26/12/2024

300.000 tỉ đồng hoàn thiện giao thông khu Đông

300.000 tỉ đồng hoàn thiện giao thông khu Đông

Để đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông, TP.HCM đang từng bước lên kế hoạch, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, kết nối giao thông đến TP mới.
TP.HCM kỳ vọng bứt phá nhờ TP sáng tạo phía đông /// Ảnh: Độc Lập
TP.HCM kỳ vọng bứt phá nhờ TP sáng tạo phía đông  ẢNH: ĐỘC LẬP
Sở GTVT TP cũng vừa ra quyết định ban hành kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông.

Ưu tiên kết nối liên vùng

Theo kế hoạch của Sở GTVT, có 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần được tập trung triển khai để phát triển đồng bộ hạ tầng ở khu Đông TP từ nay đến năm 2030, gồm: chương trình đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường vận tải hành khách công cộng và nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn, kết nối các mạng lưới sông lớn.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng, đề xuất công nhận kết quả đánh giá TP.Thủ Đức là đô thị loại 1 để làm cơ sở lập đề án lập TP này. Cụ thể, dựa vào 5 tiêu chí của Nghị quyết 1210/2016 – Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, khu vực dự kiến thành lập TP.Thủ Đức đạt các tiêu chí như sau: vị trí chức năng, vai trò cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội đạt 20/20 điểm; quy mô dân số đạt 6,69/8 điểm; mật độ dân số đạt 5,98/6 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/6 điểm; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 48,51/60 điểm. Đối chiếu với các quy định hiện hành, khu vực dự kiến lập TP.Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại 1.

Theo đó, khu TP.Thủ Đức trong tương lai sẽ hướng tới hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại, thông qua việc đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông thông minh; đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông; đầu tư hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phía đông, Sở GTVT đang phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch. Cụ thể, Sở sẽ cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn một số tuyến đường quan trọng; bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái; bổ sung quy hoạch kết nối đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… Trên cơ sở Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2030, Sở GTVT cho biết sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đầu tư khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực gồm Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng… Đồng thời cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc như nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức…
Mới đây, Sở GTVT TP cũng vừa gửi văn bản đề xuất kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành với đường Long Phước (Q.9) để đồng bộ, phát triển hạ tầng giao thông khu Đông. Được đánh giá vị trí quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía đông, Sở GTVT nhận định việc kết nối đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách từ khu vực này đến trung tâm TP, việc di chuyển được dễ dàng, thuận lợi; đồng thời tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi thông qua các nút giao: Đường Long Phước với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đường Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đường nối Vành đai 3 với đường Long Phước, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực Q.9. Đồng thời, phát huy hiệu quả dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA), cho biết để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng nội thị, đơn vị này đang gấp rút thúc các quận, huyện nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện các dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 và hầm chui, cầu vượt trước khu vực Bến xe Miền Đông. Tiếp đến, loạt công trình như mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2022. Giai đoạn 2023 – 2025, nhiều dự án trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2 – 3 – 4, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, nút giao An Phú… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức về trung tâm TP.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông thủy. Trong đó, hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng.

Giao thông công cộng sẽ đáp ứng 50 – 60%

Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở GTVT tập trung thực hiện đó là nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50 – 60% nhu cầu đi lại của người dân khu đô thị sáng tạo phía đông đến năm 2040, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông.
Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2021, TP.HCM sẽ mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đưa rước học sinh, sinh viên có trợ giá trên địa bàn TP. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu mở mới 20 tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến đã được UBND TP phê duyệt. Đồng thời, đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT bằng cách tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM, đưa vào vận hành khai thác tuyến BRT số 1 trong năm 2021.
Đặc biệt, vai trò của tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) được nhận định rất quan trọng. Do đó, ngoài việc nghiên cứu phát triển mạng lưới xe buýt thu gom dọc tuyến metro số 1, TP đang thúc đẩy nghiên cứu mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án metro số 1 kéo dài có hướng tuyến cụ thể: từ ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2 km đến khu vực Bình Thắng (TP.Dĩ An, Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây, sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và đi trung tâm TP.Dĩ An (Bình Dương). Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Đồng thời, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.

Cần vốn mồi để phát triển

Theo Sở GTVT TP, để hoàn thành kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông như đề ra ở trên, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến hơn 300.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP hơn 83.000 tỉ đồng, còn lại là từ các nguồn khác như T.Ư, xã hội hóa, ODA…
Đây thật sự là một con số “khổng lồ” bởi thực tế, TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế, được trao cơ chế đặc thù nhưng thời gian qua cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. Ngân sách hạn hẹp, giao thông, hạ tầng cơ sở “khát vốn”, TP chật vật bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi hàng loạt vấn nạn như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm… TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright VN, nhấn mạnh để TP phía đông có thể bứt phá, cần rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là được áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp. “Cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho Thủ Đức giống như Trung Quốc đã làm với Thượng Hải, Bắc Kinh và Phố Đông. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỷ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 – 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây được gọi là vốn mồi để Thủ Đức phát triển, thu hút nguồn lực từ xã hội và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài”, ông Du đề xuất.
HÀ MAI
TNO