22/01/2025

Kiều bào ‘hiến kế’ chuyển đổi số vượt qua đại dịch Covid-19

Kiều bào ‘hiến kế’ chuyển đổi số vượt qua đại dịch Covid-19

Ngày 30.10, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và kiều bào tham quan một sản phẩm về công nghệ /// LINH LINH
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và kiều bào tham quan một sản phẩm về công nghệ  LINH LINH

Tận dụng cơ hội chuyển đổi số

Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhìn nhận với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá bằng cách chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp sang tăng trưởng dựa vào tri thức. Hồi tháng 6.2020, Thủ tướng ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, vấn đề then chốt của chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức và tư duy, cả xã hội phải nhận thức được sứ mệnh, tính cấp bách của chuyển đổi số bởi nếu đi chậm, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực sẽ khan hiếm, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Về nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, Phó thủ tướng thông tin theo dự báo, Việt Nam còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin. Trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. “Các trí thức kiều bào cùng chung tay đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Phó thủ tướng đề nghị.
GS Hà Tôn Vinh, kiều bào Mỹ, khuyến nghị trong dài hạn, Chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn. Theo GS Vinh, nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế khá mới mẻ và đi đôi với sự phát triển công nghệ số, công nghệ sinh học và nền kinh tế số. Nền kinh tế tuần hoàn áp dụng quy trình gọi là 5-R, gồm việc tái sử dụng (reuse), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling) giúp giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng và phế thải tạo ra, qua đó giảm ô nhiễm môi trường.

Đề xuất gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tín chấp

Tại hội nghị, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính, kiều bào Mỹ) nhìn nhận, Chính phủ đưa ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động nhưng thực tế số DN tiếp cận được nguồn vốn khá ít, nhất là DN đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do đó, TS Hiếu đề xuất Chính phủ cần thành lập một tổ hợp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thiết lập, tất cả ngân hàng phải tham gia vào tổ hợp này với mức tương đương 3 – 3,5% tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Với mức tổng dư nợ của nền kinh tế hiện khoảng 8,7 triệu tỉ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3 – 3,5% thì hệ thống ngân hàng sẽ có tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng.
TS Hiếu đề xuất cho DN vay tín chấp với lãi suất 3 – 5% trong vòng 5 năm. Để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, Chính phủ lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia khoảng 30.000 tỉ đồng (tương đương 10% tổ hợp tín dụng). “DN phải được vay tín chấp chứ còn đòi hỏi thế chấp thì DN không thể nào vay được bởi trước đó tài sản đã thế chấp hết để hoạt động cầm cự rồi. Chính phủ lập quỹ bảo lãnh để ngân hàng thương mại yên tâm cho DN vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh”, TS Hiếu phân tích.
SỸ ĐÔNG
TNO