Chính sách thuế ‘bỏ quên’ cá nhân
Chính sách thuế ‘bỏ quên’ cá nhân
Trong khi các nguồn thu khác đều sụt giảm do hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 thì số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng. Và tới thời điểm này, người đóng thuế thu nhập cá nhân chưa được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào.
10 tháng thu hơn 92.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính công bố tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 975.300 tỉ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 812.400 tỉ đồng, giảm 8,3%; thu từ dầu thô 27.500 tỉ đồng, giảm 36,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 134.550 tỉ đồng, giảm 20,1%.
Trong nguồn thu nội địa, riêng tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 9 tháng qua đạt hơn 90.114 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, số thu thuế TNCN tính đến giữa tháng 10 ở mức 92.000 tỉ đồng, bằng 71,5% dự toán năm (dự toán thuế TNCN cả năm 2020 khoảng 128.000 tỉ đồng).
Đại diện Tổng cục Thuế giải thích số thuế TNCN 9 tháng đầu năm tăng 5% nhưng tốc độ lại giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều nguyên nhân khiến thuế TNCN tăng giảm thất thường trong năm nay, như tháng 1 và 2 thì ổn mà qua tháng 3 bị tác động bởi Covid-19, giãn cách xã hội nên số thu cũng sụt theo. Chẳng hạn, số thu thuế bình quân tiền công tiền lương khoảng 7.000 – 8.000 tỉ đồng/tháng nhưng riêng trong tháng 8 giảm hơn 30%, xuống còn 4.100 – 4.200 tỉ đồng do thu nhập của người nộp thuế giảm; từ tháng 7 áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới (tăng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc – PV)…
Thế nhưng, con số cuối cùng cho thấy, số thu thuế TNCN vẫn tăng. Giải thích điều này, đại diện ngành thuế phân trần, thuế TNCN có 10 khoản, ngoài tiền lương tiền công (chiếm trên 70% tổng thu thuế TNCN) thì còn các khoản khác như thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, đầu tư vốn, trúng thưởng, quà biếu quà tặng… Trong đó số thu từ tiền lương tiền công và hộ, cá nhân kinh doanh giảm, chỉ đạt hơn 93% so với cùng kỳ năm trước. Khi thực hiện giảm trừ gia cảnh theo mức mới, số thuế TNCN giảm đi vài ngàn tỉ đồng. Thế nhưng bù lại số thu từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, đầu tư vốn lại tăng lên nên bù đắp được phần nào sự thiếu hụt từ tiền lương tiền công.
|
Thu nhập giảm, thất nghiệp gia tăng
Tổng thu thuế TNCN vẫn gia tăng trái ngược hoàn toàn với số liệu báo cáo về tình trạng lao động và việc làm. Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ việc hay giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch thành viên Công ty luật Basico, nhấn mạnh trong nền kinh tế, hai đối tượng nộp thuế chính là DN và cá nhân người lao động. Trong khi hàng loạt chính sách hỗ trợ DN đã được đưa ra ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra và mặc dù có thể chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa phù hợp một số đối tượng… nhưng dù sao cũng có. Riêng cá nhân cũng là đối tượng nộp thuế thì vẫn phải đóng đủ hằng tháng, hằng quý mà không được hoãn nộp, không được giảm thuế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc kích cầu tiêu dùng là quan trọng nhất vì để kích thích sản xuất kinh doanh, để DN có thêm sức sống. Vì vậy luật sư Trương Thanh Đức đề xuất nên xem xét giảm 50% số thuế TNCN cho người nộp thuế trong cả năm 2020 hoặc tối thiểu cũng phải giảm 30%, bằng với chính sách giảm thuế thu nhập DN đã công bố.
Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm nay gần 1,2 triệu người, tăng 132.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước…
Câu hỏi đặt ra là tại sao không giảm thuế TNCN cho người dân? Theo đại diện Tổng cục Thuế, những người có thu nhập chưa đến 20 triệu đồng/tháng, có 2 người con thì gần như không đóng thuế TNCN. Còn lại những người có thu nhập cao, có khả năng đóng góp thì cũng chia sẻ với ngân sách hiện nay.
“Các nước có cơ chế tính thuế khác nhau. Đối với những nước tính thuế từ đầu thu nhập đầu tiên, để kích thích tiêu dùng họ có thể giảm trừ thuế. Còn Việt Nam, được giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng không phải đóng thuế”, vị này nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, vẫn giữ quan điểm nên miễn giảm thuế TNCN từ 3 – 6 tháng để tạo động lực, khí thế cho người lao động, cũng như kích cầu tiêu dùng. Bởi nếu kéo dài tình trạng nhiều người có tâm lý co cụm, hạn chế chi tiêu như hiện nay thì khó đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa dịch vụ.
Chưa công bằng cho người nộp thuế
Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế gia tăng từ đầu tháng 7 là theo đúng lộ trình điều chỉnh thuế và ngưỡng thuế mới đã được phân tích, lạc hậu ngay từ khi ban hành. Số thuế TNCN của nhiều người giảm nhưng không đáng kể vì các bậc thuế quá dày và mức thuế cao. Còn thực tế, cá nhân nộp thuế đang bị bỏ quên trong các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi dịch Covid-19 bùng phát.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nêu vấn đề: Tại sao nhiều nước khi đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế vì dịch Covid-19 đều áp dụng cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn người dân, kể cả người thất nghiệp hay không thất nghiệp; trong khi đó, Việt Nam chỉ áp dụng các gói hỗ trợ cho DN mà chưa chú ý cá nhân, người làm công ăn lương? Trong khi đây là nhóm đối tượng quanh năm suốt tháng vẫn miệt mài đóng thuế cho ngân sách nhà nước nhưng không được hỗ trợ gì khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra. Như vậy chính sách thuế hiện chưa công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Chính phủ giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN nhằm để các đơn vị có thêm vốn tái đầu tư, tăng chi tiêu thì cũng cần có chính sách tương tự để cá nhân có thêm tiền mặt, tăng chi tiêu cho bản thân và gia đình. Khi người dân tăng chi tiêu thì DN bán được hàng, gia tăng sản xuất và Chính phủ cũng thu thêm được thuế giá trị gia tăng.
TS Lê Đạt Chí phân tích, để tạo đà khôi phục thúc đẩy tăng trưởng trong quý 4/2020 và tạo đà cho nền kinh tế vào năm sau, Chính phủ cần xem xét lại về chính sách thuế TNCN cho người dân. Việc giảm thuế sẽ kích thích tiêu dùng trong nước và từ đó cũng góp phần hỗ trợ cho cả DN sản xuất, dịch vụ…
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO