26/12/2024

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: ‘Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa’

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: ‘Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa’

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dù nghị định mới ban hành của Chính phủ đã bỏ một số quy định về chứng chỉ không cần thiết, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn vẫn cần phải “tiến tới” bỏ trong các thông tư.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 9.11 /// Ảnh Gia Hân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 9.11  ẢNH GIA HÂN
Sáng 9.11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã lật lại vấn đề chứng chỉ.
“Có rất nhiều cử tri theo dõi, những kỳ họp trước, Bộ trưởng đề cập đến là sẽ sớm bỏ những chứng chỉ (không cần thiết). Vậy cử tri quan tâm là đến bao giờ thì việc này sẽ được bỏ, để cử tri không phải “thi nhau” đi học chứng chỉ?”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Về tuyển dụng, lần này nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với những người tốt nghiệp các bằng cấp chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa.
Tương ứng, đối với tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.
Có những vị trí không cần trình độ cao thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ cấp bậc cao hơn thì chúng ta quy định trong từng vị trí việc làm, vẫn theo Bộ trưởng.
Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức.
Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong thời quan qua, Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập và cũng không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, về bổ nhiệm cán bộ, trước kia, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ bỏ các chứng chỉ không cần thiết
Cũng liên quan đến vấn đề chứng chỉ, trao đổi với PV Thanh Niên bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ông sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ đối thoại với các cơ quan báo chí để loại bỏ những quy định chứng chỉ không cần thiết.
Theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ TT-TT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên,… các phóng viên hạng 3 sẽ phải có 5 loại giấy tờ:
Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, xuất bản trở lên (trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên);
Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT;
Trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;
Sơ cấp lý luận chính trị trở lên;
Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng III.
Điều này dẫn đến thực tế là có những nhà báo đã làm việc hàng chục năm trong nghề, thậm chí giành nhiều giải báo chí, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành khác như sư phạm, luật, kinh tế… giờ phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục.

Các nhà báo vốn làm việc liên tục với máy tính và nhiều thiết bị công nghệ khác để phục vụ công việc, nhưng nay phải đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng…

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong thẩm quyền của ông, những quy định rườm rà, không cần thiết, sẽ cho bỏ.
VŨ HÂN
TNO