30/12/2024

Ngân sách năm 2021 đi vay 608,5 nghìn tỉ đồng, chưa điều chỉnh tăng lương

Ngân sách năm 2021 đi vay 608,5 nghìn tỉ đồng, chưa điều chỉnh tăng lương

Chiều 12-11, các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 92,53% phiếu tán thành.

 

Ngân sách năm 2021 đi vay 608,5 nghìn tỉ đồng, chưa điều chỉnh tăng lương - Ảnh 1.

Năm 2021 ngân sách sẽ đi vay 608,5 nghìn tỉ đồng – Ảnh: N.AN

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước là 1,3 triệu tỉ đồng, chi ngân sách là 1,68 triệu tỉ đồng. Như vậy bội chi ngân sách nhà nước là 343,6 nghìn tỉ đồng, tương đương 4%. Đồng thời phê duyệt tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608,5 nghìn tỉ đồng.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong việc điều chỉnh bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trung ương được tăng bội chi là 133,5 nghìn tỉ đồng để bảo đảm chi đầu tư phát triển. Giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước; thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ.

Đồng thời không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng để dành nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện an sinh xã hội.

Để thực hiện tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước.

Quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn.

Trong phân bổ ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí triển khai Nghị quyết số 120 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…

Trong năm 2021 cũng chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Quốc hội giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Sử dụng 2.500 tỉ đồng ngân sách bù chênh lệch lãi suất cho VDB

Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước 533,6 nghìn tỉ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh, bổ sung dự toán chi đầu tư lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cho Bộ Công an để thực hiện các dự án đã được phê duyệt.

Bổ sung dự toán thu chi, ngân sách 26.142 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác.

Chuyển hơn 3.233 tỉ đồng kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2019 sang sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cho phép sử dụng 2.500 tỉ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).

N.AN
TTO