23/12/2024

Lao động nông thôn thoát nghèo nhờ học nghề

Lao động nông thôn thoát nghèo nhờ học nghề

Trong nhiều năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không ít địa phương đã tạo cơ hội cho các gia đình chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định. Từ những hộ khó khăn, họ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

 

 

Lao động nông thôn thoát nghèo nhờ học nghề - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bộ gắn bó với nghề đan lục bình, tạo việc làm cho nhiều lao động – Ảnh: NG.TÀI

Không chỉ tự lo được cho mình, nhiều người đã truyền nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Khá giả nhờ nghề đan lục bình

Gần 20 năm trước, bà Nguyễn Thị Bộ (ngụ xã Tịnh Thời, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) được địa phương hỗ trợ học nghề đan lục bình. Khi đó, bà chỉ mong sao có thể lo toan trong nhà, nuôi con ăn học. Không ngờ sau ngần ấy thời gian, nghề đan được học ấy chẳng những giúp gia đình có cuộc sống khá giả mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn (LĐNT) khác.

Hồi mới học xong, bà chỉ nhận đan thuê. Đan lục bình cần tỉ mỉ, chịu khó và kinh nghiệm hơn khỏe mạnh nên rất hợp với bà. “Nghề này nhiều người chê thu nhập thấp nhưng không phải vậy vì có thể làm mỗi ngày và làm mọi lúc mọi nơi. Biết tích cóp thu nhập sẽ ổn định mà không phân biệt tuổi tác nữa” – bà Bộ chia sẻ.

Quả thật, sau thời gian tích cóp, gia đình bà mở được cơ sở thủ công mỹ nghệ Sen Việt, tìm được nhiều đối tác, đơn hàng lớn cả trong lẫn ngoài nước. Trung bình mỗi tháng cơ sở cung ứng ra thị trường 5.000 – 10.000 sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều người. Ngoài 20 lao động cố định, còn có 300 gia đình nhận hàng về gia công.

Từ công việc tưởng chừng chỉ dành cho người nông nhàn nhưng nếu biết đầu tư, khai thác giá trị theo chiều sâu thì rõ ràng việc đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ dừng lại ở việc có thêm thu nhập.

Chị Trần Thị Ngọc Nhi, con bà Bộ, cho biết cơ sở cũng đã bước thêm bước nữa trong việc khai thác chuỗi giá trị từ lục bình là xây dựng điểm du lịch cộng đồng, để vừa giới thiệu đến với du khách xa gần nghề truyền thống địa phương vừa đẩy mạnh bán sản phẩm, đồ lưu niệm. Chị Nhi chia sẻ bí quyết để cơ sở có chỗ đứng trên thị trường là mẫu mã đa dạng, biết cách xây dựng và quảng bá sản phẩm cũng như thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại…

Đa dạng hình thức dạy nghề

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Anh – ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long – là một tấm gương khác đã “đổi đời” từ học nghề từ các chương trình đào tạo nghề cho LĐNT.

Trước đây, anh Hoàng Anh cũng như nhiều LĐNT ở Tam Bình được địa phương hướng dẫn học nghề sửa xe gắn máy để chuyển đổi nghề nghiệp. Lúc đầu anh cũng chỉ nghĩ học để có cái nghề, xong sẽ tìm việc làm thuê ở một cửa tiệm sửa chữa nhỏ.

Càng làm tay nghề càng thành thạo, anh Hoàng Anh tích cóp được một số vốn, mở được cửa hàng sửa chữa xe máy riêng cho mình. Anh chia sẻ đó là một bước ngoặt lớn. Cửa tiệm không những giúp gia đình anh khá giả mà hiện tại anh còn “trả lại” xã hội qua việc tạo điều kiện cho hai thanh niên tại địa phương có việc làm tại cửa hàng cùng gia đình.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long – cho biết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đang đa dạng hóa hình thức tổ chức lớp, tạo điều kiện để người dân vừa học vừa duy trì công việc và thu nhập.

Hiện nay tỉnh chú trọng đào tạo các nghề như xây dựng dân dụng, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghiệp vụ nhà hàng, du lịch…

4,9 triệu lao động nông thôn học nghề trong 3 năm

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2016-2019, có 4,9 triệu LĐNT học nghề, đạt 89% kế hoạch. Số LĐNT được hỗ trợ học nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 2,85 triệu, 850.000 người học nghề nông nghiệp và khoảng 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp. Trong đó, có 450.000 người dân tộc thiểu số, 200.000 người thuộc hộ nghèo, 60.000 người khuyết tật, còn lại là các đối tượng khác.

Tỉ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề từ năm 2016-2019 đạt 81,4%; trên 134.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; trên 165.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

NGỌC TÀI – TRỌNG NHÂN
TTO