CÁC TRÍCH DẪN THEN CHỐT TỪ FRATELLI TUTTI: PHẦN 1 (CHƯƠNG 1-4)

Một loại luận điểm cho toàn bộ thông điệp: “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại này của ta, bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa mọi người nam và người nữ

CÁC TRÍCH DẪN THEN CHỐT TỪ FRATELLI TUTTI:

PHẦN 1 (CHƯƠNG 1-4)

Ngày 4 tháng 10 năm 2020 bởi Cha Matthew P. Schneider, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô

Đan Quang Tâm dịch

https://www.patheos.com/blogs/throughcatholiclenses/2020/10/key-quotes-from-fratelli-tutti-part-1-chapters-1-4/

Hôm nay (4 tháng 10 năm 2020), Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Thông điệp Fratelli Tutti. Tôi đã đọc toàn bộ thông điệp trong ngày hôm nay. Khi đọc, tôi tô sáng những dòng tôi thích và xếp chúng theo thứ tự như một loại tóm tắt cỡ vừa Thông điệp. Fratelli Tutti khó tóm tắt hơn một chút so với nhiều văn kiện giáo hoàng khác nên bản văn tóm lược cuối cùng chiếm khoảng 15% độ dài Thông điệp và được chia thành hai phần (xin xem tiếp phần hai). Tôi cố gắng cung cấp càng nhiều câu trích dẫn càng tốt để gửi cho bạn một bản tóm tắt theo góc nhìn của tôi và trực tiếp những gì Đức Giáo hoàng muốn mọi người nghe. Tôi hy vọng bạn tìm thấy việc này hữu ích.

Dẫn nhập

Tóm lược chuyến đi của Thánh Phanxicô gặp vua Hồi giáo: “Thánh Phanxicô không gây chiến bằng những lời lẽ nhằm áp đặt các học thuyết; ngài chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và những ai ở trong tình yêu thì cũng ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Bằng cách này, ngài trở thành một người cha của tất cả mọi người và truyền cảm hứng về tầm nhìn một xã hội huynh đệ. Thật vậy, “chỉ người nào đến với những người khác, không để lôi kéo họ vào cuộc sống của mình, nhưng để giúp họ trở nên chính họ một cách đầy đủ hơn, mới thực sự có thể gọi là một người cha” (4)

Một loại luận điểm cho toàn bộ thông điệp: “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại này của ta, bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa mọi người nam và người nữ”. (8)

Chương Một: Những đám mây đen trên một thế giới đóng kín

Điều này giới thiệu một chủ đề lặp đi lặp lại trong Chương 1: cần xem người khác là anh chị em hơn kẻ thù: “Trong nhiều thập niên, dường như thế giới đã học được bài học từ nhiều cuộc chiến tranh và các thảm họa chiến tranh, và đang tiến dần đến nhiều hình thức hội nhập khác nhau”. (10)

Một lời nhắc nhở rằng ta được kêu gọi để cải thiện thế giới. “Không thể an nhiên tự tại với những gì đã đạt được trong quá khứ và tự mãn tận hưởng nó, như thể bằng cách nào đó, ta có thể đã coi thường thực tại là nhiều anh chị em của chúng ta vẫn còn đang phải chịu đựng những tình huống kêu gào ta phải lưu tâm”. (11)

Vấn đề của một nền văn hóa quá thiên về chủ nghĩa cá nhân: “Các xung đột địa phương và việc coi thường công ích bị nền kinh tế hoàn cầu khai thác để áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất. Nền văn hóa này thống nhất thế giới, nhưng chia rẽ con người và các quốc gia, vì “khi xã hội ngày càng trở nên toàn cầu hóa, nó khiến ta trở thành láng giềng, nhưng không khiến ta trở thành anh em”. Ta cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đông đảo cổ vũ các lợi ích cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đồng của cuộc sống”. (12)

Lịch sử dạy ta các bài học: “Ngày càng mất đi cảm thức về lịch sử, dẫn đến sự chia rẽ còn sâu xa hơn. Một loại ‘giải cấu trúc’ (deconstruction), theo đó tự do của con người cho là mình có thể tạo ra mọi thứ từ con số không, đang tung hoành trong nền văn hóa ngày nay. Một điều giải cấu trúc để lại phía sau là động lực tiêu dùng vô hạn và các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trống rỗng”. (13)

Thật không may, tôi thấy kiểu phân cực chính trị này của những người trong cả hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ: “Cách tốt nhất để thống trị và giành quyền kiểm soát người ta là gieo rắc sự tuyệt vọng và chán nản, ngay cả dưới chiêu bài bảo vệ những giá trị nào đó. Ngày nay, ở nhiều quốc gia, chủ nghĩa cường điệu, cực đoan và phân cực đã trở thành các công cụ chính trị. Sử dụng chiến lược chế giễu, nghi ngờ và không ngừng chỉ trích, theo nhiều cách khác nhau, người ta phủ nhận quyền hiện hữu hoặc quyền có ý kiến của người khác”. (15)

Hy vọng về một tình hình chính trị tốt hơn: “Giữa những xung đột lợi ích, trong đó chiến thắng hệ tại việc loại trừ các đối thủ của mình, làm thế nào có thể nâng các tầm nhìn của ta để nhận ra những người thân cận của ta hoặc để giúp đỡ những người đã ngã gục dọc đường?” (16)

Một lời kêu gọi thực sự về việc bảo vệ người già, người nghèo, người chưa sinh và người khuyết tật: “Dường như một số thành phần trong gia đình nhân loại của ta có thể sẵn sàng bị hy sinh vì những người khác được xem là đáng hưởng một cuộc sống vô tư. Cuối cùng, “con người không còn được xem là có giá trị tối quan trọng cần được chăm sóc và tôn trọng, đặc biệt là khi họ nghèo và tàn tật, “chưa có ích”– như người chưa sinh, hoặc “không còn cần thiết nữa”– như người cao tuổi. Ta đã trở nên thờ ơ với mọi loại lãng phí, bắt đầu với việc lãng phí thức ăn, một điều cực kỳ đáng trách”. (cả đoạn 18)

Việc ta thiếu chăm sóc đối với người cao tuổi cho thấy cách ta dành giá trị ưu thế cho chủ nghĩa cá nhân: “Tỷ lệ sinh giảm, dẫn đến dân số già, cùng với việc người cao tuổi rơi vào một cuộc sống buồn bã và cô đơn, là một cách tinh tế để nói rằng tất cả là do ta, rằng mối quan tâm cá nhân của ta là điều duy nhất quan trọng”. (19)

“Đói nghèo phải luôn được hiểu và đánh giá trong bối cảnh các cơ hội thực tế có sẵn trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể”. (21) Ví dụ, ngày nay thiếu nước sạch và điện được coi là nghèo trong khi những thứ này chỉ là thiếu qua nhiều lịch sử.

Một lời nhắc nhở rằng những điều như Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc chứa đựng các giá trị Công giáo: “Bằng cách quan sát kỹ các xã hội đương thời của ta, ta thấy có vô số mâu thuẫn khiến ta tự hỏi liệu phẩm giá bình đẳng của mọi người, được tuyên bố long trọng cách đây 70 năm, có thực sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến trong mọi tình huống không”. (22)

Xã hội không đồng đều của ta cho thấy ta có chỗ để phát triển về quyền con người: “Trong khi một bộ phận nhân loại sống trong sự xa hoa, thì một bộ phận khác lại thấy phẩm giá của mình bị khước từ, bị khinh miệt hoặc bị chà đạp, và các quyền cơ bản của mình bị loại bỏ hoặc vi phạm. Điều này bảo ta điều gì về quyền bình đẳng dựa trên phẩm giá bẩm sinh của con người?” (22)

“Chiến tranh, các cuộc tấn công khủng bố, đàn áp chủng tộc hoặc tôn giáo và nhiều hành vi khác ảnh hưởng đến phẩm giá con người được nhìn theo các cách khác nhau, tùy theo chúng hợp hay không với các lợi ích nhất định, chủ yếu là lợi ích kinh tế”. (25) Ví dụ, tại sao ít quốc gia lên án cuộc diệt chủng người Armenia hoặc các cuộc đàn áp hiện nay (người Duy Ngô Nhĩ, người Kitô giáo, người Hồi giáo, v.v.) ở Trung Quốc.

Ta nên cố gắng nhìn thấy vẻ đẹp ở tất cả những ai ta đang chung sống. “Ta ngày càng cảm thấy rằng ‘khoảng cách giữa sự quan tâm đến phúc lợi bản thân của người ta và sự thịnh vượng của gia đình nhân loại rộng lớn hơn dường như đang trải dài đến mức gây chia rẽ hoàn toàn giữa các cá nhân và cộng đồng con người… Cảm thấy buộc phải sống chung là một việc, nhưng biết trân trọng sự phong phú và vẻ đẹp nơi các hạt giống của cuộc sống chung cần tìm kiếm và vun trồng lại là một việc khác’”. (31)

Một câu nói hay nhất cho đến nay: “Tuy nhiên, tất cả quá nhanh, ta quên mất những bài học lịch sử”. (35)

Đức Phanxicô lên án các chính sách cực đoan về nhập cư: “Không ai có thể công khai phủ nhận rằng họ [những người nhập cư] là con người, nhưng trên thực tế, bằng quyết định của ta và cách ta đối xử với họ, ta có thể cho thấy rằng ta coi họ là người ít xứng đáng hơn, ít quan trọng hơn, ít người hơn. Đối với các Kitô hữu, lối suy nghĩ và hành động này là không thể chấp nhận được, vì nó đặt những sở thích chính trị nhất định lên trên các xác tín sâu xa về đức tin của ta: phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người bất kể nguồn gốc, chủng tộc hay tôn giáo, và luật tối cao là tình yêu thương huynh đệ”. (39)

Đây là lần đầu tiên trong một văn kiện quan trọng mà bất kỳ Giáo hoàng nào đã từng chỉ ra “quyền riêng tư” tồn tại. “Thật kỳ quặc, trong khi các thái độ khép kín và bất khoan dung với người khác đang gia tăng, thì mặt khác, các khoảng cách lại đang thu hẹp hoặc biến mất đến mức quyền riêng tư ít còn hiện hữu. Mọi sự đã trở thành một thứ cảnh tượng cần khảo sát và kiểm tra và cuộc sống của con người hiện đang bị giám sát không ngừng. Truyền thông kỹ thuật số muốn đưa mọi sự ra thanh thiên bạch nhật; cuộc sống của người ta bị bươi móc, lột trần và bàn tán, thường là nặc danh. Sự tôn trọng tha nhân tan vỡ, và ngay khi ta gạt bỏ, làm ngơ hoặc giữ khoảng cách với người khác, ta vẫn có thể trâng tráo soi mói từng chi tiết cuộc đời của họ”. (42)

“Chúng [các mối quan hệ kỹ thuật số] thiếu các cử chỉ thể lý, nét mặt, khoảnh khắc im lặng, ngôn ngữ thân thể và thậm chí cả những mùi vị, bàn tay run run, sự đỏ mặt và ra mồ hôi vẫn ngỏ lời với ta và là một phần của sự truyền thông con người.” (43) Tôi nghĩ những điều này có giá trị giá trị nhưng ta không nên đánh giá thấp hoàn toàn các tình bạn kỹ thuật số.

Vấn đề của thế giới ngày nay là quá tập trung vào bản thân: “Khả năng ngồi xuống và lắng nghe người khác, đặc trưng của những cuộc gặp gỡ liên vị, là điển hình của thái độ chào đón được thể hiện bởi những người vượt qua xu hướng ái kỷ và chấp nhận người khác, quan tâm đến họ và chào đón họ vào cuộc đời mình”. (48)

“Thiên Chúa tiếp tục gieo nhiều hạt giống sự thiện trong gia đình nhân loại chúng ta”. (54). Ta cần phải hy vọng không ngừng như Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Chương hai: Người lạ trên đường

Phần lớn chương này dựa trên câu chuyện ngụ ngôn về Người Samari nhân hậu.

Các quyền chung của nhân loại không chỉ là những nguyên tắc pháp lý trừu tượng: “Sách Gióp coi nguồn gốc của ta từ một Đấng Tạo Hóa duy nhất là nền tảng của một số quyền chung: “Chẳng phải Đấng đã tạo ra tôi trong lòng mẹ cũng đã tạo nên anh ta đó sao? Và không phải cùng một Đấng ấy đã tượng hình chúng ta trong bụng mẹ đó sao?” (Gióp 31,15). Nhiều thế kỷ sau, Thánh Irênê đã sử dụng hình ảnh một giai điệu để đưa ra cùng một quan điểm: “Người tìm kiếm sự thật không nên tập trung vào các dị biệt giữa nốt này và nốt nọ, nghĩ rằng như thể mỗi nốt nhạc được tạo ra tách biệt và cách biệt với các nốt nhạc khác; thay vào đó, họ nên nhận ra rằng cũng chính người đó sáng tác toàn bộ giai điệu” (58).

Cựu Ước thường giới hạn trong những gì liên quan đến những người đồng bào. Tân Ước làm cho điều này trở nên phổ quát: “Trong Tân Ước, giới luật của Hillel đã được diễn tả bằng những từ ngữ tích cực: ‘Trong mọi việc, hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn; vì đây là luật và các ngôn sứ’ (Mt 7,12). Mệnh lệnh này có tính phổ quát về phạm vi, bao trùm mọi người trên cơ sở chia sẻ cùng một kiếp người, vì Cha trên trời “làm cho mặt trời của Người mọc trên kẻ dữ và người lành’ (Mt 5,45)”. (60)

Dù là các thành viên được tôn vinh trong xã hội đến đâu, ta cũng cần quan tâm đến công ích. “Đức Giêsu kể câu chuyện về một người đàn ông bị kẻ trộm hành hung và bị thương nằm bên vệ đường. Một số người đi ngang qua ông, nhưng không dừng lại. Đây là những người có các địa vị quan trọng trong xã hội, nhưng thiếu quan tâm thực sự đến công ích. Họ không lãng phí một vài phút để chăm sóc người bị thương, thậm chí cả khi người bị nạn xin giúp đỡ”. (63)

“Ta hãy thừa nhận rằng, với mọi tiến bộ ta đã đạt được, ta vẫn còn ‘mù chữ’ khi đụng tới việc đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong các xã hội phát triển của ta. Ta đã trở nên quen thuộc với việc nhìn đi hướng khác, đi ngang qua, làm ngơ các tình huống cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến ta”. (64)

Một lời nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi yêu thương nhau. “Dụ ngôn [Người Samari nhân hậu] rõ ràng không bằng lòng với việc giảng đạo đức trừu tượng, và sứ điệp của dụ ngôn cũng không chỉ mang tính xã hội và đạo đức. Nó nói với ta về một khía cạnh thiết yếu và thường bị lãng quên là bản tính chung của con người chúng ta: ta được tạo dựng để đạt đến sự thành toàn chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu. Ta không thể thờ ơ với đau khổ; ta không thể để bất cứ ai trải qua cuộc sống như một kẻ bị ruồng bỏ. Thay vào đó, ta nên cảm thấy phẫn nộ, bị thách thức ra khỏi sự cô lập thoải mái của ta và được biến đổi khi tiếp xúc với những đau khổ của con người. Đó là ý nghĩa của phẩm giá”. (68)

Một tóm lược khắt khe nhưng đích thực về dụ ngôn Người Samari nhân hậu: “Một lần được đối diện với cảnh đau thương của người đàn ông khốn khổ bên vệ đường. Sự phân biệt giữa Giuđê và Samari, giữa thầy tư tế và thương gia, mờ đi trở nên chẳng còn có ý nghĩa gì. Bây giờ chỉ có hai loại người: những người chăm sóc cho một người đang bị thương và những người đi ngang bỏ qua; những người cúi xuống để giúp đỡ và những người nhìn theo hướng khác và vội vàng bỏ đi”. (70)

Ta thường giống thầy tư tế và người Lêvi hơn là người Samari nhân hậu. “Dụ ngôn yêu cầu ta nhìn kỹ hơn những người qua đường. Sự thờ ơ lo lắng khiến họ bước qua phía bên kia đường – dù vô tội hay không, dù khinh bỉ hay chỉ là lơ đễnh – khiến thầy tư tế và thầy Lêvi trở thành một hình ảnh phản chiếu đáng buồn khoảng cách ngày càng lớn giữa ta và thế giới xung quanh. Có nhiều cách để bước qua ở một khoảng cách an toàn: ta có thể rút vào chính mình, làm ngơ phớt lờ những người khác, hoặc thờ ơ với cảnh ngộ của họ. Hoặc đơn giản chỉ là nhìn đi nơi khác, như ở một số quốc gia, hoặc một số khu vực của họ, có sự khinh miệt người nghèo và nền văn hóa của họ, và người ta nhìn đi chỗ khác, như thể một kế hoạch phát triển ngoại nhập sẽ đẩy những người đó lui đi. Đây là cách một số người biện minh cho sự thờ ơ của họ: người nghèo, những người mà những lời cầu xin giúp đỡ có thể chạm đến trái tim của họ, đơn giản là những người này không hiện hữu. Người nghèo không thuộc phạm vi quan tâm của họ”. (73)

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi thay đổi thế giới. “Mỗi ngày đều mang đến cho ta một cơ hội mới, một khả thể mới. Ta không nên mong đợi mọi sự từ những người cai trị ta, vì điều đó trẻ con. Ta có không gian cần thiết để cùng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và áp dụng các tiến trình và các thay đổi mới. Ta hãy tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp nguy biến của ta”. (77)

“Ngài [Đức Giêsu] yêu cầu chúng ta không nên quyết định xem ai là người gần gũi đủ để trở thành người người thân cận của ta, mà đúng hơn chính ta phải trở thành người người thân cận của mọi người”. (79) Bác ái Kitô giáo không giới hạn chỉ ở một loại người.

Chương ba: Hình dung và hình thành một thế giới mở

Tình yêu đối với người khác đổi mới ta mạnh mẽ. “Trong sâu thẳm mỗi trái tim, tình yêu tạo ra những gắn kết và mở rộng sự hiện hữu, vì nó kéo người ta ra khỏi chính họ và hướng về tha nhân [65]. Vì ta được tạo dựng để yêu thương, nên trong mỗi chúng ta xem ra đều có ‘luật ekstasis [ra khỏi mình]’ vận hành: “người yêu ‘đi ra khỏi’ bản thân để tìm một sự hiện hữu viên mãn hơn nơi một người khác’ [66]. Vì lý do này, “con người đã luôn luôn phải đảm nhận thách đố vượt qua chính mình”. (88)

Các nhân đức luân lý cần được truyền đức ái. “Người ta có thể phát triển một số thói quen nào đó bề ngoài có vẻ giống như các giá trị luân lý: dũng cảm, tiết độ, cần mẫn và các nhân đức tương tự. Tuy nhiên, nếu các hành vi nhân đức luân lý khác nhau phải được điều hướng một cách đúng đắn, thì người ta cần phải lưu ý đến mức độ chúng cổ vũ sự cởi mở và hợp nhất với những người khác. Điều đó trở thành có thể nhờ đức ái Thiên Chúa ban. Thiếu đức ái, có lẽ ta chỉ có những nhân đức bề ngoài, không có khả năng nâng đỡ cuộc sống chung”. (91)

“Vậy thì tình yêu không chỉ là một loạt các hành động thi ân. Những hành động đó có nguồn gốc từ sự kết hợp ngày càng hướng tới những người khác, xem họ có giá trị, xứng đáng, làm hài lòng mình và đẹp ngoài dáng vẻ thể lý hay luân lý của họ. Tình yêu của ta đối với người khác, vì chính họ, thúc đẩy ta tìm kiếm điều tốt nhất cho cuộc sống của họ”. (94)

“Tình yêu… thúc đẩy ta hướng tới sự hiệp thông toàn cầu.” (95)

Ta cần bao gồm những người khuyết tật: “Tôi muốn đề cập đến một số ‘người lưu đày giấu mặt’ bị coi như thành phần ngoại lai trong xã hội. Nhiều người khuyết tật ‘cảm thấy họ hiện hữu mà không thuộc về ai và không tham gia gì’. Phần lớn vẫn ngăn cản họ không quyền đầy đủ quyền công dân. Mối quan tâm của ta không nên chỉ có chăm sóc họ mà còn bảo đảm để họ ‘tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và cộng đồng giáo hội’”. (98)

Chỉ có tôn trọng tự do thì không đủ: “Tình huynh đệ nảy sinh không những từ một bầu khí tôn trọng các tự do cá nhân, hoặc thậm chí từ một chính sách bình đẳng nào đó được chính quyền bảo đảm. Tình huynh đệ nhất thiết kêu gọi một điều gì đó lớn lao hơn, một điều đến phiên mình phát huy tự do và bình đẳng”. (103)

Phẩm giá của con người là nội tại, không dựa vào các hoàn cảnh: “Tình bạn xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết kêu gọi sự thừa nhận giá trị của mỗi nhân vị, mọi lúc và mọi nơi. Nếu mỗi cá nhân đều có giá trị lớn như vậy, thì cần phải tuyên bố rõ ràng và chắc chắn rằng ‘nguyên sự kiện một số người sinh ra ở những nơi có ít tài nguyên hơn hoặc kém phát triển hơn không biện minh cho sự kiện là họ phải sống với một phẩm giá kém hơn’”. (106)

Nhắc lại đoạn trước nhưng nói về các khuyết tật hơn là nơi sinh ra: “Mọi người đều có quyền sống xứng hợp với phẩm giá và được phát triển toàn diện; quyền căn bản này không thể bị bất cứ nước nào bác bỏ. Mọi người có quyền này ngay cả khi họ không sản xuất được gì, hoặc được sinh ra hoặc phát triển với nhiều hạn chế. Điều này không làm giảm phẩm giá vĩ đại của họ như những nhân vị, một phẩm giá không dựa trên hoàn cảnh mà dựa vào giá trị nội tại của con người họ”. (107)

Đoạn 109 khá dài dòng nhưng nhắc ta phải tôn trọng người khuyết tật dù tình trạng kinh tế của họ như thế nào: “Một số người sinh ra trong các gia đình ổn định về kinh tế, nhờ thế, nhận được nền giáo dục tốt, lớn lên được nuôi dưỡng tốt hoặc tự nhiên có được tài năng lớn. Họ chắc chắn sẽ không cần đến một nhà nước tích cực chủ động; họ chỉ cần đòi tự do của họ. Tuy nhiên, một quy tắc giống hệt vậy rõ ràng không áp dụng cho một người khuyết tật, cho người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cho những người thiếu nền giáo dục tốt và ít được tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe thỏa đáng. Nếu một xã hội được điều hành chủ yếu bằng các tiêu chuẩn tự do và hiệu năng của thị trường, thì không có chỗ cho những người đó, và tình huynh đệ sẽ mãi mãi chỉ là một lý tưởng mơ hồ khác mà thôi”.

Vô luân và hời hợt là kẻ thù luân lý Kitô giáo. “Ta đã có đủ sự vô luân và nhạo báng luân lý, lòng tốt, đức tin và sự trung thực. Đã đến lúc phải thừa nhận rằng sự hời hợt nhẹ dạ đã chẳng đem gì tốt cho ta. Một khi các nền tảng đời sống xã hội bị xói mòn, điều xảy ra sau đó là những cuộc đấu tranh giành giật các lợi ích xung khắc nhau”. (113)

Nhân đức bắt đầu từ gia đình: “Gia đình là nơi đầu tiên trong đó ta sống và lưu truyền các giá trị tình yêu và tình huynh đệ, tình liên đới, việc cùng nhau chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác”. (114)

Tập trung vào các quyền của tất cả mọi người vào các đặc quyền của một vài người. “Thế giới hiện hữu vì mọi người, bởi vì tất cả chúng ta sinh ra đều có cùng phẩm giá. Các khác biệt về màu da, tôn giáo, tài năng, nơi sinh hoặc nơi cư trú, và nhiều điều khác, không thể dùng để biện minh cho các đặc quyền của một số người trên các quyền của tất cả mọi người”. (118)

Bài học từ hai Giáo Phụ: “Không chia sẻ sự giàu có của ta với người nghèo là cướp đi sinh kế của họ. Của cải chúng ta sở hữu không phải của riêng ta mà là của cả họ nữa” – Thánh Gioan Kim Khẩu. “Khi ta cung cấp những nhu cầu căn bản cho người nghèo, ta đang đem lại cho họ những gì thuộc về họ, chứ không thuộc về ta”. – Thánh Grêgôriô Cả (119)

Giáo hội khẳng định những không tuyệt đối hoá quyền tư hữu. “Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là tuyệt đối hoặc bất khả xâm phạm, và đã nhấn mạnh đến mục đích xã hội của mọi hình thức tư hữu”. (120)

Làm việc và xây dựng sự giàu có không phải là tội lỗi, thay vào đó, nó có thể là một phần của một ơn gọi. “Hoạt động kinh doanh, tự trong yếu tính, là ‘một ơn gọi cao quý, hướng đến việc sản xuất ra của cải và cải thiện thế giới của chúng ta’. Thiên Chúa khuyến khích ta phát triển các tài năng Ngài đã ban cho ta, và Ngài đã biến vũ trụ của ta thành một vũ trụ có tiềm năng mênh mông. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi cá nhân được kêu gọi thăng tiến sự phát triển chính họ, và điều này bao gồm việc tìm ra các phương tiện kinh tế và công nghệ tốt nhất để nhân rộng của cải ra và gia tăng thịnh vượng”. (123)

“Quyền tư hữu luôn đi kèm với nguyên tắc hàng đầu và đi trước là mọi tư hữu tùy thuộc việc phân phối phổ quát các của cải của trái đất, và do đó mọi người có quyền chung hưởng”.(123)

Ta nên tìm kiếm cho tất cả mọi người những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. “Nếu ta chấp nhận nguyên tắc lớn là có những quyền phát sinh từ nhân phẩm bất khả chuyển nhượng của ta, thì ta có thể đương đầu với thách thức dự kiến một nhân loại mới. Ta có thể khát mong một thế giới biết cung cấp đất đai, nhà ở và công việc cho mọi người”. (127)

Chương Bốn: Một trái tim rộng mở cho cả thế giới

Một quan điểm cân bằng là ưu tiên cho tất cả các nước đang phát triển nhưng công nhận rằng di cư đôi khi còn ưu tiên hơn: “Lý tưởng là phải tránh được việc di dân không cần thiết; điều này đòi hỏi phải tạo ra nơi các nước gốc những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng và một cuộc phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cho đến khi mục tiêu này đạt được các tiến bộ đáng kể, ta có nghĩa vụ tôn trọng quyền của mọi cá nhân tìm được một nơi đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và của gia đình họ, và là nơi họ có thể tìm thấy sự thành toàn bản thân. Phản ứng của ta đối với việc các di dân đến với ta có thể được tóm tắt trong bốn từ sau đây: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”. (129)

Việc nhập cư làm ta thêm phong phú: “Việc những người khác biệt, đến từ những lối sống và nền văn hóa khác, có thể là một ơn phúc, vì ‘các câu chuyện của di dân luôn là các câu chuyện về gặp gỡ giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Đối với các cộng đồng và các xã hội nơi họ đến, các di dân mang tới một cơ hội làm giàu và phát triển con người toàn diện cho mọi người’”. (133)

Một thế giới toàn cầu hóa khiến tất cả chúng ta đều kết nối với nhau: “Ta cần phát triển ý thức cho rằng ngày nay tất cả chúng ta được cứu cùng với nhau hoặc không ai được cứu cả. Nghèo đói, suy thoái và đau khổ ở một phần của trái đất là cơ sở thầm lặng nuôi dưỡng các vấn đề kết cục sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Nếu ta bối rối bởi sự tuyệt chủng của một số loài, thì ta càng trở nên bối rối hơn khi ở một số nơi trên thế giới, các cá nhân hoặc các dân tộc đang bị ngăn cản phát triển tiềm năng và vẻ đẹp của họ bởi nghèo khó hoặc những hạn chế khác có tính cơ cấu. Rút cục, điều này sẽ làm tất cả chúng ta nghèo đi”. (137)

Đừng làm trống rỗng các văn hóa địa phương có giá trị quan trọng! Nhưng cũng đừng quên những mối liên hệ rộng lớn hơn. “Một căng thẳng nội tại hiện hữu giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa. Ta cần chú ý đến toàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Tuy nhiên, ta cũng cần nhìn vào địa phương, nơi giữ chân ta trên mặt đất. Cùng nhau, cả hai ngăn ta rơi vào một trong hai thái cực. Đầu tiên, con người bị cuốn vào một vũ trụ trừu tượng, toàn cầu hóa… Mặt khác, chúng biến thành một bảo tàng văn hóa dân gian địa phương, cách biệt với thế giới, cam chịu làm đi làm lại những điều giống nhau, không có khả năng bị thách thức bởi tính mới hoặc sự đánh giá cao vẻ đẹp mà Thiên Chúa ban tặng vượt ra ngoài biên giới của chúng”. (142)

Hãy bắt đầu với văn hóa của chính mình. “Cũng như không thể có đối thoại với ‘người khác’ mà không có ý thức về bản sắc của chính mình, vì vậy không thể có sự cởi mở giữa các dân tộc ngoại trừ trên cơ sở tình yêu đối với đất đai của mình, dân tộc của mình, các cội nguồn văn hóa của mình”. (143)

“Một sự cởi mở lành mạnh không bao giờ đe dọa bản sắc riêng của ta. Một nền văn hóa sống, được trở nên phong phú bởi các yếu tố từ các nơi khác, không du nhập một bản sao đơn thuần các yếu tố mới đó, nhưng hội nhập chúng theo phương cách độc đáo riêng của nó. Kết quả là một cuộc tổng hợp mới, chung cuộc có lợi cho mọi người, vì nền văn hóa nguyên gốc rút cục được nuôi dưỡng”. (148)

“Sẽ hữu ích khi nhớ rằng xã hội toàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, mà là sự hiệp thông hiện hữu giữa các quốc gia đó”. (149)