27/12/2024

Loại tách thửa đất nông nghiệp ?

Loại tách thửa đất nông nghiệp ?

Trong dự thảo sửa đổi Quyết định 60 quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa, Sở Tài nguyên – Môi trường đã bỏ quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp, gây ra sự tranh luận của nhiều bên.
Đại đa số các ý kiến đều yêu cầu đưa quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp vào Quyết định 60 sửa đổi /// ẢNH: ĐÌNH SƠN
Đại đa số các ý kiến đều yêu cầu đưa quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp vào Quyết định 60 sửa đổi  ẢNH: ĐÌNH SƠN

Làm nông không được, xây nhà không xong

Ông Nguyễn Hiền (ngụ Q.10, TP.HCM) mới mua khoảng 2.000 m2 đất nông nghiệp tại H.Bình Chánh. Dù trên giấy tờ là nông nghiệp nhưng khu đất nằm trong khu dân cư hiện hữu, xung quanh có nhà ở nên không thể làm nông nghiệp vì không có nước cung cấp cho tưới tiêu. Thế nhưng khi nộp hồ sơ xin tách thửa thì chính quyền địa phương kêu chờ vì Quyết định (QĐ) 60 đang lấy ý kiến sửa đổi. “Nếu QĐ 60 tới đây không cho tách thửa đối với đất nông nghiệp thì xem như khu đất đành bỏ hoang vì làm nông nghiệp cũng không được mà chuyển lên thổ cư để tách thửa làm nhà cũng không xong”, ông Hiền than thở.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Vinh (ở H.Hóc Môn) cho biết gia đình có miếng đất nông nghiệp hơn 500 m2 nằm xen cài trong khu dân cư nhưng ông xin tách thửa từ lâu vẫn chưa được chấp thuận. Vì thế, nghe nói Dự thảo QĐ 60 loại tách thửa với đất nông nghiệp, ông Vinh lo lắng đề xuất “thay vì đề xuất loại bỏ luôn việc tách thửa đất nông nghiệp ra khỏi QĐ 60 thì Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) nên tham vấn cho TP cho phép những khu đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư mà phù hợp quy hoạch được chuyển sang đất ở và cho tách thửa. Bởi đằng nào khu đất cũng quy hoạch là đất ở rồi thì phải cho chuyển để người dân xây dựng nhà cửa, đó là nhu cầu chính đáng của người dân”.
Theo luật sư Trần Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, hiện nay diện tích đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư không thể làm nông nghiệp đang rất lớn, nhất là ở các quận, huyện ngoại thành. Do vậy, cần cho chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở và tách thửa theo quy định của luật Đất đai 2013. Riêng đối với trường hợp chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết. Đối với đất nông nghiệp đã quy hoạch là “thuần” làm nông nghiệp thì tính sau, có thể ban hành quyết định riêng cho trường hợp này.

Hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: Khoản 2 điều 143 luật Đất đai quy định, căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương. Tại khoản 31 điều 2 Nghị định 01 cũng quy định: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Tại TP.HCM, từ tháng 10.2014 đến hết năm 2017 đã có quy định đối với các thửa đất có cả đất ở và đất nông nghiệp hoặc thửa đất phi nông nghiệp nằm xen cài trong khu vực đô thị nếu không thuộc khu vực nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt, UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở. Đồng thời cho phép thực hiện tách thửa đất. Sở TN-MT “loại” việc tách thửa đất ra khỏi QĐ 60 là hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất, đi ngược lại luật Đất đai 2013 và Nghị định 01.

Cần bổ sung quy định phù hợp với tình hình thực tế

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea), khẳng định HoRea thống nhất với đề xuất của Sở TN-MT chỉ giải quyết tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể của TP.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn tình hình của TP, tại các quận và các thị trấn có nhiều thửa đất vừa có phần diện tích đất ở, vừa có phần diện tích đất nông nghiệp xen cài, thuộc các khu dân cư hiện hữu, ổn định thì dự thảo quyết định thay thế QĐ 60 cần bổ sung quy định cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện thủ tục cho phép tách thửa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
“Trường hợp thửa đất không thuộc khu vực nhà nước phải thu hồi, các địa phương cần căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, sau đó thực hiện tách thửa đất theo quy định.
Thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa phải đảm bảo các quy định về kết nối hạ tầng”, ông Châu đề xuất và nói thêm, đối với trường hợp sau khi tách thửa đất ở thành các thửa đất ở nhỏ hơn, mà người sử dụng đất của từng thửa đất này tự nguyện thỏa thuận dành một phần diện tích của mỗi thửa đất để làm “thông hành địa dịch” gồm lối đi chung, xây dựng công trình cấp nước, cấp điện, thoát nước… được đấu nối vào hệ thống hạ tầng của khu vực thì diện tích đất ở của mỗi thửa đất bao gồm cả phần diện tích đất làm “thông hành địa dịch” phải được công nhận đầy đủ trong sổ hồng cấp cho người dân.
Ông Châu cũng kiến nghị: Các trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp; người sử dụng thửa đất ở có nhu cầu tách thửa, mà việc tách thửa có hình thành đường giao thông thì người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan để phòng ngừa tình trạng phân lô bán nền tràn lan như đã xảy ra trong các năm trước đây.
ĐÌNH SƠN
TNO