01/11/2024

Sân bãi không lớn, học thể thao cách nào ?

Sân bãi không lớn, học thể thao cách nào ?

Không phải trường học nào ở TP.HCM cũng có diện tích sân bãi lớn, nhà thi đấu riêng biệt. Vậy làm sao để đảm bảo học sinh học tốt các giờ giáo dục thể chất, được chơi thể thao?
Giờ học thể dục tại Trường THCS Ba Đình, Q.5 /// ẢNH: THÚY HẰNG
Giờ học thể dục tại Trường THCS Ba Đình, Q.5  ẢNH: THÚY HẰNG
Với đặc thù đô thị như TP.HCM, nhiều trường học rất hạn chế không gian sân bãi. Vậy đâu là những sáng tạo của giáo viên và học sinh (HS) để có thể học thể dục, chơi thể thao?

Học thể dục ngoài công viên

Khi chúng tôi tới Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM, trong khoảng sân không rộng đang có tới 3 lớp cùng tập trung học thể dục. Khoảng sân này cũng thường xuyên có người di chuyển qua lại, do đó mỗi lớp buộc phải tập luyện trong một diện tích nhất định. Sau giờ tập bài thể dục phát triển chung, giáo viên giáo dục thể chất chia lớp thành các nhóm, nhóm đá cầu, nhóm tiếp tục tập bài phát triển cơ lưng, bụng, đùi… Tại sân trường có lắp các trụ để HS tập luyện môn bóng rổ, cầu lông, nhưng vì diện tích sân có hạn, số lượng HS đông nên các nhóm phải thay phiên nhau luyện tập.
Tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, vào những ngày thời tiết đẹp, HS được học thể dục tại công viên Tao Đàn ngay gần trường với không gian thoáng mát, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên. Trong sân trường được bố trí bàn cờ vua để mỗi chiều HS chơi trong lúc chờ cha mẹ đón về. Câu lạc bộ bóng bàn trong trường cũng được mở cửa cho HS chơi miễn phí. Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngay gần trường có sân bóng nhân tạo, Trung tâm TDTT Q.1, các sân tập thể thao trên đường Huyền Trân Công Chúa, HS được khuyến khích tham gia các môn như đá bóng, cầu lông… vào cuối tuần.
Tại Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM, HS vẫn có thể chơi bóng bàn, đá bóng tại khu vực sân trường và tầng trệt. Đặc biệt, nhiều giờ học thể dục các em sẽ được học ở sân thượng (lầu 8) của trường đã được xây dựng an toàn với tường bao xung quanh.

Học sinh được học các môn là thế mạnh, sở trường

Nhiều HS có phần e ngại môn thể dục, nhất là ở nữ giới. Để học trò không còn lo lắng, áp lực về môn thể dục, giáo án của các giáo viên giáo dục thể chất đã cho các em được học các môn là thế mạnh, sở trường.
Thầy Trần Văn Đồng, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn thể mỹ Trường THCS Ba Đình, cho hay những trường không có nhà thi đấu, sân bãi thiếu, chật hẹp, HS có thể tập luyện những môn thể thao phù hợp mọi địa hình thực tế giúp phát triển tư duy sáng tạo, phán đoán tốt như đá cầu, bóng rổ 3 người, cầu lông, các động tác, bài tập bổ trợ, bài tập phát triển thể lực chung…
Để khuyến khích HS học võ thuật cổ truyền, tăng cường thể lực, có thể ứng dụng trong tự vệ, phòng tránh bạo lực học đường, từ năm 2011 tới nay, hàng ngàn HS lớp 8 các trường THCS tại Q.1, TP.HCM được học võ thuật tự vệ, gồm vovinam và võ cổ truyền, hoàn toàn miễn phí, giống như một giờ học thông thường. Các giờ học đều có các huấn luyện viên (HLV) từ Trung tâm TDTT Q.1 cùng giáo viên hướng dẫn các em.
Tại Trường THCS Chu Văn An, Q.1, chúng tôi chứng kiến HS rất say mê khi được học võ tự vệ. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó giám đốc Trung tâm TDTT Q.1, cho biết vào mỗi thứ bảy, chủ nhật, các HLV từ trung tâm còn hỗ trợ HS các trường THPT trong quận luyện tập các môn karatedo, taekwondo.

Quan trọng hơn cả là tinh thần thể thao

Không chỉ là những giờ thể dục thể thao, giáo viên ở nhà trường cũng là người khơi gợi, truyền cảm hứng đam mê thể thao để các em có thể tập luyện mọi lúc mọi nơi.
18 giờ ngày 12.10, khi chúng tôi tới Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.11, TP.HCM, nhiều HS nán lại chơi bóng rổ một cách say mê. Các em chia sẻ mình đã hẹn ba mẹ rước trễ hơn để có thêm thời gian tập luyện. Hay sau 17 giờ 30, tại Trường THCS Ba Đình, Q.5, các trụ bóng rổ ở sân trường vẫn rất đông HS.
Thầy Trần Văn Đồng chia sẻ, người thầy yêu bóng đá chẳng hạn, sẽ cùng học trò sôi nổi bàn luận về một trận cầu hay, nói về những cầu thủ mình yêu thích, cùng tham gia các trận đá bóng sau giờ học với các em… Điều đó khiến học trò rất phấn khích, có cảm hứng để học và chơi thể thao hơn. Đồng thời, các hội thao nhà trường tổ chức vào dịp đầu năm học cũng là cơ hội để phát huy tinh thần thể thao trong các em.
Theo thầy Đồng, ngoài những người thầy giáo dục thể chất ở nhà trường, thì cha mẹ cũng là những người giúp trẻ học được lối sống lành mạnh, thói quen vận động. Thấy cha mẹ yêu thể thao, thích đạp xe, chạy bộ, chơi tennis hay đá bóng thì các con cũng sẽ được tác động tích cực…
THUÝ HẰNG
TNO