23/12/2024

Chế biến thực phẩm chuyển mình thời Covid-19

Chế biến thực phẩm chuyển mình thời Covid-19

Từ nông dân, nhà chế biến thực phẩm, nhà cung cấp đến người bán lẻ và các nhà hàng đều phải đối mặt với những thách thức mới trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.
Covid-19 khiến UAE đẩy nhanh việc phát triển hệ sinh thái thực phẩm riêng /// ABUDHABICITYGUIDE
Covid-19 khiến UAE đẩy nhanh việc phát triển hệ sinh thái thực phẩm riêng   ABUDHABICITYGUIDE
Với ngành công nghiệp thực phẩm hiện đại, việc thông thương biên giới là điều hết sức cần thiết. Các nhà máy chế biến sử dụng nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra thành phẩm và sau đó vận chuyển đến tay người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống này hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Từ tác động

Theo chuyên trang Business Times, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình biến đổi của hệ thống thực phẩm. Việc nhiều nước đóng cửa biên giới, thiếu tài xế xe tải và lao động nhập cư cũng như mất đi các nguồn tiêu thụ ngoài hộ gia đình đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành lương thực có tính toàn cầu hóa cao và cho cả nguồn cung cấp lương thực thế giới.
Ngoài ra, sở thích của người tiêu dùng toàn cầu cũng đang dần thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19. Họ ngày càng quan tâm đến sức khỏe và dành thời gian nấu nướng ở nhà nhiều hơn, do đó nhu cầu về thực phẩm tươi, sạch và có nguồn gốc rõ ràng được đẩy mạnh.
Một xu hướng cũng đang phát triển mạnh mẽ là các nền tảng mua bán thực phẩm điện tử. Dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng những xu hướng này đang tăng mạnh trong giai đoạn nhiều nước thực hiện các biện pháp giãn cách chặt chẽ.

Bước ngoặt cho tương lai

Định hình lại tương lai của ngành thực phẩm đang trở nên cấp thiết hơn. Chìa khóa để vượt qua những thách thức ở hiện tại và tương lai chính là nhanh chóng áp dụng ứng dụng công nghệ thực phẩm (FoodTech), số hóa và tạo ra các hệ sinh thái thực phẩm. Các công ty đã nhanh chóng thích nghi với những xu hướng này và có rất nhiều sáng kiến đang được thực hiện.
Điển hình là Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) mới đây cho biết sẽ sử dụng mẫu rô bốt do Công ty Bear Robotics phát triển tại các nhà hàng ở Nhật để giải quyết yêu cầu giãn cách xã hội. Theo Reuters, mẫu rô bốt trên có tên Servi, được trang bị các khay đựng, camera 3D và cảm biến lidar để có thể phục vụ thực khách và dự kiến được đưa vào sử dụng từ tháng 1 năm sau.
Dịch Covid-19 cũng đã buộc nhiều nước, điển hình là UAE, tính đến phương án tạo ra hệ sinh thái thực phẩm của riêng mình trong bối cảnh vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Đất nước này vốn nhập khẩu tới 80% lượng lương thực thì nay đã quyết định đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất.
Theo tạp chí kinh doanh Fast Company, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, UAE đang đầu tư 100 triệu USD vào nông trại trong nhà lớn nhất thế giới, được trang bị hệ thống kiểm soát khí hậu và đèn LED nhân tạo hiện đại.
Nhìn chung, mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông dân, nhà chế biến, nhà cung cấp đến người bán lẻ và các nhà hàng đều phải đối mặt với những thách thức mới trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho họ trong quá trình chuyển đổi sắp tới.
Bên cạnh mảng dịch vụ ăn uống, Covid-19 cũng đã thúc đẩy sự kết hợp giữa công nghệ và tiêu dùng thực phẩm. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng của mọi người ngày càng cao, do đó xuất hiện nhiều ứng dụng hỗ trợ ghi lại và theo dõi chế độ dinh dưỡng hằng ngày như MyFitnessPal, MyNetDiary… Ngoài ra, các dịch vụ cung cấp bữa ăn hoặc thực phẩm đảm bảo vệ sinh dựa trên lựa chọn dinh dưỡng của khách hàng cũng trở nên ngày càng phổ biến.
ĐỖ ĐỨC THƯỜNG
TNO