24/01/2025

Khẩn trương cứu dân trong ‘thời gian vàng’

Khẩn trương cứu dân trong ‘thời gian vàng’

Cuộc họp vào tối 27-10 tại Sở chỉ huy tiền phương (Đà Nẵng), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh từ giờ cho đến 2h sáng 28-10 là thời gian vàng để các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng tránh và sơ tán dân.

 

Khẩn trương cứu dân trong ‘thời gian vàng’ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng họp tại Sở chỉ huy tiền phương lúc 19h ngày 27-10 – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, nhận định bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm mai (28-10) và quần thảo cho đến chiều mai.

Cường độ bão đổ bộ vào đất liền vẫn là cấp 11, 12 và giật cấp 13, 14. Trung tâm bão vẫn là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Như nhận định trước đó, cơn bão này sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi thời gian quần thảo trên đất liền lâu và diện rất rộng”, ông Cường nói.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, lãnh đạo các địa phương vào cuộc rất quyết liệt nhưng kinh nghiệm của mỗi địa phương với bão lũ khác nhau nên sự vào cuộc, tập trung và hiệu quả cũng khác nhau.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đến thời điểm này vẫn còn một số tàu thuyền ở các địa phương chưa vào bờ là “rất không đồng ý”.

Đặc biệt trong chiều nay, ở Bình Định xảy ra 2 vụ chìm tàu với hơn 20 thuyền viên gặp nạn khi di chuyển trú bão.

Phó thủ tướng không hài lòng khi một số địa phương đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất công tác di dời dân đến nơi an toàn, hoặc di dời dân đến những nơi tập trung chưa đảm bảo an toàn với bão cấp 12, 13, giật cấp 14, 15.

Biện pháp bảo vệ các công trình vẫn chưa tương xứng với cường độ cơn bão. Từ giờ cho đến 2h sáng ngày 28-10 là “thời gian vàng” để các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng tránh và sơ tán dân.

Phó thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, các địa phương phải tổng kiểm tra các điểm sơ tán dân, chỗ nào chưa an toàn, không thể chịu được gió cấp 12, 13 thì phải dời dân đi nơi khác.

Khẩn trương cứu dân trong ‘thời gian vàng’ - Ảnh 2.

Người dân Đà Nẵng sống trong các ngôi nhà cấp 4, nhà trọ thiếu an toàn đến trú bão ở các khách sạn – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Phải nghiêm khắc di dời người dân trên các lồng bè vì người dân thường tiếc tài sản không chịu di dời. Các lồng bè có khả năng đứt trôi rất nguy hiểm.

Thời điểm 2 – 4 tiếng trước khi bão vào chúng ta phải tập trung và hoàn thành việc sơ tán người dân. Đêm nay gió giật mạnh lên thành bão, đến 4h sáng mai là gió giật mạnh, đến 3 – 4h chiều mai gió vẫn mạnh. Đỉnh gió giật đến cấp 14 – 15. Gió chỉ cần đến cấp 9 – 10 đã mạnh rồi. Giữa buổi sáng mới là đỉnh. Từ 5 – 6h sáng mai đến 1 – 2h chiều mai thì không làm thế nào mà ra ứng cứu được.

“Ban chỉ đạo đêm nay phải thức cả đêm, mỗi người chỉ đạo một ngành, một người ở một địa phương chỉ đạo ở địa phương. Chúng ta còn khoảng 7 tiếng để xem còn những vấn đề gì chưa hoàn tất thì làm cho hoàn tất” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Khẩn trương cứu dân trong ‘thời gian vàng’ - Ảnh 3.

Người Đà Nẵng chằng chống nhà cửa trước khi bão số 9 đổ bộ – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Dù khó khăn là vào buổi tối nhưng điện vẫn sẽ đảm bảo. Đề nghị: Trước hết các thành viên ban chỉ đạo ai thuộc ngành nào chỉ đạo ngành đó, địa phương nào chỉ đạo địa phương đó, thường xuyên báo cáo.

Nhất là tập trung di dân đến công trình an toàn với bão cấp 11, 12 giật cấp 13, 14. Lực lượng phương tiện phải chuẩn bị, Quân khu 4, Quân khu 5, có sự hỗ trợ của Quân khu 7 nếu cần, lực lượng vũ trang trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng. Chuẩn bị nhân lực, vật lực gồm cả y tế, đảm bảo an ninh trật tự nơi người dân tránh trú, đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian còn rất ít. Phải làm thật khẩn trương.

ĐOÀN NHẠN
TTO