Bầu cử tổng thống Mỹ hướng đến cuộc chiến trước toà
Bầu cử tổng thống Mỹ hướng đến cuộc chiến trước toà
Đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa ngày 4.11 tranh cãi gay gắt về việc kiểm phiếu và cảnh báo về cuộc chiến pháp lý nhằm quyết định người chiến thắng trong cuộc đua giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
Một số nhà bình luận chính trị và các tổ chức dân quyền Mỹ chỉ trích Tổng thống Trump sớm tuyên bố ông giành chiến thắng trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 4.11. Ông Trump tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng việc kiểm các lá phiếu gửi qua đường bưu điện có thể dẫn đến gian lận, đồng thời cảnh báo sẽ đem vấn đề kiểm phiếu ra Tòa án Tối cao để xử lý.
Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố này, chiến dịch tranh cử của ông thông báo đã đệ đơn kiện phản đối công tác kiểm đếm lá phiếu vắng mặt ở bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Đây vốn là 3 bang chiến địa quan trọng mà cả ông Trump lẫn Biden cần giành được số phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống.
Dựa trên kết quả kiểm phiếu chưa hoàn tất, truyền thông Mỹ dự đoán ông Biden đang dẫn trước Tổng thống về số phiếu đại cử tri: 264-214, với 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng. Tuy nhiên, việc kiểm đếm lá phiếu phổ thông vẫn đang diễn ra ở ít nhất 5 bang chiến địa lớn: Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, North Carolina và Georgia. Việc kiểm phiếu có thể kéo dài nhiều ngày sau ngày bầu cử 3.11 vì có hơn 100 triệu cử tri bỏ phiếu sớm.
Tại bang Pennsylvania và Michigan, đơn kiện của đảng Cộng hòa nhắm vào việc chính quyền cấp bang thay đổi quy định, cho phép kiểm đếm lá phiếu vắng mặt hợp lệ trong vài ngày sau ngày bầu cử 3.11. Cũng theo đơn kiện, chiến dịch tranh cử của ông Trump cáo buộc chính quyền bang điều chỉnh quy định, thực hiện kiểm phiếu chậm, không đúng cách hoặc theo cách có lợi cho đảng Dân chủ.
Đơn kiện còn yêu cầu tòa án buộc chính quyền bang Pennsylvania phải tạm ngừng kiểm phiếu, với cáo buộc đảng Dân chủ thao túng việc kiểm đếm. Cũng trong đơn kiện, đảng Cộng hòa còn yêu cầu xem xét lại việc chính quyền bang điều chỉnh thủ tục xác nhận cử tri hợp lệ, cho rằng điều này vi phạm quy tắc bầu cử.
Hiện không có báo cáo nào về gian lận phiếu bầu liên quan đến Pennsylvania hay những bang khác, theo AP. Bang Pennsylvania có 3,1 triệu lá phiếu vắng mặt nên cần thêm thời gian để kiểm đếm. Trả lời phỏng vấn đài CNN, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro nói đơn kiện chỉ là “tài liệu chính trị, không phải văn bản pháp lý”.
Ở bang Wisconsin, chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đệ đơn kiện nhưng không công bố cáo buộc cụ thể. Đáp lại, chiến dịch tranh cử của ông Biden tuyên bố sẵn sàng có đội ngũ pháp lý để ứng phó. Ông Biden đồng thời kêu gọi cử tri giữ bình tĩnh cho đến khi tất cả phiếu bầu được kiểm đếm.
Toà án Tối cao sẽ phân định kết quả bầu cử?
Các động thái kể trên khiến giới quan sát lo ngại khả năng lập lại cuộc chiến pháp lý như hồi năm 2000. Khi đó, cuộc đua giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ George W. Bush và Al Gore không thể phân định ở bang chiến địa Florida. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định ủng hộ ông Bush trong một phán quyết được đưa ra 5 tuần sau ngày bầu cử.
Lúc bấy giờ, ông Bush “con” (đảng Cộng hòa) chỉ dẫn trước đối thủ 537 lá phiếu phổ thông trong tổng số 6 triệu phiếu bầu tại Florida, nhưng nhiều lá phiếu được phát hiện không hợp lệ cùng nhiều sai sót trong quá trình kiểm phiếu. Do đó, chiến dịch của ông Gore (đảng Dân chủ) đã khởi kiện, yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Florida.
Chiến dịch tranh cử của ông Bush kháng cáo vụ việc lên Tòa án Tối cao Mỹ. Sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết ngăn chặn việc kiểm đếm lại toàn bộ lá phiếu ở Florida, và cuối cùng ông Bush giành chiến thắng trước ông Gore với số phiếu đại cử tri 271-266.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông John J. Zogby, chuyên gia về bầu cử Mỹ tại thành phố New York-nhà sáng lập công ty thăm dò ý kiến người dân Zogby International Poll, cho biết: “Tòa án Tối cao Mỹ chỉ can dự khi có vấn đề thật sự và khoảng cách về số phiếu phổ thông giữa hai bên là hẹp như trường hợp ở Florida năm 2000. Bên cạnh đó, theo hiến pháp, Tòa án Tối cao Mỹ chỉ can thiệp khi quyền bỏ phiếu thực sự bị đe dọa”.
Theo ông Zogby, Tổng thống Trump và chiến dịch tranh cử của ông không thể ngay lập tức chuyển đơn kiện lên Tòa án Tối cao, mà phải khởi kiện lên tòa địa phương, tiếp đó là cuộc chiến pháp lý kéo dài tại tòa án liên bang.
Trong trường hợp ở Pennsylvania, tòa án cấp cao nhất của bang hồi tháng 10 đã ra quyết định cho phép bang này đếm các lá phiếu vắng mặt hợp lệ nhận được trong vòng 3 ngày sau ngày bầu cử. Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã bác bỏ lời đề nghị của đảng Cộng hòa về việc ngăn chặn quyết định của tòa án Pennsylvania.
Điều này cho thấy Tòa án Tối cao Mỹ đã thận trọng hơn trong việc tham gia vào các vấn đề bỏ phiếu vốn được quyết định theo luật pháp của từng bang. Bên cạnh đó, Tòa án Tối cao Mỹ nhận thức rõ rằng họ đã mạo hiểm với tư cách là một cơ quan độc lập trong vụ kiện năm 2000, theo AFP.
PHÚC DUY
TNO