17/11/2024

Mỹ – Âu ‘run rẩy’ khi mùa đông đến

Mỹ – Âu ‘run rẩy’ khi mùa đông đến

Mùa đông năm nay, châu Âu và nước Mỹ sẽ đối mặt với thách thức y tế chưa từng có tiền lệ khi phải đối mặt cùng lúc với đại dịch COVID-19 và bệnh cúm mùa ‘đến hẹn lại lên’.

 

Mỹ - Âu run rẩy khi mùa đông đến - Ảnh 1.

Một đôi tình nhân hôn nhau khi đang đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha – Ảnh: AP

Trong khi tại châu Âu, mùa đông kéo dài từ tháng 11 tới tháng 4 thì ở Mỹ, mùa đông sẽ rơi vào khoảng từ tháng 12 tới tháng 2.

Hệ lụy từ kỳ nghỉ hè

Trong cuộc họp ngày 29-10 với các bộ trưởng y tế châu Âu, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Hans Kluge, bày tỏ quan ngại sâu sắc khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch thế giới.

Kể từ ngày 30-10, nước Pháp bước vào giai đoạn phong tỏa lần hai kéo dài một tháng nhằm ngăn chặn sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19, trong khi Quốc hội Tây Ban Nha vừa phê chuẩn lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Khoảng 65 triệu người Pháp được yêu cầu chủ yếu ở trong nhà và chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm, khám chữa bệnh.

Trong thời gian này, mặc dù biên giới giữa các nước EU vẫn mở, song hoạt động đi lại trong lòng nước Pháp, kể cả việc tới các khu nhà nghỉ của gia đình và việc tới thăm người thân và bạn bè, cũng bị cấm. Mức phạt cho người vi phạm lên tới 135 euro.

Slovakia thậm chí còn xét nghiệm gần như toàn bộ 5,5 triệu dân từ 10 tuổi trở lên trong 2 ngày cuối tuần để làm chậm đà lây lan của virus.

“Châu Âu đang trả giá cho những kỳ nghỉ trong mùa hè bằng các đợt phong tỏa trong mùa đông” – đó là bình luận của giáo sư Devi Sridhar, một chuyên gia hàng đầu và là cố vấn khoa học cho Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon.

Bà Sridhar đưa ra bình luận khi chia sẻ thông tin về một nghiên cứu mới cho thấy một chủng biến thể của virus corona phát sinh từ các nông dân làm việc tại trang trại Tây Ban Nha, sau đó lây nhiễm ra toàn châu Âu.

Mỹ: hơn 100.000 ca/ngày

Ngày 30-10, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất thế giới là 101.461 ca, vượt qua con số kỷ lục trước đó của Ấn Độ là 97.894 ca hồi tháng 9.

Bác sĩ Anthony Fauci – giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh nhiễm quốc gia của Mỹ, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về đại dịch COVID-19 – cho rằng số ca nhiễm mới virus corona ở Mỹ ngay trước mùa đông năm nay đang ở mức “cao quá mức và hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Trái với những quan điểm cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba, ông Fauci tin họ vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên và những ca nhiễm “chỉ tăng trở lại, giảm xuống đôi chút và rồi lại tăng”.

Theo ông Fauci, nước Mỹ chưa bao giờ ghi nhận số ca tăng lên trung bình theo ngày dưới 20.000 giống như những nơi khác trên thế giới. “Chúng ta chưa bao giờ ra khỏi làn sóng dịch bệnh thực sự. Chúng ta chỉ lên rồi xuống như trong làn sóng vậy”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Anthony Fauci phát sóng trên Đài Siriusxm ngày 30-10, chuyên gia y tế hàng đầu của nước Mỹ bày tỏ tâm tư đặc biệt lo lắng khi số ca bệnh COVID-19 đã tăng lên đột biến những ngày qua.

Đáng lo hơn khi nước Mỹ đang bước vào mùa đông, khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn và nguy cơ lây bệnh có thể còn cao hơn nữa.

Thêm nữa, không giống với những lần bùng phát trước đây, đợt dịch mới nhất bùng lên từ giữa tháng 10 có vẻ đã bung ra ở hầu như mọi ngõ ngách của nước Mỹ.

Đài CNBC phân tích dữ liệu do ĐH Johns Hopkins cung cấp cho thấy số người mắc COVID-19 đã tăng thêm từ 5% hoặc hơn tại 45 bang của nước Mỹ trong thời gian một tuần tính tới ngày 29-10.

Tỉ lệ kết quả xét nghiệm dương tính cũng tăng tại hơn 30 bang và khoảng 13 bang nằm trong “vùng đỏ”, tức là có tỉ lệ dương tính với virus corona trên 10%.

Cũng trong ngày 30-10, số ca mắc COVID-19 được ghi nhận kể từ khi bùng dịch ở Mỹ đã vượt qua mốc 9 triệu, trong đó khoảng 1 triệu ca đã tăng thêm chỉ trong tháng 10.

“Đó là điều mà mọi người sẽ ước rằng chúng ta không gặp phải khi bước vào những tháng lạnh giá hơn vì lúc đó, do thời tiết, rất nhiều thứ sẽ được làm ở trong nhà”, ông Anthony Fauci nói.

9,9 triệu

Theo số liệu của Statista, tính đến ngày 30-10, châu Âu có hơn 9,9 triệu ca COVID-19, gần gấp đôi con số thống kê ngày 30-9 với hơn 5,4 triệu ca.

Họp truy nguồn gốc virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30-10 thông báo nhóm chuyên gia quốc tế đã có cuộc họp đầu tiên, dưới hình thức trực tuyến, với các đối tác Trung Quốc để điều tra về cơ chế lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) từ vật sang người.

Phát biểu trong cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đang nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của virus corona để có thể ngăn chặn các đại dịch khác trong tương lai.

D.KIM THOA
TTO