23/12/2024

Nâng tầm sản phẩm Việt xuất khẩu

Nâng tầm sản phẩm Việt xuất khẩu

Ngày 27.10, tại TP.HCM diễn ra hội nghị gặp gỡ doanh nhân kiều bào với chủ đề Nâng tầm sản phẩm Việt.
Qua đó, TP.HCM muốn lắng nghe những chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia các hiệp hội để cùng nhận diện khó khăn, thách thức trong việc kết nối, xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8.2020.

Kim ngạch hai chiều Việt Nam – EU 2019 đạt 56,45 tỉ USD

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch trường trực UBND TP.HCM, cho biết EU đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỉ USD. Đối với TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2020 sang thị trường này đạt 2,3 tỉ USD, riêng nhóm nông lâm thủy sản hơn 300 triệu USD. “TP.HCM xác định châu Âu là thị trường lớn cho các DN. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi các DN phải nỗ lực đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm và các yếu tố khác để vượt qua những quy định do châu Âu đặt ra”, ông Liêm nói.

Kiều hối về TP.HCM 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 4 tỉ USD

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm thông tin trong đợt cao điểm dịch Covid-19, kiều bào xa quê đã chung tay ủng hộ để đất nước có thêm nguồn lực chống dịch, đồng thời duy trì kết nối giao thương, khôi phục phát triển kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 4 tỉ USD, dự ước năm 2020 đạt khoảng 5,5 tỉ USD.

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cho hay khoảng 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có nhiều đóng góp hết sức thiết thực đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Tính lũy kế từ năm 1990 đến nay, lượng kiều hối gửi về khoảng 170 tỉ USD, kiều bào đang đầu tư vào khoảng 3.000 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 4 tỉ USD, góp phần tạo rất nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Đại sứ Lương Thanh Nghị đánh giá cộng đồng kiều bào tại châu Âu với hơn 1 triệu người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa và dịch vụ Việt Nam vào châu Âu. Bên cạnh đó, cộng đồng tri thức làm việc trong các cơ quan chính phủ, tổ chức kinh tế, trường đại học, viện nghiên cứu chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho các DN, cơ quan tại Việt Nam trong việc tư vấn, tìm hiểu, tiếp cận thị trường châu Âu, giải quyết các tranh chấp thương mại giữa hai bên, hỗ trợ DN trong nước trong việc quảng bá sản phẩm…

Nâng chất lượng sản phẩm để tăng thị phần

Tại hội nghị, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết với hơn 1.000 thành viên, EuroCham sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo thực hiện suôn sẻ và hiệu quả Hiệp định EVFTA. Các DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn, kết nối của EuroCham để nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận thị trường châu Âu. Ông Jean-Jacques Bouflet cũng đề nghị Việt Nam cần giúp các DN trong nước củng cố thị phần bằng cách hiểu rõ hơn về thị trường và tiêu chuẩn kinh doanh của EU, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và độ tin cậy, minh bạch và liêm chính.
Nhìn nhận cánh cửa xuất khẩu các mặt hàng lớn không còn rộng trong đại dịch Covid-19, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng các DN cần chuyển đổi sản xuất từ các mặt hàng xa xỉ sang các mặt hàng thiết yếu, tập trung phân phối cho thị trường nội địa. “Có những DN nỗ lực chuyển đổi từ dây chuyền may veston sang sản xuất khẩu trang để tồn tại trong dịch bệnh”, ông Việt Anh dẫn chứng.
SỸ ĐÔNG
TNO