03/01/2025

Giàu bền vững, nên làm gì?

Giàu bền vững, nên làm gì?

Với chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ lên mức 3.700 USD.

 

Giàu bền vững, nên làm gì? - Ảnh 1.

Tiêu dùng của giới trung lưu là động lực để phát triển kinh tế. Trong ảnh: người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM – Ảnh: THANH CHIÊU

Câu hỏi đặt ra là người Việt có đang thực sự giàu lên với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khi những nguy cơ về bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đang là vấn đề tiếp tục đặt ra khi quy mô GDP được đánh giá lại đầy đủ từ năm 2021.

Và cần lưu ý những gì để đất nước và người dân thật sự giàu bền vững?

Quy mô GDP tăng trên 25%

Việc Quốc hội công bố quy mô GDP bình quân đầu người ở mức 3.700 USD vào năm 2021 chính thức “đánh dấu” sự thay đổi lớn trong cách đánh giá quy mô tổng sản phẩm trong nước trong giai đoạn tới.

Quy mô nền kinh tế sẽ được ghi nhận đầy đủ hơn các thành phần bị bỏ sót hoặc “chưa tính toán hết”, với mức tăng thêm bình quân có thể lên tới trên 25%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tổng cục Thống kê cho hay ngay sau khi công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017, cơ quan thống kê đã tiếp tục rà soát và duy trì song song hai phương pháp đánh giá.

Cụ thể, phương pháp đánh giá hiện hành vẫn được áp dụng cho đến hết năm 2020 để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn 5 năm 2016 – 2020. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá đầy đủ quy mô GDP được Tổng cục Thống kê tiếp tục thực hiện cho các năm 2018 – 2020 để làm căn cứ tính toán các chỉ tiêu, kế hoạch của giai đoạn tới.

Từ năm 2021, việc đánh giá quy mô GDP sẽ áp dụng theo phương pháp thống kê đầy đủ, đảm bảo theo thông lệ quốc tế.

Công bố được Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế tăng bình quân 25,45% giai đoạn 2010 – 2017, tương ứng mỗi năm tăng 935.000 tỉ đồng.

Do quy mô GDP thay đổi nên các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi như: tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư bình quân tăng 26,37%.

Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%, GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm – tương ứng 25,6%. Tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 33,3%/năm…

Đến nay, quy mô GDP đánh giá lại cho các năm 2018 – 2020 chưa được công bố, nhưng theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội được Chính phủ gửi tới Quốc hội, GDP năm 2020 theo đánh giá hiện hành ước đạt 6,3 triệu tỉ đồng, tăng 263.000 tỉ đồng so với năm 2019; GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019.

Như vậy, nếu mức tăng bình quân cho giai đoạn 2010 – 2017 là 25,45% thì quy mô GDP được đánh giá lại có thể lên tới 7,8 triệu tỉ đồng, và GDP bình quân đầu người sẽ tăng tương ứng.

Giàu bền vững, nên làm gì? - Ảnh 2.

Đồ họa: N.KH.

Tầng lớp trung lưu tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm

Nghiên cứu về chiến lược phát triển thương mại và nhu cầu tiêu dùng, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu dân với sự gia tăng ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu.

Gánh nặng phụ thuộc cũng giảm ở mức lý tưởng, hơn 2 người trong độ tuổi lao động mới phải gánh 1 người ngoài tuổi lao động. Với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể, nếu theo quy mô GDP đánh giá lại, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 3.000 USD, năm 2020 đạt khoảng 3.700 USD và dự báo sẽ ở mức từ 7.900 USD vào năm 2030 và trên 25.000 USD vào năm 2045.

“Thu nhập tăng sẽ dẫn tới việc gia tăng sức mua và thay đổi cơ cấu, phương thức tiêu dùng của người dân. Sự tăng nhanh của thu nhập bình quân đầu người sẽ tác động đến cơ cấu theo hướng tăng chi tiêu cá nhân và hộ gia đình, làm tăng quỹ mua dân cư” – ông Đông đánh giá.

Trong báo cáo “Đông Á phục hưng: Điều hướng trong một thế giới đang thay đổi” được World Bank công bố cũng đã chỉ ra, Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu – nhóm người có mức sống trên 15 USD/ngày.

Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2016, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập nhóm trung lưu, giúp tầng lớp này từ chiếm 7,7% dân số năm 2010 lên 13,3% dân số năm 2016. World Bank tính toán, năm 2018 tầng lớp trung lưu có thể chiếm khoảng 16,3% dân số Việt Nam.

Sự phát triển của tầng lớp trung lưu khi một phần dân số Việt Nam đang có sự chuyển dịch tích cực ở các bậc cao hơn cũng thể hiện ở tỉ lệ hộ nghèo giảm, khi hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3% năm 2020.

Tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức mua là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ khá giả của xã hội.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Độ, chuyên gia tài chính, cho rằng sức mua sẽ không thay đổi nhiều, bởi đó chỉ là thay đổi về cách tính quy mô GDP, trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ ở mức thấp và dự báo năm 2021 còn nhiều khó khăn.

“Một gia đình thu hoạch mỗi năm khoảng 200kg gạo tẻ và 10kg gạo nếp. Nhưng số gạo nếp lâu nay chưa tính do ít sử dụng và sản lượng nhỏ. Nay kiểm kê lại thì số gạo cả tẻ và nếp mỗi năm thu hoạch được khoảng 210kg” – ông Độ ví von.

Giàu bền vững, nên làm gì? - Ảnh 3.

Bão lũ gây thiệt hại mùa màng làm giảm sức mua của người dân, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nói chung và tích lũy của từng gia đình – Ảnh: TẤN LỰC

Đặc biệt dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, ông Độ cho rằng sức mua của người dân trong năm sau có thể giảm.

Hiện tại đại dịch vẫn diễn biến phức tạp tại một số nước là bạn hàng của Việt Nam như Mỹ và một số nước thuộc EU… Điều này khiến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực. Thực tế, thu nhập người lao động bị giảm sút khi giảm giờ làm, thậm chí còn bị mất việc.

Trường hợp dịch bệnh sớm được kiểm soát, có vắcxin trị COVID-19, kinh tế không thể phục hồi một sớm một chiều. Do đó, đa phần người dân, nhất là tầng lớp người lao động sẽ vẫn phải thắt chặt chi tiêu và chủ yếu tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…

Có vắcxin trị COVID-19, kinh tế không thể phục hồi một sớm một chiều. Do đó, đa phần người dân, nhất là tầng lớp người lao động sẽ vẫn phải thắt chặt chi tiêu và chủ yếu tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…
TS Nguyễn Đức Độ

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại đặt ra khi Việt Nam đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu so với các nền kinh tế khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng khích lệ nhưng lại chủ yếu dựa vào những động lực cũ, trong khi chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều.

Cùng với đó là chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vấn đề già hóa dân số. Dẫn chứng là chênh lệch giữa 20% nhóm dân số giàu nhất và 20% dân số nghèo nhất năm 2014 là 9,7 lần thì năm 2018 tăng lên 10 lần.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam gồm những ai?

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tầng lớp trung lưu xuất hiện từ kết quả của nhiều thập niên xóa đói giảm nghèo và đang tăng lên nhanh chóng, sẽ trở thành một cấu thành quan trọng trong cấu trúc xã hội Việt Nam, tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giàu bền vững, nên làm gì? - Ảnh 5.

Thói quen mua sắm ở trung tâm thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển – Ảnh: T.T.D.

Theo đó, tầng lớp trung lưu xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng phổ biến nhất là doanh nhân, trí thức, nông dân, công nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức hoặc những người làm kinh doanh buôn bán nhỏ và vừa.

Thành phần chủ yếu là các doanh nhân thành đạt, cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan tổ chức và những người nông dân vươn lên làm ăn phát đạt.

Về khía cạnh nghề nghiệp, tầng lớp trung lưu cơ bản là những nhóm người có trình độ chuyên môn cao, trí thức thành đạt, giỏi giang, có học vấn và có vị thế trong toàn bộ các tầng lớp xã hội, chủ yếu tập trung ở các thành phần có tiềm lực kinh tế, vốn xã hội lớn, vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt, không chỉ chuyên môn mà còn hội tụ đủ phẩm chất, tài năng.

Họ có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học, nhanh chóng tiếp cận tri thức hiện đại, thuận lợi trong giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Tầng lớp trung lưu đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tạo ra sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao cho nền kinh tế, đóng thuế nhiều cho ngân sách, là nhóm tiêu dùng lớn, tiết kiệm của cải nhiều.

Không chỉ là bệ đỡ, nuôi dưỡng nền kinh tế mà còn là lực lượng xã hội năng động, sáng tạo làm kinh tế, tích lũy tài sản.

Dùng hạ tầng, chuyển đổi số để chuyển mình

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã dự kiến tổng mức đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 – 2025 là 2,75 triệu tỉ đồng, quan điểm là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Giàu bền vững, nên làm gì? - Ảnh 7.

Cao tốc Long Thành – Dầu Giây giao với đường vành đai 2, (Q.2, TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Năm 2021 tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách, các dự án ODA chuyển tiếp” – ông Dũng nói.

Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 cũng đã nhấn mạnh đến trọng tâm:

“Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính sách thử nghiệm cho các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Khuyến khích các doanh nghiệp nòng cốt về CNTT mở rộng sang các ngành công nghiệp và dịch vụ nội dung số; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và triển khai các chương trình, đề án lớn về phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh”.

Đây là điểm nhấn rất quan trọng để nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến về chất.

Cẩn thận với tăng trưởng nóng

Khi đánh giá lại quy mô GDP, một số chỉ tiêu ngân sách sẽ thay đổi theo hướng giảm, như tỉ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giảm 11,6%, tỉ lệ chi ngân sách giảm 6%/năm, tỉ lệ bội chi ngân sách so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm…

Sự thay đổi của các chỉ tiêu này cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỉ lệ thuế, chi tiêu và nợ công.

Theo phân tích của một chuyên gia, khi các chỉ tiêu “đòn bẩy” giảm xuống sẽ tạo thêm cơ hội để lựa chọn những dự án tốt mà trước đây phải loại bỏ vì đầu tư có thể làm tăng trần nợ công.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, bất động sản, người dân cảm thấy “giàu lên” sẽ đi vay chi tiêu.

“Tuy vậy, đây lại là nguy cơ có thể dẫn tới nền kinh tế tăng trưởng nóng” – vị này cảnh báo và nhấn mạnh khi quy mô GDP tăng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng thì khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vốn ODA sẽ ngặt nghèo hơn.

Hiệu quả sử dụng vốn chưa tốt

Quan tâm về chất lượng tăng trưởng khi Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đã giảm từ mức 6,3 xuống 6,1 điểm, song theo ông Vũ Hồng Thanh – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây vẫn là mức cao gấp rưỡi so với các nền kinh tế xung quanh khu vực, sử dụng hơn 6 đồng mới tạo ra 1 đồng tăng trưởng.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều cải thiện, năng suất tốt hơn nhưng vẫn chỉ đang trong quá trình chuyển dịch từ ngành năng suất thấp sang ngành năng suất cao, trong khi nội tại ngành mức độ cải thiện còn khiêm tốn.

Đặc biệt, các ngành chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng nhưng giá trị mang lại “có vấn đề”. Dẫn chứng, 100 USD xuất khẩu của điện tử, điện thoại chỉ tạo ra 27 USD giá trị gia tăng và 14 USD cho lao động.

 

Tránh “chưa giàu đã già”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực trong giai đoạn vừa qua để duy trì tăng trưởng liên tục ở mức khá nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy để từ mức thu nhập trung bình thấp, trung bình bật lên mức trung bình cao là không hề dễ dàng. Vì vậy, luôn có những cảnh báo đối với các quốc gia đang phát triển là “bẫy thu nhập trung bình”.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, tầm nhìn năm 2045, là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, thì giai đoạn tới đây sẽ hết sức quan trọng, sau đại dịch Covid-19 có nhiều khó khăn nhưng cũng là thời cơ mới để dân tộc bứt phá.

Đánh thức tiềm năng, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng cải cách, hoàn thiện thể chế, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đầu tư xã hội là những việc phải làm bằng được.

Theo ông Dũng, đây là giai đoạn chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, đừng lãng phí, bao gồm cả nguồn lực về tiền bạc, nguồn lực vật chất khác, cả thời gian và cơ hội.

Theo dự báo, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, nên càng phải nỗ lực làm việc để tránh tình trạng “chưa giàu đã già”.

 

Phát triển nhờ tầng lớp trung lưu

Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, tầng lớp trung lưu vững mạnh sẽ bảo đảm sức tiêu dùng của thị trường, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và hứa hẹn tạo ra việc làm, từ đó phát triển toàn nền kinh tế nói chung.

Theo nghiên cứu về châu Á – Thái Bình Dương năm 2010 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tầng lớp trung lưu mở rộng sẽ kéo theo tiêu dùng tăng. Với các thị trường lớn hơn, công nghệ sản xuất sẽ sinh lời nhiều hơn. Việc ứng dụng công nghệ tiếp đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, tăng trưởng và cải thiện chất lượng sống của người dân. “Cuối cùng, tầng lớp trung lưu có thể là động lực mạnh mẽ để cải thiện quản lý công”, ADB nhận định.

Cũng theo nghiên cứu trên, tầng lớp trung lưu tại châu Á đã nhận được ngày một nhiều sự chú ý nhờ sự trỗi dậy và phát triển ấn tượng, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 ở Mỹ và châu Âu. Tiêu dùng tại châu Á đã chứng tỏ sự bền bỉ đáng ngạc nhiên trong giai đoạn này, đạt khoảng 4,3 nghìn tỉ USD trong chi tiêu hằng năm vào năm 2008.

Hồi tháng 7-2020, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định trong khi tầng lớp trung lưu tại Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề, nhóm này tại châu Á vẫn đang phát triển tốt. WEF ước tính 2 tỉ người châu Á đang thuộc tầng lớp trung lưu trong năm 2020, và con số này sẽ tăng lên 3,5 tỉ người vào năm 2030.

NGUYÊN HẠNH

 

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, anh là ai?Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, anh là ai?

TTO – Người Việt Nam không thích bị nhìn nhận là người cực khổ cho dù nếu khai thu nhập, thì ai cũng đưa ra con số khá thấp so với thực tế…

NGỌC AN – LÊ KIÊN – LÊ THANH
TTO