Ngói, tôn khan hiếm vẫn cố giữ giá
Ngói, tôn khan hiếm vẫn cố giữ giá
Sau bão, Quảng Ngãi có khoảng 140.000 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng khiến ở nhiều nơi, những loại hàng hoá này rất khan hiếm.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người dân Quảng Ngãi vẫn chưa tìm ra tôn, ngói để lợp lại mái nhà. Một số hộ dân phải vào tận Bình Định để mua.
Quảng Ngãi: khan hiếm nhiều mặt hàng
Bà Võ Thị Chớ (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Ngói nóc tận 25.000 đồng/viên. So với trước, giá cao hơn 5.000 đồng/viên. Nhưng để mua được, con tôi phải chạy vào tận lò ngói chở về”.
Khan hiếm tôn nhất là các địa phương ven biển vì nhiều nhà tốc mái. Tại một xưởng gập tôn ở TP Quảng Ngãi, chủ xưởng cho biết: “Gặp được miếng tôn nào, người dân lấy ngay miếng đó. Máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được. Về giá thì cơ bản chúng tôi bán như trước bão, không tận dụng trục giá bà con”.
Trong khi đó, rau xanh đang trở thành mặt hàng cấp thiết do vựa rau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi dọc sông Trà Khúc đã bị bão, lũ làm hư hỏng hoàn toàn. Người trồng rau bỏ ruộng đồng chờ qua đợt mưa bão, lũ mới tái sản xuất.
Tại chợ Quảng Ngãi, rau xanh rất khan hiếm, tiểu thương dựa theo số lượng nhập vào để định giá cung ứng. Một tiểu thương nói: “Rau giờ chỉ chờ nguồn cung từ Đà Lạt. Chúng tôi không phải bán giá cao mà vốn chúng tôi mua vào cũng đã cao hơn bình thường”.
Trước tình trạng khan hiếm những vật liệu thiết yếu như tôn, ngói, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét đề nghị các địa phương lân cận hỗ trợ cung ứng để người dân sớm lợp lại mái nhà, khắc phục cuộc sống.
Quảng Nam: người dân san sẻ cho nhau
Chiều 1-11, khung cảnh ở các khu dân cư tuyến đường nối từ huyện Đại Lộc dẫn lên xã Ka Dăn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) vẫn ngập ngụa trong đất cát.
Sau bão, nhiều hộ gia đình bị hư hại nhà cửa, nhu cầu tấm lợp, gạch đá, sắt thép tăng cao nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy giá vật liệu không tăng.
Tại xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc), người quản lý cửa hàng vật liệu xây dựng Đức Nhân nằm sát cầu mới Hà Tân cho biết nguồn hàng từ TP Đà Nẵng đưa về đây rất ổn định nên bà con muốn mua bao nhiêu cũng cung cấp được. Thép thì có tăng giá chút đỉnh so với trước nhưng tấm lợp, mái tôn không thay đổi.
Tương tự, tại thị trấn Prao ở huyện Đông Giang, nguồn hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là tôn lợp, ở các cửa hàng vẫn dồi dào, người dân tranh thủ ra đặt mua về để dựng lại nhà cửa và mức giá không tăng so với trước bão.
Một câu chuyện xúc động về sự sẻ chia của người dân vùng lũ với nhau đó là khi quá thiếu thợ, bà con ở các làng bị mưa lũ đã tự nguyện giúp đỡ nhau bằng những gì trong khả năng. Nhà anh Bling Phấn ở thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) bị đổ sập chiều 28-9, một ngày sau toàn bộ người dân trong làng đã tự nguyện qua dựng nhà lên. Bà con còn bảo nhau góp đinh, góp tôn để giúp anh Phấn có chỗ ở qua những ngày mưa gió.
Một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết đã yêu cầu quản lý thị trường tại các địa phương giám sát và xử lý nghiêm nếu có tình trạng các cửa hàng lợi dụng mưa bão để tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là tấm lợp. Nhờ vậy, cho tới nay Quảng Nam chưa ghi nhận tình trạng “thổi” giá vật liệu xây dựng.
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng đưa tôn, ngói về cho dân
Tại cuộc làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn diễn ra vào chiều 1-11, tỉnh Quảng Ngãi cũng báo cáo việc thiếu hụt tôn, ngói ảnh hưởng khắc phục hậu quả bão số 9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với các công ty, nhà cung ứng lớn, nhanh chóng đưa tôn, ngói đến người dân vùng tâm bão. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo ổn định giá, không để hiện tượng lợi dụng nhu cầu cao mà nâng giá gây thêm khó khăn cho người dân.