23/11/2024

Giải ngân vốn nhà nước 10 tháng bằng trên 150% cùng kỳ

Giải ngân vốn nhà nước 10 tháng bằng trên 150% cùng kỳ

Lượng vốn giải ngân từ ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm 2020 bằng 150,3% so với cùng kỳ, đạt 321.500 tỉ đồng, đây là một trong những điểm sáng kinh tế của năm nay.

 

Giải ngân vốn nhà nước 10 tháng bằng trên 150% cùng kỳ - Ảnh 1.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ giúp một số lượng vốn lớn được đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất – Ảnh: T.T

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 của Công ty tư vấn CEL Consulting vừa phát hành cho biết trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trở nên khó dự đoán vì diễn biến dịch COVID-19, giải ngân đầu tư công là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2020.

Với việc xem đầu tư công là động lực quan trọng nhất để tăng trưởng trong năm 2020, Chính phủ đã quyết liệt cải cách dẫn đến trong năm nay giải ngân đầu tư công tăng ít nhất 10% so với năm 2019. Điều này đồng nghĩa một số lượng vốn lớn được đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất.

Tính đến tháng 10-2020, lượng vốn giải ngân từ ngân sách nhà nước đạt 321.500 tỉ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Julien Brun, giám đốc đối tác của CEL Consulting, trong các tháng cuối năm vẫn còn đến gần 10 tỉ USD đầu tư công cần phải giải ngân. Tình hình kinh tế năm 2021 vẫn nhiều bất trắc, do đó đầu tư công vẫn sẽ là mũi xung kích chính.

Điều này đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục cải cách hành chính để thúc đẩy giải ngân hiệu quả hơn ngay từ đầu năm sau. Bởi dù tốc độ giải ngân đầu tư công trong các dự án đã khả quan hơn nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho một số dự án hiện ở mức rất thấp.

Trong hội thảo mới đây ở TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, cũng cho rằng trong năm 2021, đầu tư công vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt 471.000 tỉ đồng.

Theo khảo sát của CEL cho các nhà quản lý cấp cao vào tháng 10-2020, 77% nhà quản lý cho rằng tình hình kinh doanh sẽ từ cải thiện đến rất cải thiện. Chỉ 8% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ phát triển theo chiều hướng bi quan.

Ông Julien Brun cũng cho rằng trong năm tới Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định trong việc tiếp tục tăng trưởng. 6 tháng đầu năm tới vẫn sẽ là khoảng thời gian mà thị trường nội địa, đầu tư công và xuất khẩu đóng vai trò chủ công.

Và 6 tháng cuối năm, trong kịch bản tốt nhất, sự hồi phục của các nền kinh tế lớn và sự mở cửa lại các chuyến bay du lịch sẽ giúp hồi phục diễn ra mạnh mẽ hơn.

Báo cáo nhận định nếu Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc khống chế dịch bệnh, trong mọi hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và mức độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Hiệu ứng tích cực từ các FTA

Một trong điểm tích cực khác là các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Các FTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam ổn định sản xuất, có cơ hội chiếm thêm thị phần ngay cả khi tổng cầu của quốc tế chưa phục hồi về mức 2019.

Sự nhạy bén của các doanh nghiệp, như trong lĩnh vực may mặc, đã tìm kiếm những mặt hàng thay thế, như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, đã giúp cho các doanh nghiệp này tiếp tục duy trì sản xuất và xuất khẩu.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp này sẵn sàng nhận thêm đơn hàng từ các thị trường bị ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar… chuyển qua.

 

N.BÌNH
TTO