24/11/2024

Cô giáo mang tre nứa, sỏi đá đi dạy học lịch sử

Cô giáo mang tre nứa, sỏi đá đi dạy học lịch sử

Để học sinh yêu thích môn lịch sử, cô giáo Hà Thị Hội (36 tuổi, dân tộc Mường), đã lặn lội vào tận thôn, bản tìm các vật dụng để tái hiện lịch sử trong bài giảng…
Để học sinh có tình yêu môn lịch sử, cô Hội đã dùng những vật dụng tự sư tầm để minh họa trong giờ học /// Ảnh Đăng Hải
Để học sinh có tình yêu môn lịch sử, cô Hội đã dùng những vật dụng tự sư tầm để minh họa trong giờ học  ẢNH ĐĂNG HẢI
Cô Hà Thị Hội là giáo viên Trường THCS Đồng Sơn, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trường miền núi đặc biệt khó khăn của H.Tân Sơn. Xã có đến 95% người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường. Nhưng cô Hội đã là người đầu tiên có học sinh giỏi cấp huyện môn lịch sử cho ngôi trường vùng cao này.

Gian nan “truyền lửa”

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Đồng Sơn khi cô giáo Hà Thị Hội đang giảng dạy cho học sinh về xã hội nguyên thủy. Trên bàn của cô không có giáo án mà lỉnh kỉnh các loại tre, nứa, sỏi, đá… Đây là những dụng cụ mà cô đã vào tận bản để sưu tầm và mang về tái hiện lại cho học sinh.
Cô Hội chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo của xã Đồng Sơn, bố mẹ đều là nông dân, lại nuôi 4 đứa con nên cuộc sống rất vất vả. “Trong gia đình có 4 chị em gái, thì chỉ có một mình tôi được theo học hết lớp 12. Tôi mơ ước trở thành cô giáo để thay đổi cuộc sống của chính mình, đồng thời mang kiến thức đến cho các em học sinh quê hương mình”, cô Hội chia sẻ.
Cô giáo mang tre nứa, sỏi đá đi dạy học lịch sử - ảnh 1

Một tiết dạy lịch sử của cô Hội về xã hội nguyên thủy  ẢNH ĐĂNG HẢI

Vậy là cô đã nỗ lực học tập để thi đỗ vào Trường đại học Tây Bắc. Sau khi tốt nghiệp, cô về công tác tại Trường THCS Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, nơi cô đã từng học tập.
Ngày mới về, Trường THCS Đồng Sơn là một trong những trường khó khăn nhất của H.Tân Sơn với phòng lớp tạm bợ, cơ sở vật chất nghèo nàn. Việc đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các em của bản vùng cao…
“Các em học sinh ở đây đa số là dân tộc thiểu số nên rất nhút nhát, khó gần. Tuy nhiên, bằng niềm tin và trách nhiệm của một nhà giáo và một người con của quê hương xã Đồng Sơn, tôi đã tự nhủ với lòng mình cố gắng thật nhiều, để truyền thụ cho các em những kiến thức và kỹ năng mình đã lĩnh hội được trên giảng đường đại học”, cô Hội trải lòng.
Điều cô mong muốn nhất là học sinh có được sự cố gắng nỗ lực như mình, để sau này có thể thay đổi cuộc sống.
Lần đầu tiên có học sinh giỏi cấp huyện
Khi về nhận công tác ở trường, cô được giao nhiệm vụ dạy môn lịch sử lớp 6, lớp 7, lớp 8 và bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9. Nhớ lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, cô nói: “Lúc đó vừa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên tôi cũng hơi lo lắng. Những buổi đầu lên lớp, nhìn những đôi chân trần, những manh áo mỏng của các em trong cái lạnh giá của vùng cao, tôi thấy hình ảnh của mình ngày xưa nên rất xúc động. Tôi tự hứa với mình, sẽ cố gắng hết sức để giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn”.
Cô giáo mang tre nứa, sỏi đá đi dạy học lịch sử - ảnh 2

Cô Hội mang vật dụng sưu tầm được để minh họa cho học sinh  ẢNH ĐĂNG HẢI

Vậy là ngoài giờ dạy, cô luôn xin dự giờ đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
Lịch sử là môn đặc thù mà nhiều học sinh không thích. Tuy nhiên, bằng tâm huyết của mình, cô đã truyền lửa cho học trò bằng những tiết học sinh động. Cô đã lặn lội vào bản sưu tầm những vật dụng hiếm hoi của người cao tuổi về để “tái hiện” lịch sử trong mỗi giờ dạy. Ví dụ, khi giảng bài về xã hội nguyên thủy, cô đi tìm và mang đến lớp những chiếc giỏ tre hay những vật dụng thô sơ của thời xưa, để minh họa cho bài giảng. Vì vậy, môn học của cô đã được nhiều học sinh yêu thích.
Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Hội cũng tự tìm tòi tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đồng nghiệp trường bạn. Kết quả là cô đã có được một học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện. “Thầy hiệu trưởng nhà trường nói đó là học sinh đầu tiên đạt danh hiệu học sinh giỏi môn lịch sử của trường từ khi thành lập. Điều đó là động lực cho tôi say mê và cố gắng hơn trong sự nghiệp trồng người của mình”, cô Hội xúc động nói.
Cô giáo mang tre nứa, sỏi đá đi dạy học lịch sử - ảnh 3

Tre, nứa được cô Hội mang đến lớp học để giảng bài cho học sinh    ẢNH ĐĂNG HẢI

Nỗ lực qua mỗi năm học, từ việc chỉ có một học sinh giỏi cấp huyện, giờ đây cô đã có học sinh đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh. Cô Hội cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh.
Đến nay đã có 13 năm “trồng người”, cô Hội nói: “Ở nơi khó khăn như thế này, nhưng có nhiều học sinh rất yêu thích bộ môn của mình nên tôi thấy luôn phải tự hoàn thiện bản thân, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. Đồng thời, là tấm gương để các em noi theo”.
VŨ THƠ
TNO