25/12/2024

Liên minh để dẹp nạn vi phạm bản quyền báo chí

Liên minh để dẹp nạn vi phạm bản quyền báo chí

Để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí một cách tràn lan, trắng trợn như hiện nay, các cơ quan báo chí đề xuất cần có một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền.
Ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, đánh giá tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của cơ quan báo chí /// PHAN THƯƠNG
Ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, đánh giá tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của cơ quan báo chí   PHAN THƯƠNG
Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tham dự diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì, vào ngày 5.11 tại TP.HCM.

Trắng trợn tự ý lấy sản phẩm báo chí

Diễn đàn do Bộ TT-TT tổ chức cùng sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí; Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở TT-TT; các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước. TS Trịnh Tuấn Thành, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, đánh giá câu chuyện chống vi phạm bản quyền là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được tôn trọng. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến môi trường sáng tạo, đầu tư.
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí nêu ra các thực trạng cho thấy thực tiễn khó khăn trong “cuộc chiến” bảo vệ bản quyền. Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho rằng tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của các cơ quan báo chí nên đương nhiên phải được bảo vệ, không xâm phạm lẫn nhau. Tuy nhiên, điều đương nhiên đó chưa được tuân thủ trên nhiều báo điện tử và rất nhiều trang thông tin điện tử hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Trung, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam; chưa có số liệu thống kê kết quả xử lý, chế tài vi phạm. Hệ thống chế tài có cả 3 cơ chế: dân sự, hình sự, hành chính, nhưng chưa rõ kết quả thực thi ra sao, tăng hay giảm trong những năm qua. “Hiện các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép; lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích. Vậy vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục lấy bài của nhau hay không, nếu tiếp tục thì được gì, mất gì”, ông Trung đặt vấn đề.
Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Thọ (Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM) cho biết, từ thực tiễn xử lý vi phạm của báo, nhận thấy nguồn vi phạm đến từ một số cơ quan báo chí, trang tin điện tử không phải là đối tác chia sẻ thông tin; một số tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube… với mục đích thu hút quảng cáo – kinh doanh. Và “đau đầu” nhất là những trang web, tài khoản mạng xã hội “3 không”: không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, không có giấy phép. “Họ trắng trợn tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền”, ông Thọ nhấn mạnh.

Thành lập bên thứ 3 giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đang diễn ra giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang tin điện tử, giữa báo chí và không gian mạng xuyên quốc gia… Và thói quen đọc báo của bạn đọc đã thay đổi, chuyển từ báo giấy sang không gian mạng, kể cả được mạng xã hội gợi ý đọc thông tin; đồng thời không ai quan tâm tin tức đó đến từ đâu. Vì vậy, trước hết các cơ quan báo chí cần có giải pháp bảo vệ lẫn nhau.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho hay cái khó hiện nay không phải phát hiện, mà là xử lý vi phạm bản quyền. “Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả các chuyên gia pháp lý dành thời gian để xử lý việc này. Có thể tiến tới hình thành một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”, ông nói.
Ngoài ra, ông Đinh Đức Thọ cũng kiến nghị nhà làm luật cần tăng mức xử phạt hành chính về vi phạm quyền tác giả lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành (hiện nay mức xử phạt cao nhất là 30 triệu đồng) thì sẽ có tính răn đe hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật bảo vệ mạnh mẽ bản quyền báo chí
Phát biểu kết luận và chỉ đạo diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu, để giải quyết thực trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, trước hết các cơ quan báo chí trong nước phải liên kết với nhau thực hiện đúng quy định pháp luật về bản quyền tác phẩm báo chí. Khi thực hiện đúng thì cùng nhau đưa ra các biện pháp để xử lý vi phạm bản quyền xuyên quốc gia đến từ Google hoặc Facebook, trên cơ sở chia sẻ bằng hợp đồng lợi nhuận. Ngoài ra, ông Bảo đề nghị các cơ quan báo chí muốn không để trang tin điện tử, mạng xã hội hay Google “ăn cắp” bản quyền thì chính bản thân các cơ quan báo chí phải mạnh mẽ cam kết không vi phạm lẫn nhau, mạnh mẽ bảo vệ lẫn nhau; kịp thời phát hiện, lưu vết, đối chiếu quy định pháp luật và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước để xử lý vi phạm. “Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ mạnh mẽ bản quyền báo chí”, ông Bảo nói.
PHAN THƯƠNG
TNO