24/11/2024

Mô hình nào cho giáo dục phổ thông Việt Nam?

Mô hình nào cho giáo dục phổ thông Việt Nam?

Giáo dục phổ thông đã triển khai nhiều mô hình trường học khác nhau. Có mô hình duy trì và phát triển, có mô hình sau đó biến mất. Liệu có mô hình trường học nào phù hợp với đổi mới giáo dục trong 15 – 20 năm tới?
Giờ học tại một trường THPT của TP.HCM thuộc mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giờ học tại một trường THPT của TP.HCM thuộc mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Phân ban và trường học VNEN đều thất bại

Dạy học phân hóa theo khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp của học sinh (HS) là xu hướng giáo dục thế giới. Ở cấp vĩ mô, phân hóa là phân luồng, phân ban hoặc dạy học tự chọn. Một số nước thực hiện phân hóa sớm, sau cấp tiểu học như Đức, Singapore, nhưng đa số các nước thực hiên phân hóa sau trung học cơ sở.
Ở nước ta, phân ban cấp THPT thực hiện theo mô hình giáo dục Pháp, được duy trì ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 và sau đó tiếp tục thực hiện ở vùng giải phóng miền Nam giai đoạn 1975 – 1980. Tuy nhiên từ đó đến nay, mô hình này nhiều thăng trầm. Giai đoạn 1980 – 1990 bỏ phân ban, 1991 – 1998 phân ban trở lại, 1999 – 2006: bỏ phân ban. Sau 2006, thực hiện phân ban, với 3 ban: khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa, ngoại ngữ) và cơ bản (văn, toán). Đến nay, cả nước chỉ còn một ban duy nhất, đó là ban cơ bản. Như vậy, phân ban được thí điểm nhiều lần, nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Mô hình trường học mới VNEN cũng là một thất bại nữa. VNEN là dự án sư phạm nhằm xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu toàn diện và đặc điểm giáo dục VN. Chương trình được triển khai đầu năm 2013, đến năm 2016 đã có khoảng 5.000 trường tiểu học và THCS khắp cả nước thực hiện. Có thể khẳng định rằng VNEN có một số thành tố tiến bộ như: phương pháp dạy học (giáo viên chủ yếu hướng dẫn, còn HS chủ động, tích cực học tập); tổ chức lớp học (chủ yếu HS tự quản); sự tham gia của cha mẹ HS, cộng đồng… Nhưng từ năm 2017, các địa phương lần lượt dừng trường học VNEN, sau đó Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ phát huy những thành tố tích cực của mô hình này.

Mô hình trường toàn diện – mở

Nhiệm vụ giáo dục của thế kỷ 21 là mang lại cho mọi người cơ hội học tập suốt đời với mọi trình độ khác nhau, để trở thành người có năng lực giao tiếp và hợp tác, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự học, tự khẳng định mình và góp phần canh tân mọi lĩnh vực của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi nền sản xuất thế giới: máy móc, robot sẽ thay thế con người, lao động một số ngành sẽ thất nghiệp. Làn sóng công nghệ mới tác động đến giáo dục, nhất là cá nhân hóa học tập, giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, học theo nhu cầu, khả năng và điều kiện của từng cá nhân.

Nhiều mô hình tốt cần phát huy

Thực tiễn giáo dục ở nước ta đã và đang thực hiện một số mô hình trường học tốt cần phát huy như: trường phổ thông chất lượng cao, trường tiên tiến hội nhập quốc tế, trường học gắn với kinh tế – xã hội địa phương, trường chuyên/trường năng khiếu dựa trên nền tảng toàn diện… Đây là những thực tiễn phong phú, đa dạng của mô hình trường học toàn diện – mở – nền tảng học tập. Về mô hình trường học hạnh phúc, trước hết là trường học toàn diện và bổ sung thêm các tiêu chí như: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Cần phải nhận thức đúng đắn về giáo dục hạnh phúc, ở đó HS cảm nhận được niềm vui trong học tập, kích thích sự tò mò và học tập với một niềm say mê thực sự. Nếu nhà trường chỉ chú ý đến hoạt động vui chơi mà coi nhẹ việc học tập, rèn luyện đúng đắn sẽ dẫn đến một số hệ lụy như: HS dễ hình thành thói lười biếng; thiếu đam mê làm việc chăm chỉ; không tạo được chỗ đứng trong xã hội sau này.

Ở nước ta, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Như vậy, trường học toàn diện – mở – nền tảng học tập là mô hình trường học phù hợp với đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới, với 5 tiêu chí định hướng:
Phát triển toàn diện HS, giúp HS không chỉ có khả năng tự học ở trường mà hình thành khả năng tự học suốt đời.
Dân chủ hóa giáo dục. Trường học là xã hội dân chủ thu nhỏ. Ở đó, HS có quyền được lựa chọn các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với bản thân, HS có quyền xây dựng kế hoạch học tập của mình, phát biểu ý kiến, phản biện để nhận thức vấn đề sâu và sáng tạo hơn, có khi ý kiến HS khác với thầy giáo nhưng vẫn được tôn trọng.
Cá nhân hóa giáo dục, giúp HS phát hiện sự khác biệt của mình, đáp ứng sự khác biệt đó và phát huy cao nhất khả năng, sở thích của mỗi em.
Ứng dụng hóa giáo dục. Các kiến thức và kỹ năng thực sự hữu ích đối với HS, gắn với thực tiễn và giúp HS vận dụng được kiến thức đã lĩnh hội vào học tập hay giải quyết các vấn đề cuộc sống.
Trường học mở và hội nhập. Mở về chương trình: ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT còn có chương trình địa phương. Mở về hình thức giảng dạy: trực tiếp hoặc trực tuyến; mở về kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, đánh giá trong bối cảnh thực tế. Ứng dụng công nghệ 4.0 để cá nhân hóa học tập; tổ chức hoạt động trải nghiệm ở cộng đồng.
HỒ SỸ ANH
TNO