Thách thức kết nối mạng đường sắt đô thị
Thách thức kết nối mạng đường sắt đô thị
Không chỉ câu chuyện vốn và tiến độ, kết nối thế nào mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội là bài toán khó khi mỗi dự án sử dụng một công nghệ riêng, hệ thống đoàn tàu riêng.
Do đặc thù mỗi dự án sử dụng nguồn vốn vay từ mỗi nước với công nghệ kèm theo khác nhau, các tuyến metro Hà Nội cũng như TP.HCM khó có thể đồng bộ hóa về sau này. Để đồng bộ hóa các tuyến metro sau khi hoàn thành, ít nhất phải đồng bộ hóa được các vấn đề như khổ đường, chiều dài cũng như cấu tạo đoàn tàu, hình thức điện khí hóa, hệ thống thông tin tín hiệu, điều khiển; trung tâm điều hành chạy tàu; trang thiết bị depot; hệ thống thẻ vé, soát vé tự động…
Theo GS-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp, Trường đại học GTVT Hà Nội, kết nối về mặt công nghệ của metro hiện đang “ông chẳng, bà chuộc” bởi phụ thuộc vốn vay, tiền nước nào thì công nghệ nước đó, dẫn đến bất cập trong kết nối mạng lưới về sau. “Hà Nội vẫn còn rất nhiều tuyến metro chưa triển khai, cần có một “nhạc trưởng” chung, tránh tình trạng mỗi tuyến một phách. Nói cách khác, chủ đầu tư cần đưa ra đề bài về công nghệ, điện khí hóa… chung để các nhà thầu thực hiện. Dù là vốn vay nhưng ODA cũng là tiền chúng ta bỏ ra, nếu không được tự chủ thì thật sự đáng tiếc”, ông Sùa nhìn nhận.
Cũng theo chuyên gia này, trước đây mạng tàu điện của Hà Nội cũng theo một nguyên tắc chung là kết nối tại Bờ Hồ. Hay như mạng xe buýt hiện nay, người dân có thể chuyển tuyến rất thuận tiện, mạng đường sắt đô thị cũng phải làm được điều này mới có thể thu hút người dân.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, đại biểu Quốc hội Hà Nội, để metro phát huy hiệu quả đúng nghĩa cần có lượng hành khách đông tương ứng, muốn thế phải có được sự tiện nghi, kết nối của hệ thống nhà ga và đô thị như các tuyến đi bộ, các trung tâm tập trung đông người, bến bãi trung chuyển, xe buýt kết nối. Ông Thường cũng đề xuất Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân kiểu Tokyo (Nhật Bản), để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư đường sắt đô thị và hưởng lợi từ việc phát triển không gian đô thị, khai thác quỹ đất khu vực nhà ga.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thì cho rằng đường sắt đô thị cũng như đường sắt quốc gia đều có đặc thù nguồn vốn lớn, rất khó thu hút nhà đầu tư tư nhân nếu Nhà nước không làm các phần khó như hạ tầng, đoàn tàu và “nhường” các phần có hiệu quả tài chính và tư nhân khai thác tốt hơn như nhà ga. “Để khuyến khích người dân sử dụng, nhà nước và các chính quyền đô thị như Hà Nội, TP.HCM vẫn phải trợ giá để hỗ trợ giá vé cho người dân. Metro cũng phải hỗ trợ giá nếu muốn thu hút được nhiều người sử dụng”, ông Đông nói.
MAI HÀ
TNO