Chúa Nhật XXXII TN A 2020: Toả sáng ở trần thế

Chúng ta đang ở vào những tuần cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về 4 điểm chung kết trong đời sống con người. Đó là cái chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, từ số 1006-1037).

Chúa Nhật 32 TN A 2020

Toả sáng ở trần thế

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đang ở vào những tuần cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về 4 điểm chung kết trong đời sống con người. Đó là cái chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, từ số 1006-1037).

Bài đọc I (x. Kn 6,12-16) mời gọi ta sống khôn ngoan để “đạt sự minh mẫn trọn hảo và vượt qua mọi lo âu”. Bài Tin Mừng (x. Mt 25,1-13) cũng mời gọi ta hãy hành động như những trinh nữ khôn ngoan, giữ ngọn đèn luôn cháy sáng để gặp được người yêu muôn thuở của mình là Đức Giêsu Kitô. Trong Bài đọc II (x. 1Ths 4,13-18), thánh Phaolô nhắc nhở ta đừng sợ hãi về cái chết và cuộc phán xét vào ngày Chúa quang lâm. Vì thế, chúng ta dành ít phút này để suy nghĩ về những chuyện cuối cùng của cuộc đời.

1. Những hiểu lầm

Trước hết, chúng ta cần phải bỏ đi một số hiểu lầm về những điều đó.

Chiều thứ Ba trong tuần vừa qua, ngày 2/11/2020, lễ các đẳng linh hồn, tôi được mời làm lễ đồng tế bên giáo xứ Đức Bà Fatima, q.1. Cha xứ mời một cha giáo sư giảng lễ. Trong bài giảng, ngài chiếu lên màn hình một đoạn phim ngắn mang tựa đề “23 giờ thăm địa ngục, phần I” lấy trên mạng Youtube internet. Chuyện phim kể về cô gái tên Angelica Elizabeth Zambrano Mora, 18 tuổi, đến từ Cộng hoà Ecuador, châu Mỹ Latinh. Trong 23 tiếng đồng hồ, cô đã được Chúa Giêsu đưa đi thăm thiên đàng và hoả ngục. Sau đó, cô đã tường thuật lại cảnh tượng mình chứng kiếnqua cuốn sách: “Prepare to Meet Your God” (nghĩa là: Hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của bạn!). Hầu hết tín hữu đều thích thú với cuốn phim và vị giảng thuyết rất hãnh diện về tài thu hút thính giả.

Vì một ít anh chị em đang ngồi đây đã tham dự thánh lễ hôm đó, nên tôi muốn đưa câu chuyện này ra để cảnh báo với anh chị em rằng: nội dung cuốn phim hoàn toàn đi ngược với giáo lý của Hội Thánh. Phim trình bày hoả ngục với những hình ảnh quỷ dữ hành hạ con người bị giam cầm: lửa đốt cháy, ngọn giáo phóng vào người, những tiếng rên la … Cũng may là cha giảng lễ không chiếu phần 2 của bộ phim với cảnh Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bị giam cầm trong hoả ngục như là tên tội phạm nặng nề nhất vì đã tham tiền, ham mê sắc dục.

Những phim ảnh ấy có thể bắt nguồn từ các nhóm chống phá Giáo Hội muốn làm sai lạc đức tin, làm chúng ta sợ hãi về cái chết, hiểu lầm về tình thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Thử hỏi có người cha yêu thương nào hành hạ con bằng cách thiêu đốt hay phóng ngọn lao để chúng đau khổ suốt đời!? Người ta quên Giáo lý Hội Thánh dạy về tình yêu Thiên Chúa, về sự sống và cái chết, về phán xét, hoả ngục, luyện ngục, thiên đàng là gì.

Nhiều người nghĩ sống là được sinh ra, ăn uống, ngủ nghỉ, lớn lên, rồi cố gắng học hành, làm việc, lập gia đình, sinh con cái… Sống cho đáng là được thoả mãn những tham vọng, dục vọng của mình với nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn! Còn chết là hết, là bỏ lại tất cả những gì mình có được trong cuộc đời trần thế. Nghĩ như thế nên người ta mới suy sụp tinh thần, chẳng muốn học hành, làm việc, xây dựng cho đời. Những ai bị bệnh tật hay đang chịu những thất bại, nhục nhã lại muốn tìm đến cái chết để khỏi khổ, mà không nghĩ rằng từng giây phút sống đều vô cùng cao quý và có giá trị vô biên, vì tạo nên công phúc cho mình cũng như để cứu vớt người khác, nhất là những linh hồn trong tình trạng luyện tội.

Ngày xưa người ta dạy giáo lý rằng: khi phán xét, Chúa cân người ta trên một cái cân thiêng liêng, nếu tội nặng, cân trì xuống là rơi xuống luyện ngục. Sau này người ta giải thích theo Kinh Thánh: Chúa mở cuốn sổ trường sinh ra trong đó ghi từng hành động tốt – xấu của con người để phán xét (x. Kh 20,12): ai sạch tội thì lên thiên đàng, còn ai mắc tội thì phải vào luyện ngục, hoặc cắt đứt với Chúa thì xuống hoả ngục. Chúa giống như một nhà vua cao cả, công minh vô cùng, xây những ngục thật to để giam giữ người ta trong đó, không ai có thể thoát ra được.

Vì hiểu lầm như thế nên người ta sợ hãi về cái chết, về cuộc phán xét, về hoả ngục, khiến cuộc sống mất đi niềm vui, bình an. Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. 1 Ths 4,13-18) dạy ta phải vượt qua buồn phiền của những người không có niềm hy vọng. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của chúng để đời sống ta tràn ngập sự khôn ngoan, tỉnh thức, hy vọng và tình yêu.

2. Khôn ngoan, tỉnh thức, hy vọng và tin yêu

Cha Trên Trời đã yêu thương ta, đặt ta vào trần thế này để ta cảm nghiệm được tình yêu muôn thuở của Ngài. Vì chiều theo cơn cám dỗ của ma quỷ, chúng ta đã xúc phạm đến Ngài, cắt đứt mối quan hệ với Ngài nên Ngài đã sai Con Một của mình xuống thế làm người là Đức Giêsu để đền tội cho ta, chết thay cho ta và sống lại vì ta. Nhờ đó mỗi giây phút sống, ta đều có thể làm những việc tốt đẹp, giúp ta cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc. Ngay cả khi ta gặp thử thách, đau khổ, bệnh tật, chúng đều có thể mang lại ơn cứu độ cho ta và cho người khác, nếu ta biết đón nhận và kết hợp chúng với cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta hãy quý trọng từng giây phút sống.

Hơn nữa, chết không phải là hết hay phải bỏ lại tất cả những gì ta đã xây dựng trên trần đời. Chết là cuộc thăng hoa mọi giá trị của đời sống, để ta không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian, và bước vào đời sống vĩnh hằng. Ngay khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết, ta thấy ngay Chúa là người cha nhân từ muốn đưa ta vào một nơi tràn đầy ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc. Rồi tuỳ theo tình trạng mỗi người mà cảm nhận được nhiều hay ít, có hay không những điều tốt lành ấy để ca tụng Chúa trong niềm vui và hy vọng, trái ngược với kiểu mô tả tiêu cực như ta thường được nghe hát: “Từ chốn luyện hình u tối, vọng tiếng bao linh hồn khóc than…”.

Điểm suy nghĩ tiếp theo là cuộc phán xét. Chúng ta có thể đọc trong sách Giáo lý HTCG về phán xét riêng ở số 1020-1022 và phán xét cuối cùng ở số 1038-1041. Vì yêu thương, Cha Trên Trời đã dựng nên ta giống hình ảnh Ngài. Ngài là Đấng tích cực, nguồn của chân thiện mỹ và mọi hiện hữu, nên Ngài chẳng lưu giữ những gì là tội lỗi, tiêu cực của ta. Người Cha quảng đại đó chẳng cần ghi nhớ từng hành động nhỏ mọn, từng ý nghĩ xấu xa của con cái vào một cuốn sổ nào đó.

Ngay khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết, ta sẽ thấy Cha Trên Trời với tất cả sự đẹp đẽ, khôn ngoan, tốt lành, thánh thiện, yêu thương của Ngài. Chúa như một tấm gương để ta soi mình vào đó, như những tiêu chuẩn để ta so sánh, nên dưới ánh sáng của Chúa, ta thấy rõ từng vết bẩn bám vào bản thể của mình trong mỗi giây phút sống ở thế trần. Còn Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa hữu hình, nên Người trở thành tấm gương thực tế, thành tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi con người phải soi chiếu. Qua đó ta thấy ngay được kết quả của cuộc phán xét và xác dịnh ngay được tình trạng thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục của mình. Đó là cuộc phán xét riêng cho từng cá nhân.

Cuộc phán xét chung cuối cùng (x. Cv 24,25; Ga 5,28-29; Mt 25,31.32.46) được Thánh Phaolô diễn tả trong Bài đọc II. Các nhà thần học cho rằng nó xảy ra ngay sau cuộc phán xét chung, vì con người không còn bị lệ thuộc vào thời gian. Những linh hồn trong tình trạng luyện ngục hay hoả ngục đều thấy Chúa như nhau. Họ đau khổ vì chưa được hoà hợp trọn vẹn với Chúa nên tình nguyện thanh luyện mình trong niềm vui và tràn đầy hy vọng. Còn các linh hồn ở hoả ngục tự dằn vặt mình vì thấy Chúa tốt đẹp quá mà tại sao cho đến giây phút cuối cùng họ vẫn từ chối Ngài. Đó là ngọn lửa thiêng thiêu đốt tâm hồn họ, chứ Cha trên trời không hành hạ họ bằng bất cứ hình khổ nào.

Lời kết

Khi hiểu được điều đó ta sẽ cố gắng thanh tẩy mình ngay khi đang sống trên trần thế: bằng cách bỏ đi những hành động ác đức làm vấy bẩn hồn thiêng và làm những việc tốt để tạo nên nhiều điểm sáng cho hồn. Hy vọng đến ngày nào đó, ta có thể toả sáng ngay trong cuộc đời này, và gặp được Chúa Giêsu, người tình muôn thuở của ta.

HKK