23/12/2024

Vào học lúc… nửa đêm

Vào học lúc… nửa đêm

Tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 22h đêm, làm bài kiểm tra lúc 1h sáng, tan trường khi mặt trời còn chưa mọc. Đó là một ngày học “bình thường” của nhiều du học sinh đang kẹt lại trong nước.

Vào học lúc... nửa đêm - Ảnh 1.

Nhiều du học sinh Việt Nam phải thức đêm học online theo giờ của nước ngoài – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Họ đang ở Việt Nam nhưng phải học chương trình online của trường tại Mỹ vì những ảnh hưởng của COVID-19.

Điểm danh rồi… ngủ tiếp

Đào Thiện Thanh – sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin, ĐH Houston (Texas, Mỹ) – về Việt Nam từ tháng 8-2020. Để an toàn, Thanh chọn học 4 môn trong học kỳ này đều bằng hình thức online. Theo quy định của chính quyền liên bang, du học sinh học 100% học phần online không được nhập cảnh vào Mỹ từ học kỳ mùa thu 2020 đến khi có thông báo tiếp theo.

Chênh lệch múi giờ của Mỹ và Việt Nam đến 12 tiếng, chuyện học của Thanh gặp một số trục trặc khi ở Việt Nam nhưng phải sinh hoạt theo giờ Mỹ. Thời khóa biểu của bạn nghe thôi đã… mệt. Thứ ba, thứ năm học từ 22h đến 23h30 (giờ Việt Nam). Thứ hai, thứ tư học hai ca: ca đầu từ 23h30 đến 1h30 hôm sau, ca sau từ 4h đến 5h30 sáng (giờ Việt Nam). Mỗi tiết học, sinh viên vào phần mềm Zoom, kết nối trực tuyến sang Mỹ.

Thanh nói: “Học thì mệt thiệt, ban ngày mình vẫn phải sinh hoạt chứ đâu thể nghỉ ngơi. Đêm thì phải thức học trong khi cả nhà đi ngủ. Cực nhất là những hôm kiểm tra. Buổi sáng học bài, buổi tối ôn bài, rồi nửa đêm đến đúng giờ phải mở máy làm kiểm tra. Lúc đó mình cố làm mọi cách để đầu óc tỉnh táo”.

Không phải ai cũng “ngoan ngoãn” nghe hết bài giảng trong đêm. Bạn N.T.N.H. – sinh viên ngành tâm lý học, ĐH Purdue (Indiana, Mỹ) – cho biết chỉ canh đúng thời gian đầu mỗi tiết điểm danh, thường bằng một bài tập nhỏ. Nộp bài xong, H. tắt máy… ngủ và canh đến tiết tiếp theo. H. lý giải thông thường thầy cô đều gửi tệp ghi âm bài giảng và các tài liệu học tập sau mỗi buổi. Do đó, H. cảm thấy không nhất thiết phải thức đêm mà chỉ cần điểm danh đúng quy định, sáng hôm sau mới nghe lại bài.

Chất lượng không đảm bảo?

Theo sinh viên Đào Thiện Thanh, việc học online cách xa nửa vòng Trái đất không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt với môn chuyên ngành, sinh viên phải dành nhiều thời gian nghe giảng, lên thư viện tìm tài liệu, học nhóm với bạn bè, vào phòng thí nghiệm, đến văn phòng tham vấn giáo sư… Đằng này, du học sinh học online chỉ có duy nhất hình thức học qua màn hình máy tính.

Để hỗ trợ phần nào trong giai đoạn này, ĐH Houston quy định sinh viên nếu qua môn nhưng bị điểm xấu (điểm C, điểm D) thì nhà trường sẽ chuyển thành điểm S cho học phần tương ứng. Điểm S có nghĩa đã qua môn nhưng không tính vào điểm trung bình, bớt ảnh hưởng đến tổng điểm thành tích. Với các điểm A và B, sinh viên có thể giữ lại hoặc chuyển sang điểm S. Trường hợp không qua môn, thay vì nhận điểm F (điểm rớt), sinh viên sẽ nhận điểm NCR, nghĩa là xem như chưa học môn này. Sinh viên có thể đăng ký học lần hai mà không bị gắn mác “học lại”.

Chuyển về nước học

Thật ra, cách xoay xở như H. chỉ được với sinh viên đại học, những học sinh phổ thông thì khó hơn. Không ít du học sinh Việt Nam bậc phổ thông ở Mỹ phải về nước và chọn học 100% online. Mỗi ngày, đều đặn, các bạn mở máy tính từ 21h, học theo từng tiết cho đến 3-4h sáng hôm sau. Mỗi lớp chỉ từ 15 – 25 học sinh, thầy cô dễ kiểm soát ai vắng mặt.

Nguyễn Bảo Khang – hiện học lớp 11 Trường Quốc tế Mỹ tại TP.HCM – chia sẻ đã sang Mỹ du học từ năm lớp 9. Năm lớp 10, khi đang học tại Trường phổ thông Silver Creek (California, Mỹ) thì dịch COVID-19 đến. Sau nhiều đắn đo, Khang về lại TP.HCM vào tháng 7-2020 sau khi xong lớp 10. Dịch bệnh kéo dài không thể trở lại Mỹ, Khang thôi du học, ở lại Việt Nam.

Khang cho rằng nếu tiếp tục lớp 11 tại Trường phổ thông Silver Creek đồng nghĩa thay đổi hết thời gian biểu: đêm thức trắng, ngày ngủ bù, rất cực nhọc. “Trường bên đó khuyên cố gắng học online qua giai đoạn này và giữ chỗ cho học kỳ sau, nhưng mình không đồng ý. Chi học phí khoảng 15.000 – 16.000 USD (345 triệu – 370 triệu đồng) nhưng phải vất vả học đêm, lại mất đi các trải nghiệm của việc đi du học đúng nghĩa thì không đáng” – Khang nói.

Buổi đầu trở về Việt Nam học tại trường quốc tế, Khang gặp đôi chút khó khăn khi chưa quen với bạn bè, thầy cô, cảm giác “lạ lạ” khi các bạn nói tiếng… Việt khá nhiều. Hệ thống bài vở cũng có khác biệt, tương đối nặng hơn, và thầy cô cũng nghiêm khắc hơn so với bên Mỹ. “Dù vậy mình cũng hài lòng vì được học tại Việt Nam và ở gần ba mẹ. Sang năm 12, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mình sẽ học tiếp ở đây. Nếu đã ổn định, mình lại tiếp tục tính chuyện ra nước ngoài” – Khang dự tính.

Mở cửa từng bước

Hiện tại nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các quy định nhập cảnh với du học sinh. Giữa tháng 10-2020, Chính phủ New Zealand cho phép 250 sinh viên quốc tế bậc sau đại học quay trở lại nước này theo chương trình miễn trừ đặc biệt trong bối cảnh New Zealand vẫn đang “đóng cửa” với hầu hết du khách nước ngoài.

Theo quyết định của Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC), từ ngày 20-10, du học sinh được phép đến Canada nếu cơ sở đào tạo có kế hoạch phòng ngừa COVID-19 và được cơ quan y tế tỉnh bang phê duyệt. Trước đó, chỉ du học sinh có giấy phép học tập được cấp từ ngày 18-3 trở về trước mới được đến Canada.

Tại Nhật, ông Koichi Hagiuda – bộ trưởng Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật – cho biết sẽ yêu cầu các trường đại học tổ chức các lớp phụ đạo cho du học sinh để bù lại những kiến thức thiếu hụt vì dịch bệnh. Trước đó, các biện pháp hạn chế nhập cảnh khiến nhiều sinh viên nước ngoài không thể nhập học đúng thời hạn, một số không thể theo kịp chương trình.

TRỌNG NHÂN
TTO