30/12/2024

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển: Phải chọn thời điểm thích hợp

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển: Phải chọn thời điểm thích hợp

Dù ủng hộ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để tái đầu tư cho hạ tầng kết nối nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần có phương án sử dụng vốn rõ ràng, danh sách tuyến đường cụ thể và đặc biệt là phải cân nhắc thời điểm thu phí…

 

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển: Phải chọn thời điểm thích hợp - Ảnh 1.

Xe container xếp hàng dài trên đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, theo yêu cầu của Thành ủy TP.HCM, đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển để tái đầu tư vào các con đường kết nối cảng vốn đang quá tải đã được Sở Giao thông vận tải TP xây dựng, được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành và doanh nghiệp liên quan. Đây cũng là phương án đã được một số địa phương triển khai trước đó và phát huy hiệu quả khá tốt.

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Cần có kịch bản chi tiết và cụ thể

Thời gian qua, Hải Phòng đã tổ chức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển và tái đầu tư nguồn thu này cho hệ thống các tuyến đường kết nối cảng. Hiệu quả của phương án này khá tốt, đó là giúp giao thông thông thoáng hơn, bớt kẹt xe, giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Việc thu phí này cũng được quy định rõ trong Luật phí và lệ phí.

Do đó, đến nay TP mới chuẩn bị trình HĐND TP thông qua là quá chậm. Trong thực tế, do TP chỉ được giữ lại 18% số thu ngân sách, nguồn vốn ngân sách TP dành cho giao thông nhiều năm qua chỉ đáp ứng 30% so với nhu cầu, hàng loạt công trình giao thông bị đình trệ, thậm chí vẫn đang nằm trên giấy do không được bố trí vốn. Có thể nói, việc thu phí này là giải pháp căn cơ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế TP cũng như góp phần phát triển kinh tế cả nước.

Vấn đề còn lại là mức thu bao nhiêu, tổ chức thu ra sao, sử dụng nguồn thu thế nào…? Theo tôi, việc tổ chức thu cần lùi thêm 1 năm bởi doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cần có khoảng thời gian để phục hồi sau dịch. Đặc biệt, TP.HCM cần bổ sung vào đề án 3 kịch bản sử dụng nguồn thu. Chẳng hạn, năm đầu tiên thu được 3.000 tỉ, TP sẽ làm con đường nào, tại cảng nào, thời gian làm cụ thể, công bố cho người dân được biết. Nếu thu được 4.000 hoặc 5.000 tỉ sẽ làm con đường nào tiếp theo.

Phải nói rõ như vậy để khi trình lên, HĐND TP duyệt cũng yên tâm. Giới chủ hàng đóng phí này thấy tiền của mình góp để làm đường vào cảng, chứ không phải TP đưa đi làm việc khác. Về lâu dài, nếu TP sử dụng đúng mục đích khoản thu này, đó là đầu tư trực tiếp cho đường vào cảng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi là tăng tốc độ vận doanh của xe, tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh hơn, giảm chi phí vận hành. Tức là doanh nghiệp bỏ ra một đồng nhưng sẽ đỡ tốn nhiều đồng bởi đường thông thoáng, tiết kiệm chi phí.

* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Đừng để thu thêm phí nhưng đường vẫn kẹt

TP.HCM là một trong 3 đô thị cảng biển lớn cả nước cùng với Hải Phòng và Đà Nẵng. Với sản lượng hàng hóa thông quan lên tới 170 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển TP đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL với 4 cụm cảng chính là Cát Lái, Nhà Bè, Sài Gòn và Hiệp Phước.

Thế nhưng, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng trên địa bàn vẫn chưa đồng bộ, đường hẹp, thiếu kết nối khiến kẹt xe triền miên, chi phí logistics tăng, hiệu quả khai thác cảng giảm. Chẳng hạn tại cảng Cát Lái, theo quy hoạch trước đây hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe/ngày đêm. Trong khi đó, lưu lượng thực tế đã lên 19.000 – 20.000 xe/ngày đêm, có hôm đột biến lên 26.000 xe.

Nếu không gấp rút đầu tư đường, đường vào cảng biển dự báo sẽ kẹt xe trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ lưu thông hàng hóa. Do đó, chúng tôi ủng hộ đề án thu phí để làm đường vào cảng tại TP nhưng cần lưu ý thời gian thực hiện bởi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Ngoài ra, phải chứng minh được việc thu phí này sẽ mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp. TP cũng cần lên danh sách tuyến đường sẽ được đầu tư bằng nguồn thu phí.

Sau khi đầu tư, TP đánh giá và công bố tính hiệu quả của việc thu phí này, tránh trường hợp phí đã thu nhưng đường vẫn kẹt. Ngoài mở rộng làm đường bộ kết nối, TP cần phải lên kế hoạch thực hiện dự án đường sắt kết nối với cảng biển TP góp phần giảm kẹt xe, giảm chi phí vận chuyển.

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển: Phải chọn thời điểm thích hợp - Ảnh 2.

Giao thông cảng Hải Phòng thông thoáng nhờ đường trục cảng được cải tạo mở rộng thêm làn xe – Ảnh: TIẾN THẮNG

* Đại diện Cục Hải quan TP.HCM:

Phải thu hợp lý, chi đúng mục đích

Cục Hải quan TP.HCM không phải là đối tượng hưởng lợi trực tiếp nếu triển khai thu phí hạ tầng cảng biển. Nhưng từ thực tế đang thực hiện dự án chống ùn tắc trong cảng biển, chúng tôi nhận thấy rằng nếu hải quan làm nhanh thủ tục, giải quyết thông quan gọn lẹ nhưng xe ra khỏi cảng vẫn tắc, dự án nêu trên sẽ không có kết quả tốt nhất. Trong dự án chống ùn tắc ở cảng, Hải quan TP.HCM đang tiến tới 60% hàng hóa sẽ thông quan trong đêm.

Có thể khi nghe triển khai thu phí mới, doanh nghiệp sẽ lăn tăn là chi phí cho mỗi container hàng hóa sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, nếu nhìn cả một quá trình dài hơi, sẽ không phải tốn kém như vậy, thậm chí còn được lợi hơn rất nhiều mà lớn nhất là lợi ích về thời gian. Thời gian qua, doanh nghiệp vẫn phản ảnh tình trạng ùn ứ, kẹt xe đường vào cảng khiến mỗi ngày xe container chỉ có thể xoay một vòng xe. Nhưng nếu đường thông thoáng, trong một đêm có thể quay đầu hai chuyến, chưa kể một chuyến ban ngày, lúc đó các chi phí tiêu hao được chia sẻ.

Trong thực tế, một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh hay Lạng Sơn đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư cho hệ thống kết nối. Kết quả cho thấy doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp vận tải đều có lợi vì giải quyết được bài toán thời gian, chi phí thấp hơn nhờ số lần quay đầu xe nhiều hơn. Điều quan trọng là TP cần có cam kết để doanh nghiệp yên tâm rằng khoản tiền thu được sẽ ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, phục vụ các công trình kết nối vào cảng biển.

* Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn:

Đầu tư hạ tầng kết nối với các cảng là cần thiết

Trong năm 2020, lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái dự kiến đạt 5,6 triệu Teu, tăng khoảng 7,4% so với năm 2019 (đạt hơn 5,2 triệu Teu, tương đương 74 triệu tấn) và là cảng có sản lượng thông quan hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng cảng biển lại chưa được quan tâm một cách đồng bộ, gây kìm hãm cho sự phát triển kinh tế của TP, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua cảng bình quân hằng năm là 5%, liên tục tăng nhanh và vượt mức dự báo. Trung bình có khoảng 26.000 lượt xe vận tải hàng hóa ra vào cảng biển mỗi ngày. Ngay trong mùa dịch COVID-19, nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu các tỉnh phía Nam vẫn tăng gần 20%, riêng TP.HCM tăng trên 5%.

Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các cụm cảng của TP lại phát triển khá chậm, không theo kịp sự phát triển của các cảng biển, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Điều này đòi hỏi việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng xung quanh cảng rất cấp thiết. Nếu có nguồn vốn để đầu tư một cách đồng bộ sẽ giúp các phương tiện đi lại nhanh chóng hơn, tạo điều kiện kéo giảm chi phí logistics.

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, TP cần tìm cơ chế để giải quyết bài toán này, trong đó thu phí hạ tầng cảng biển được xem là một trong những cách làm đã có tiền lệ thành công ở những địa phương khác. Tuy nhiên, TP cần triển khai phương án thu phí tự động nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Sẽ lên danh sách các tuyến đường cần đầu tư

Theo Sở GTVT TP.HCM, đối tượng thu phí theo đề án đang xây dựng là hàng hóa xuất nhập khẩu, với số thu vào khoảng 3.000 tỉ đồng/năm. Nguồn thu này sẽ không đưa đi đầu tư chỗ khác mà chỉ tập trung cho việc mở rộng, làm đường mới kết nối với cảng. Cùng với việc xây dựng đề án thu phí, cơ quan này cũng đã lên danh sách danh mục đầu tư các dự án kết nối tại các cụm cảng TP.HCM.

“TP sẽ công bố danh sách dự án, nâng cấp, mở rộng, làm mới… đường vào cảng đầu tư từ nguồn thu phí. Trong đó, sẽ nêu rõ khi nào đầu tư khép kín đường Vành đai 2, khi nào mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh” – một lãnh đạo Sở GTVT khẳng định. Cũng theo vị này, đề án đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… để kịp hoàn thiện, trình HĐND TP xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 12-2020.

Nếu được thông qua, việc thu phí sẽ thực hiện trước tại cảng Cát Lái vào quý 2-2021, rồi tổ chức tổng kết trước khi triển khai ở các cảng khác tại TP. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở GTVT sẽ là đơn vị quản lý thu phí, theo hình thức không dùng tiền mặt, thanh toán chuyển khoản qua hệ thống 24/7 của Hải quan TP.

Đ.PHÚ

ĐỨC PHÚ – NHƯ BÌNH ghi
TTO