60 học sinh ngất xỉu tại trường: Hội chứng tâm lý dây chuyền có đáng sợ?
60 học sinh ngất xỉu tại trường: Hội chứng tâm lý dây chuyền có đáng sợ?
1 nữ sinh bị ngất xỉu, sau đó đã có hơn 60 học sinh có cùng triệu chứng khó thở, ngất xỉu tại một trường học ở Cà Mau. Hiệu trưởng nhà trường thông tin là các em bị hội chứng tâm lý dây chuyền.
Vụ việc xảy ra tại trường THCS thị trấn Thới Bình, Cà Mau vào sáng nay, 4.11. các bác sĩ cho mỗi học sinh uống bổ sung 1 viên canxi, sau đó sức khỏe ổn định trở lại. Hiện các em đã về nhà. Vậy hội chứng tâm lý dây chuyền là gì? Nguyên nhân do đâu, có nguy hại cho tính mạng?
Trao đổi với phóng viên, cô Võ Bích Nga, nhân viên y tế Trường tiểu học Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM, cho biết hội chứng tâm lý dây chuyền có thể nhận biết là một bạn bị ngất xỉu, sau đó các bạn khác trông thấy và lo lắng, hoảng sợ theo, rồi ngất xỉu luôn. Hoặc một em cảm thấy đau bụng, nhiều em cũng cảm thấy đau bụng. Cứ thế, những bạn học sinh khác cũng lo lắng và có biểu hiện tương tự. Do đó, vì “dây chuyền”, nên có thể vì hội chứng này mà số học sinh bị ngất xỉu hay đau bụng sẽ là nhiều lớp, nhiều khối học sinh trong trường.
Cô Võ Bích Nga cho hay, hội chứng tâm lý dây chuyền không phải là bệnh lý. Học sinh, không phân biệt nam hay nữ cũng có thể rơi vào tình huống này. Cách xử lý là thầy cô, phụ huynh nên bình tĩnh, khi thấy học sinh đầu tiên ngất xỉu nên đưa ngay các em vào phòng y tế nghỉ ngơi, không nên để các trò khác nhìn thấy bạn bè mình một hoặc nhiều người cùng xỉu thì dễ bị âu lo, hoảng loạn hơn.
|
Lý giải về hiện tượng học sinh có thể ngất xỉu ở trường, cô Nga cho hay học sinh, đặc biệt là những em ở cuối cấp như lớp 5, lớp 9, lớp 12 thường lo lắng chuyện học tập, áp lực thi cử, điểm số nên tâm lý. Cộng thêm việc ăn uống không đủ bữa, đủ chất, ngủ nghỉ không điều độ.
Có nguy hiểm tính mạng?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết hội chứng tâm lý dây chuyền không ảnh hưởng tới tính mạng con người. Để tránh xảy ra hội chứng này, khi có hiện tượng học sinh ngất xỉu, thầy cô và nhân viên y tế không nên hoảng loạn khiến học trò có thể từ đó mà sợ hãi. Mọi người tách riêng các em ngất xỉu vào một phòng, cho các em uống nước đường… sau đó các em sẽ dần tỉnh táo, hoạt động bình thường. Song song với đó nên trấn an các em học sinh còn lại.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, học sinh mải mê học tập, thi cử, dễ thiếu ăn, “đói” ngủ, có thể suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng, từ đó dễ bị hạ đường huyết, thiếu canxi… do đó dễ bị ngất xỉu trên trường học. Bên cạnh là người đồng hành nhắc nhở các con học hành, cha mẹ nên chăm sóc dinh dưỡng cho các con, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết.
Cô Võ Bích Nga cũng cho rằng, nhà trường, phụ huynh, thầy cô nên tuyên truyền, nói chuyện với học trò để các em hiểu về hội chứng tâm lý dây chuyền. Đồng thời tư vấn để phụ huynh bổ sung cho các con vitamin, khoáng chất, canxi… Nhất là các nữ sinh ở độ tuổi dậy thì nên uống bổ sung viên sắt phòng chống thiếu máu, thiếu sắt…
THUÝ HẰNG
TNO