24/11/2024

Từ gà con đến linh kiện, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu dài dài

Từ gà con đến linh kiện, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu dài dài

Theo báo The Economist của Anh, có một bí mật ít người biết là mỗi năm Trung Quốc phải nhập khẩu 1,6 triệu gà con lông trắng “hạng ba” để đảm bảo nhu cầu trong nước. Gà Trung Quốc chậm lớn, không bằng gà Mỹ.

Từ gà con đến linh kiện, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu dài dài - Ảnh 1.

Gà lông trắng Trung Quốc đã lớn gấp đôi so với cuối thập niên 1970 – Ảnh: AFP

Gà nuôi ở Trung Quốc là kết quả quá trình chọn lọc di truyền lâu dài và tỉ mỉ. Do đó chúng có nhiều đặc tính kháng bệnh, tối ưu hóa tỉ lệ thịt/trọng lượng hoặc lớn rất nhanh.

Người Trung Quốc thường gọi giống gà nuôi công nghiệp này là gà lông trắng.

Phải nhập gà “hạng ba”

Theo nghiên cứu của Đại học Alberta (Canada), gà lông trắng nuôi ở Trung Quốc hiện to gấp đôi so với loại gà nuôi hồi cuối thập niên 1970 và lớn hơn 4 lần so với cuối thập niên 1950. Chúng chỉ tiêu thụ thức ăn bằng phân nửa nhưng kích thước ức tăng 80%.

Còn gà lông vàng Trung Quốc (hậu duệ của gà thả vườn) phải mất gấp đôi thời gian để trưởng thành và không bao giờ nặng hơn 50% so với trọng lượng gà các nước phương Tây.

Với sức tiêu thụ 20 triệu tấn thịt gà năm 2019, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt gà lớn nhất thế giới, trên cả Mỹ (19 triệu tấn) và Brazil (12 triệu tấn).

Tuy nhiên, theo báo The Economist (Anh), có một bí mật được giữ kín là dù cố gắng hết sức, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nhiều vào gà phương Tây.

Các đại gia trong ngành công nghiệp gia cầm như Aviagen hoặc Cobb ở Mỹ thường giữ lại các lứa gà mái sinh sản sung mãn nhất để phục vụ thương hiệu riêng của họ.

Đến lứa thứ hai, gà được vận chuyển bằng máy bay đến Brazil, Anh hoặc New Zealand để đáp ứng cú sốc cung ứng có thể xảy ra như trong trường hợp có dịch cúm gia cầm.

Cuối cùng, gà con lứa thứ ba sau 3 ngày tuổi mới được xuất khẩu sang các đối tác như Trung Quốc để tiếp tục nuôi trong sáu tháng ở các trang trại có máy điều hòa nhiệt độ và hệ thống điều khiển ánh sáng nhân tạo.

Từ gà con đến linh kiện, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu dài dài - Ảnh 2.

Trang trại nuôi gà lông vàng ở Hắc Hà (tỉnh Hắc Long Giang) – Ảnh: REUTERS

Từ linh kiện đến hàng không

Theo The Economist, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,6 triệu gà con lông trắng thế hệ thứ ba.

Dù vậy, gà con lông trắng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người dân nên các chợ địa phương vẫn phải mua bán chủ yếu là gà lông vàng.

Người chăn nuôi ở Trung Quốc đã cố gắng lai tạo các giống gà địa phương để đạt năng suất cao hơn.

Song muốn lai tạo giống quốc gia từ con số 0 phải mất nhiều năm và có thể không đáp ứng được nhu cầu thị trường đang ưa chuộng giống gà phương Tây.

Chính vì vậy Trung Quốc đã đặt mục tiêu ưu tiên thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào gia cầm phương Tây càng nhanh càng tốt

Gà là một trong những ví dụ tiêu biểu về tình hình tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

Nhìn rộng hơn, Công ty Huawei của Trung Quốc một khi bị tước quyền sử dụng hệ điều hành Android đang gặp rất nhiều khó khăn khi muốn khai thác hệ điều hành riêng.

Dù nỗ lực phát triển chip vi mạch “made in China”, năm nay Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu 300 tỉ USD linh kiện bán dẫn để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất điện tử nội địa.

Các máy bay của Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC thuộc sở hữu nhà nước) chủ yếu vẫn dựa vào công nghệ do Airbus (châu Âu) và Boeing (Mỹ) phát triển từ lâu.

Theo The Economist, Trung Quốc chưa xây dựng đủ đội ngũ các nhà khoa học lỗi lạc để bắt kịp công nghệ mới. Chính vì thế, gà Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ dài dài.

Từ gà con đến linh kiện, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu dài dài - Ảnh 3.

Máy bay của COMAC vẫn phải dựa vào công nghệ của Airbus và Boeing – Ảnh: EPA

HOÀNG DUY LONG
TTO