30/12/2024

Tăng thu nhập đầu người cần thực chất

Tăng thu nhập đầu người cần thực chất

Quốc hội đã thông qua mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6%, tương đương GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người. Nhiều ý kiến cho rằng mức tăng GDP bình quân đầu người tăng đột biến này khó khả thi.
GDP của Việt Nam tăng nhưng thu nhập của nhiều người dân vẫn còn thấp /// ẢNH: GIA HÂN - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN DU
GDP của Việt Nam tăng nhưng thu nhập của nhiều người dân vẫn còn thấp ẢNH: GIA HÂN – ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN DU

Năm 2021: GDP tăng thêm gần 1.000 USD/người

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng cho năm sau, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình đề ra, như các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh; thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước, tận dụng hiệu quả các FTA; đẩy nhanh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém…
Theo báo cáo từ Chính phủ, năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 263.000 tỉ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500.000 tỉ đồng so với năm 2018). Quy mô GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD). Như vậy mục tiêu đặt ra cho năm sau là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng thêm gần 1.000 USD.
Không nên quá chú ý tới mức độ tăng trưởng GDP, chạy theo những con số có vẻ hoành tráng bên ngoài mà quan trọng là làm thế nào tạo động lực cho nền kinh tế, tăng được mức sống của người dân
TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam
Con số trên cũng không quá xa với dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố tháng 10 vừa qua, IMF dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ là 340,6 tỉ USD, tương đương GDP bình quân mỗi người Việt Nam gần chạm mức 3.500 USD. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore với 337,5 tỉ USD và Malaysia với 336,3 tỉ USD. Tuy nhiên, tính về GDP bình quân đầu người thì con số của Việt Nam cực kỳ khiêm tốn. Singapore có GDP bình quân đầu người trên 58.000 USD/người, Brunei trên 23.000 USD, Malaysia trên 10.000 USD, Thái Lan 7.300 USD, Indonesia trên 4.000 USD… GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 chỉ cao hơn được Lào, Campuchia và Myanmar.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) với tiêu đề: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động” (tháng 5.2020) đánh giá, ngày nay hầu hết người Việt Nam đều được hưởng những điều kiện sống mà khó có thể tưởng tượng vào 30 năm trước. Công cuộc đổi mới bắt đầu vào năm 1986 đã đưa Việt Nam từ nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 1990 – 2018 và giúp giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, từ 50% xuống còn khoảng 2% trong giai đoạn này.
Mặc dù đã đạt được thành công chưa từng có, hành trình phát triển của Việt Nam vẫn chưa hoàn thành, theo WB. Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của khu vực ASEAN và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao. Việt Nam sẽ mất khoảng 30 năm để đạt được GDP bình quân đầu người hiện nay của Hàn Quốc và 10 năm để đạt được như Trung Quốc

Thu nhập người dân còn thấp

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá có 2 yếu tố cần quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội mới ban hành. Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, rất khó để kỳ vọng, đặt mục tiêu quá cao cho phát triển kinh tế. Việt Nam là nước có nền kinh tế rất mở, bất kỳ động thái nào bên ngoài cũng đều ảnh hưởng lập tức đến nền kinh tế nước ta. Từ nay đến giữa năm 2021, kinh tế thế giới cũng vẫn sẽ “lình xình” như hiện nay, thậm chí ngay cả khi có vắc xin phòng Covid-19, phải đến 2 năm sau, nền kinh tế thế giới mới có thể ổn định trở lại. Do đó năm 2021 chắc chắn chưa thể có khởi sắc.
Thứ hai, GDP là con số không phản ánh thực sự mức sống của người dân. Đơn cử, Vĩnh Phúc hay Thái Nguyên là những tỉnh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất nhiều, GDP trên địa bàn rất lớn nhưng GNI (thu nhập quốc gia) chỉ bằng khoảng 50% GDP trên địa bàn. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ mang tiền trở về nước họ, giá trị gia tăng tạo ra có thể nhiều nhưng thu nhập người dân nước sở tại được hưởng rất ít. “Thu nhập quốc gia hiện nay cũng chỉ bằng khoảng 94% GDP và con số này ngày càng giảm, cho thấy thành tích GDP có thể cao nhưng thu nhập, đời sống của người dân không tăng lên tương xứng. Không nên quá chú ý tới mức độ tăng trưởng GDP, chạy theo những con số có vẻ hoành tráng bên ngoài mà quan trọng là làm thế nào tạo động lực cho nền kinh tế, tăng được mức sống của người dân”, TS Vũ Thành Tự Anh nêu ý kiến.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Thời gian qua, tổng GDP của Việt Nam (kể cả qua công bố của IMF) đều cao hơn so với trước đây, đẩy thu nhập bình quân đầu người cũng cao lên nhiều. Nguyên nhân một phần do Việt Nam điều chỉnh con số thống kê, tính cả khu vực kinh tế chưa được quan sát (kinh tế ngầm – PV), giúp GDP tăng lên khoảng gấp 1,5 lần; một phần do đầu tư nước ngoài tăng lên. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP còn rất nhiều bất cập. Cụ thể, khu vực kinh tế chưa được quan sát thực tế hiện không thể huy động vào GDP để tính chung cho cả nước. Bên cạnh đó, tăng trưởng của Việt Nam dựa rất nhiều vào các nguồn đầu tư nước ngoài, đây là nhân tố không chủ động được, phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Trong những năm tới, kinh tế thế giới chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn nên rất khó xác định có thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng GDP hay không. Ngoài ra, thời gian qua, tổng kết đầu tư nước ngoài cho thấy sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp… đều hạn chế, không tạo nên tăng trưởng thực chất. Chưa kể, thu nhập bình quân đầu người hiện nay là chia đều, lấy của cả khu vực nước ngoài chia cho người dân nước mình để chứng tỏ người dân nước mình giàu có hơn, thu nhập tăng lên, trong khi thực tế người dân không thụ hưởng được.
“Tăng trưởng phải cố gắng làm sao để nội lực thực chất của Việt Nam tăng lên. Đặt chỉ tiêu cao để phấn đấu là tốt nhưng cần tính toán một cách thực tế, có các kịch bản khác nhau để biết “lo”, biết tính toán, tự điều chỉnh chính sách, môi trường kinh doanh, các nhân tố tạo nên sự tăng trưởng, hay nói cách khác là có động lực tăng trưởng mới để làm kinh tế bật lên hiệu quả, bền vững”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI
TNO