27/12/2024

Covid-19 báo động đỏ toàn cầu

Covid-19 báo động đỏ toàn cầu

Thế giới vừa ghi nhận cột mốc đáng buồn về Covid-19, và giới chuyên gia y tế cảnh báo tình hình sắp tới sẽ còn diễn biến đáng lo ngại.
Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Houston, Texas, Mỹ /// AFP
Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Houston, Texas, Mỹ  AFP
Tính đến hôm qua, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 50 triệu ca, trong đó hơn 1,2 triệu ca tử vong. Mức độ lây lan dịch bệnh đã gia tăng nhanh chóng trong những ngày qua. Theo Reuters, tổng số ca nhiễm toàn cầu tăng 10 triệu trong 21 ngày qua, trong khi trước đó mất 32 ngày để số ca nhiễm tăng từ 30 triệu lên 40 triệu.

Mỹ lo đại dịch kép

Đáng báo động hơn hết là tại Mỹ khi nước này đang phải chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ 3. Tính đến hôm qua, Mỹ có khoảng 10 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 237.000 người tử vong, theo Reuters. Đợt bùng phát mới nhất trùng thời điểm cao trào của mùa bầu cử Mỹ, khi số lượng cử tri bỏ phiếu đạt mức kỷ lục. Nhà chức trách Mỹ ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong 10 ngày qua, mức cao nhất từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện cách đây gần 10 tháng. Hôm 7.11, số ca nhiễm tại Mỹ đạt mức kỷ lục 131.420 ca và trong một tuần qua, có 5 ngày số ca nhiễm vượt hơn 100.000 ca.
Đài NBC News dẫn lời các chuyên gia y tế cảnh báo vào tháng 1.2021, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên mức hơn 2.000 ca mỗi ngày và khả năng “đại dịch kép” xảy ra khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên trong đợt cúm mùa. Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có khoảng 24.000 – 62.000 ca tử vong liên quan bệnh cúm trên toàn quốc trong mùa cúm 2019 – 2020.
Ông Joe Biden, người vừa tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong ngày 9.11 thành lập tổ chuyên trách chống dịch Covid-19 gồm 12 thành viên do các cựu quan chức y tế cấp cao làm chủ nhiệm. Tổ chuyên trách sẽ vạch ra kế hoạch kiểm soát đại dịch để thực hiện nếu ông Biden nhậm chức vào tháng 1.2021. Trong khi đó, các cố vấn y tế của ông Biden đã gặp lãnh đạo các hãng dược đang điều chế vắc xin và thuốc trị Covid-19 cho chính phủ Mỹ để nắm thêm thông tin về tình hình phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin cũng như thuốc điều trị Covid-19. Theo Bloomberg, ông Biden nếu nhậm chức sẽ không thay đổi chương trình tài trợ hiện nay của chính phủ Mỹ đối với các hãng dược nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc phát triển và phân phối.
Covid-19 báo động đỏ toàn cầu1

Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Mendoza, Argentina

Điểm nóng châu Âu

Châu Âu một lần nữa đang trở thành tâm dịch của thế giới. Tính đến hôm qua, đã có khoảng 12,6 triệu ca nhiễm trên khắp lục địa già, trong đó 306.000 ca tử vong. Theo phân tích của Reuters, số ca nhiễm mới tại châu Âu đang tăng lên với tốc độ khoảng 1 triệu ca/3 ngày.
Làn sóng thứ hai đã buộc chính phủ các nước gia tăng các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế sự lây lan, trong đó nhiều nước đang phải tái phong tỏa để dập dịch. Tại Pháp, giới chức y tế mới đây cảnh báo nước này có thể sắp lâm vào tình cảnh phải chọn cách cứu bệnh nhân có cơ hội sống cao hơn trong lúc khoa chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện đang quá tải, theo Euronews.
Tại Anh, có nghiên cứu cho thấy 50% số ca nhiễm Covid-19 không được phát hiện, dẫn đến kết luận của các nhà khoa học rằng nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đang không được thực hiện quyết liệt, theo tờ The Guardian. Mặt khác, chính phủ Anh vừa ban hành lệnh cấm khách vãng lai từ Đan Mạch sang nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan một chủng vi rút đột biến mới. Trước đó, nhà chức trách Đan Mạch phát hiện loại vi rút gây Covid-19 đột biến tại các trang trại nuôi chồn lấy da và lây sang người. Mặc dù chưa có bằng chứng loại vi rút này lây lan mạnh hơn hay khiến bệnh tình của nạn nhân nặng hơn, nhưng một số nhà khoa học cảnh báo dạng biến thể này có thể giảm hiệu lực của vắc xin ngừa Covid-19.
Lo nguy cơ chiến tranh vì Covid-19
Trả lời phỏng vấn Đài Sky News ngày 8.11, Tham mưu trưởng quốc phòng Anh, tướng Nick Carter cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây nguy cơ dẫn đến chiến tranh, kéo theo nhiều nước tham gia. Ông Carter dẫn chứng trong thế kỷ 20, trước khi hai cuộc chiến tranh thế giới nổ ra, đã có những diễn biến leo thang dẫn đến tính toán sai lầm, cuối cùng gây ra chiến tranh ở quy mô toàn cầu. Theo vị tướng này, thế giới đang trở nên bất ổn trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành và có khả năng những tính toán sai lầm sẽ dẫn đến chiến tranh.
Vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer hiệu quả 90%
AFP dẫn thông báo từ Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 9.11 cho hay một loại vắc xin ngừa Covid-19 do hãng phối hợp với BioNTech bào chế có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19 trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đang diễn ra. Theo kết quả sơ bộ, vắc xin phát huy công dụng bảo vệ bệnh nhân 7 ngày sau khi họ được tiêm liều thứ hai, và 28 ngày sau liều tiêm đầu tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi vắc xin của liên danh Pfizer và BioNTech. “Thị trường chứng khoán tăng điểm, vắc xin sắp được tung ra thị trường. Vắc xin có hiệu quả tới 90%. Thật là tin tuyệt vời”, Tổng thống Trump viết trên Twitter. Ngay sau thông tin tích cực trên, chứng khoán Mỹ tăng điểm kỷ lục trong phiên giao dịch đầu tuần.
Huỳnh Thiềm
VI TRÂN
TNO