24/12/2024

Trốn thuế bị phạt nặng

Trốn thuế bị phạt nặng

Theo Nghị định số 125 của Chính phủ về xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, sẽ phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
Mức phạt tiền đối với vi phạm thuế gia tăng từ ngày 5.12 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Mức phạt tiền đối với vi phạm thuế gia tăng từ ngày 5.12   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế cũng được điều chỉnh tăng cao hơn trước.

Trốn thuế tăng mạnh do phạt thấp

Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi như không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế; người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế… Ngoài ra, nghị định còn quy định mức phạt tiền tăng lên so với hiện nay đối với một số hành vi mà người nộp thuế dễ mắc phải như vi phạm thủ tục thuế với mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng; vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, thời hạn thông báo ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước hạn với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hành vi chậm nộp hồ sơ thuế có mức tối thiểu là 2 triệu đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng… Đồng thời quy định phạt tiền tương ứng với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế. Nghị định 125 sẽ có hiệu lực từ ngày 5.12.2020.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng mạnh theo từng năm. Nếu như năm 2014 có 34.837 vụ vi phạm thủ tục thuế và 10.557 vụ vi phạm về hóa đơn, thì đến năm 2017, con số tương ứng là 103.381 và 27.535 (gần 3 lần năm 2014). Qua năm 2018, số vụ vi phạm thủ tục thuế lên tới 192.174 và vi phạm về hóa đơn là 45.513. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế.

Vi phạm thuế do thủ tục liên tục thay đổi

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tú – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, số vụ vi phạm thuế gia tăng không hẳn do mức phạt thấp mà do những năm qua, chính sách thuế thay đổi thường xuyên, nhiều thủ tục, có nhiểu điểm không rõ ràng nên người nộp thuế bị vi phạm nhiều hơn.
Tiếp cận ở góc độ đó, ông Tú cho rằng để hạn chế những vi phạm, văn bản hướng dẫn thi hành các quy định cần chi tiết, rõ ràng, dễ thực hiện và được tuyên truyền rộng rãi để mọi người biết mà không vi phạm. Đơn cử trong thời gian qua, những hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, những chuyến xe chở hàng trên đường đều không có hóa đơn… Ngoài việc phạt hành chính còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế. Thế nhưng, trốn thuế và chưa hiểu dẫn đến thực hiện kê khai sai là 2 hành vi khác nhau. Ví dụ, hiện đang thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử, sẽ không tránh khỏi việc người nộp thuế kê khai sai thông tin nên nghị định dù có quy định phạt hành chính cũng xem xét “nhẹ tay”. Còn nhiều người cố tình né thuế nên không kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế như trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới cần phạt mạnh thay vì chỉ thực hiện truy thu và phạt hành chính hiện hành.
THANH XUÂN
TNO