ tiêu tuyển sinh là rất nhiều, chi phí không tốn kém, thị trường lao động luôn rộng mở đón chào những người đã được đào tạo kỹ năng nghề.
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, các em đã học xong chương trình phổ thông, kể cả chương trình cơ bản (tốt nghiêp THCS) nếu đã có ý định thì cứ tự tin để lựa chọn học nghề, bởi đó là một trong số lựa chọn thông minh và hiệu quả.
TS Bình giải thích thêm: “Học nghề có thời gian đào tạo ngắn (dưới 3 tháng với trình độ sơ cấp, từ 1 -2 năm với trình độ trung cấp, từ 2 -3 năm với trình độ cao đẳng), tổ chức đào tạo linh hoạt và mở, chú trọng thực hành nghề, nên các em sớm có kỹ năng tay nghề, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc. Các em sớm ra thị trường lao động để kiếm sống, giúp đỡ gia đình và đặc biệt là cơ hội phát triển nghề nghiệp luôn rộng mở nếu các em có chí hướng và nhu cầu tiếp tục học liên thông. Đặc biệt là khi học nghề gắn kết với doanh nghiệp nên cơ hội việc làm cao, các em còn được nhận lương ngay khi học tập”.

Đã qua thời đánh giá người lao động qua bằng cấp

Trong cuộc tọa đàm – giao lưu, Phạm Quang Vinh nhận định, chưa bao giờ cơ hội học tập được mở rộng như hiện nay, thậm chí ngay cả học đại học cũng gần như không có rào cản nào đáng kể với đa số bạn trẻ. “Các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều cơ hội để lựa chọn, vì có quá nhiều cơ hội học tập. Vấn đề là chọn gì! Nhiều bạn nghĩ, học đại học là tốt nhất, vì trình độ cao nhất. Còn cao đẳng thì kém hơn đại học, trung cấp thì kém cả cao đẳng. Rồi lựa chọn theo thứ tự ưu tiên cao thấp đó. Cách làm ấy có đúng không?”, ông Vinh đặt vấn đề.
Theo ông Vinh, nếu dựa theo khung trình độ quốc gia, đúng là có thứ tự cao dần lên từ trung cấp, rồi cao đẳng, đến đại học. Nhưng điều đó không phản ánh học thấp hơn là thấp kém, mà quan trọng khi ra trường đóng góp của bạn với xã hội thế nào mà trong đó lương – thu nhập là một thông số đánh giá.
“Ở các nước phương Tây, người ta nhìn đẳng cấp của người lao động không nhìn và trình độ đào tạo mà nhìn vào mức lương và thu nhập của người đó. Nếu học một chương trình không cần trình độ đào tạo cao, mà lương vẫn cao, thì có phải là có hiệu quả hơn không!”, ông chia sẻ.

Đừng chọn nghề vì thấy nó cao hay thấp

Ông Phạm Anh Tuấn cũng chia sẻ, cơ hội học nghề rộng mở không chỉ biểu hiện ở quy mô tuyển sinh mà còn ở các chính sách của nhà nước mở ra với người học, hoạc ở tính tự chủ mà các trường đang được giao, ở việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lao động. Và quan trọng, nhờ nhận thức của người trẻ đã thay đổi đáng kể nên điều này tác động ngược trở lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giúp cho hệ thống phát triển trở lại.
“Trước đây người nào thi đỗ đại học, nhưng bỏ không học đại học để học trường nghề, là rất hiếm. Giờ thì phổ biến. Thậm chí, nhiều người học xong đại học, đã đi làm, nhưng vì yêu cầu của công việc nên lại quay về trường nghề để học kỹ năng nghề. Điều này là bình thường trong thời đại mà khoa học công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ như hiện nay. Không nói đâu xa, chính chúng tôi đây vẫn đang tiếp tục phải học”, ông Tuấn nhận xét.
Trước câu hỏi của một số khán giả kênh truyền hình Báo Thanh Niên về nguyên tắc chọn nghề, ông Tuấn khuyên: “Lựa chọn cái mình thấy phù hợp, thấy tốt với bản thân là cách lựa chọn đúng, còn lựa chọn vì nó cao hay thấp là cách tiếp cận sai. Nếu tiếp cận đúng thì sẽ cho lựa chọn nghề đúng, bạn sẽ có tương lai vững chắc, rộng mở. Nếu lựa chọn không đúng, hoặc bạn sẽ có tương lai không vững chắc, hoặc bạn sẽ mất thời gian làm lại”.
QUÝ HIÊN
TNO