Thủ tướng Anh, Pháp xác nhận phong toả toàn quốc vì không còn đường khác
Thủ tướng Anh, Pháp xác nhận phong toả toàn quốc vì không còn đường khác
Ngày 2-11, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ họp với các nhà lập pháp và thuyết phục họ rằng không có cách nào khác nữa, trừ biện pháp phong tỏa toàn quốc, để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Theo Reuters, các nhà lập pháp của Anh sẽ bỏ phiếu về các biện pháp để kiềm chế làn sóng dịch bệnh COVID-19 trong ngày 4-11. Dự kiến đề xuất phong tỏa toàn quốc sẽ được thông qua, vì Công đảng đối lập đã bày tỏ sự ủng hộ với biện pháp này.
Mặc dù đã có những tiếng nói kêu gọi thực hiện phong tỏa toàn quốc từ tháng 9, Thủ tướng Johnson đã lần lữa mãi mới công bố vì lo ngại hậu quả của biện pháp này với nền kinh tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ, từ nửa đêm ngày 5-11 Anh sẽ bước vào phong tỏa toàn quốc đến 2-12.
Anh đang có số người chết vì COVID-19 cao nhất châu Âu và khoảng hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các nhà khoa học cảnh báo tình huống xấu nhất là Anh sẽ có đến 80.000 người chết trong mùa đông năm nay.
Văn phòng của Thủ tướng Johnson cho biết mô hình của các nhà khoa học cho thấy nếu không hành động ngay bây giờ, Anh có thể có rất nhiều ca tử vong trong mùa đông này, gấp đôi hoặc hơn so với số lượng tử vong do COVID-19 trong đợt dịch đầu tiên.
“Đối diện với những con số cập nhật này, không có cách nào hơn ngoài việc hành động sớm ở cấp độ toàn quốc”, ông Johnson cho biết.
Theo đó, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu, trường học, đại học ở Anh mở cửa, còn lại nhà hàng, quán rượu sẽ đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi. Mọi hình thức đi nước ngoài không được khuyến khích, trừ đi công tác.
Phần còn lại của Liên hiệp Anh – gồm Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland – đã có chính sách phong tỏa riêng và đã áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn từ tháng 9.
Theo Reuters, các bộ trưởng trong quốc hội Anh cảnh báo lệnh phong tỏa ở Anh có thể kéo dài đến năm 2021, với chút ít nới lỏng vào dịp Giáng sinh. Họ nhận định sẽ khó ngừng phong tỏa nếu tỉ lệ chết do bệnh COVID-19 và tỉ lệ nhập viện vẫn tăng cao.
Trong khi đó, ngày 1-11, chính quyền bang Geneva của Thụy Sĩ đã quyết định thực hiện biện pháp bán phong tỏa từ 19 giờ ngày 2-11 đến ngày 29-11 do tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Tại nơi công cộng, đặc biệt là tại công viên và khu vực gần hồ, không được phép tụ tập hơn 5 người. Các sự kiện dù là riêng tư hay cho công chúng, nếu hơn 5 người, kể cả người trong gia đình, cũng bị cấm.
Các diễn biến này cho thấy dù hết sức tránh né, nhưng nhiều nơi ở châu Âu đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài phong tỏa toàn quốc, hoặc bán phong tỏa, để khống chế diễn biến gia tăng nhanh chóng của dịch COVID-19 lần thứ hai tại đây.
Trước đó, Pháp và Đức cũng công bố hai nước này sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa và bán phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh.
Chính phủ Đức quyết định phong tỏa hạn chế (ngừng các hoạt động về đêm) bắt đầu từ hôm nay, 2-11. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) cho biết đợt phong tỏa lần thứ 2 sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 19,3 tỉ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.
Ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỉ euro. Ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỉ euro. Các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí theo sau với mức sụt giảm 2,1 tỉ euro, và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỉ euro.
Trong khi đó, với đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, Pháp đã yêu cầu các siêu thị phải ngưng bán các hàng hóa không thiết yếu kể từ ngày mai, 3-11.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết dù phong tỏa toàn quốc là một quyết định đau lòng nhưng phải thực hiện. Ông cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa trong đợt này.
Ông cũng kêu gọi tất cả mọi người cực kỳ cảnh giác và tôn trọng các biện pháp hạn chế vì sức khỏe này để tất cả có thể cùng nhau kết thúc phong tỏa sớm.