24/12/2024

ASEAN và Trung Quốc tìm giải pháp đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân

ASEAN và Trung Quốc tìm giải pháp đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3-11 tổ chức hội thảo trực tuyến ASEAN – Trung Quốc về “Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân”.

 

ASEAN và Trung Quốc tìm giải pháp đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại một cuộc họp với ASEAN – Ảnh: BNG

Hội thảo này là sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực hiện quy định liên quan của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Sáng kiến này nhằm củng cố lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc. Dự kiến kết quả và các khuyến nghị được nêu tại hội thảo sẽ được tổng hợp và báo cáo lên kênh quan chức ASEAN – Trung Quốc về Thực hiện DOC.

Tham dự hội thảo có hơn 120 quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN và Trung Quốc, cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh hội thảo được tổ chức nhằm triển khai quy định trong DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với người đi biển gặp nạn. Trước thực tế ngư dân chiếm một phần đáng kể trong số người đi biển ở Biển Đông, hằng ngày đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy như thiên tai, mưa bão, tai nạn đâm va…

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung rà soát, trao đổi về tình hình và đời sống ngư dân, chia sẻ các quy định, thực tiễn tốt trong các khuôn khổ quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ, đối xử nhân đạo với ngư dân, và đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một biện pháp xây dựng lòng tin đơn thuần, mà cần phải là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân của cả ASEAN và Trung Quốc.

Về tình hình ngư dân và nghề cá, đại biểu các nước ASEAN chia sẻ hầu hết hoạt động đánh bắt cá nước mình đều có quy mô nhỏ, công nghệ thô sơ, lạc hậu. Đặc biệt, đa số ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, lại phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy hiểm ở trên Biển Đông, do đó cần được hỗ trợ lâu dài.

Về khung pháp lý, hội thảo ghi nhận quy định về bảo đảm an toàn tính mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân đã được đề cập trong nhiều thỏa thuận, điều ước cũng như thông lệ quốc tế. Trong phạm vi quốc gia, các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đã xây dựng, ban hành và áp dụng nhiều văn bản pháp luật để quản lý hoạt động nghề cá, ngư dân.

Mặt khác, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể hơn trong lĩnh vực bảo đảm an toàn, tính mạng và đối xử với ngư dân, trong đó gồm cả khả năng xây dựng công cụ điều chỉnh vấn đề này ở Biển Đông.

Điểm lại các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong hợp tác giữa các nước thời gian qua, hội thảo ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác giữa các nước về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, cũng như kinh nghiệm và kết quả triển khai văn bản hợp tác giữa Indonesia và Malaysia về đối xử với ngư dân của nhau hoạt động trên vùng biển đang phân định giữa hai nước, coi đây là những thông tin có giá trị tham khảo trong việc nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới.

Hội thảo cũng đã nghe kết quả nghiên cứu và khuyến nghị của một số tổ chức khu vực về khả năng, biện pháp thúc đẩy hợp tác về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân.

NHẬT ĐĂNG
TTO