15/11/2024

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở châu Âu

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở châu Âu

Sau một giai đoạn tưởng đã yên ổn với dịch bệnh, những ngày qua Ý, Tây Ban Nha, Pháp lại đang đối mặt với sự trỗi dậy đáng lo ngại của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai.

 

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở châu Âu - Ảnh 1.

Cảnh sát Pháp trao đổi với một người đi xe đạp ở thời điểm bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm ngày 24- 10 tại thành phố Toulouse, Pháp – Ảnh: AFP

 

Những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt dần trở lại lục địa già như từng áp dụng ở làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 3. Theo Bloomberg, nước Ý đã áp dụng trở lại những biện pháp hạn chế mạnh nhất kể từ khi kết thúc đợt phong tỏa trong tháng 5.

Tương tự, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp mới, trong đó có lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và ban bố tình trạng khẩn cấp từ 25-10.

Pháp, Ý, Tây Ban Nha run rẩy

Số ca mắc COVID-19 đã tăng lên những mốc kỷ lục mới trên toàn châu Âu những ngày qua. Nhiều nơi, chính quyền chật vật ứng phó với thái độ phản ứng gia tăng với các lệnh hạn chế đi lại từ phía người dân.

Dịch bệnh đáng lo nhưng những ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng với nền kinh tế từ các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội cũng đáng lo không kém. Bởi vậy, ngay khi các luật phòng chống dịch mới có hiệu lực tại Ý từ 26-10, những cuộc biểu tình cũng đã nổ ra ở những lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nhất, trong đó có nhà hàng và rạp phim.

Tại thành phố Naples (Ý), người biểu tình tiếp tục lên kế hoạch tụ tập trong tối 26-10 tại một khu quảng trường trung tâm sau khi bạo lực đã nổ ra trong những ngày cuối tuần. Trước đó, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phê chuẩn kế hoạch hạn chế giờ mở cửa với các quán bar, nhà hàng, đóng cửa các khu tổ chức giải trí, đánh bạc và phòng tập gym.

Người dân Ý được khuyến cáo không nên đi du lịch hay đi lại thời gian này và mọi biện pháp đó sẽ có hiệu lực cho tới ngày 24-11.

Tờ nhật báo La Repbubblica của Ý cho biết chính phủ của ông Conte cũng đã chuẩn bị gói cứu trợ mới trị giá 5 tỉ euro (5,9 tỉ USD), dự kiến được phê chuẩn ngày 27-10 để giúp người dân vượt qua khó khăn. Trong ngày 25-10, Ý lại ghi nhận 21.273 ca mới và hiện đã có hơn 1.200 người đang phải nằm phòng điều trị tích cực.

Trong khi đó tại Tây Ban Nha, nội các của Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 25-10 đã phê chuẩn việc ban bố tình trạng khẩn cấp (giống như hồi tháng 3) và tuyên bố áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc, ngoại trừ quần đảo Canary (có tỉ lệ lây nhiễm thấp), từ 23h đến 6h hằng ngày.

Chính phủ Pháp cũng đang cân nhắc khả năng có nên siết chặt thêm các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đà tái phát của dịch bệnh hay không, mặc dù hiện tại lệnh giới nghiêm ban đêm đã được triển khai tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Paris. Pháp đã có hơn 1,1 triệu ca bệnh tính tới nay, trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus corona lớn thứ năm toàn cầu.

Tháng ngày khó khăn phía trước

Số ca bệnh mới trong 24 giờ được xác nhận ở châu Âu đã vượt qua số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ trong tháng 10. Tình trạng này đe dọa gây quá tải cho năng lực xét nghiệm, truy vết nguồn bệnh và cô lập người có bệnh. Theo đó, cả chính quyền lẫn giới chuyên gia y tế đều cảnh báo đại dịch châu Âu có thể sẽ còn tiếp tục căng thẳng hơn trong thời gian tới.

Nhiều chính phủ tại đây đang đặt hi vọng vào những biện pháp cuối cùng có thể áp dụng là cấm tụ tập ban đêm cũng như dừng mọi hoạt động đời sống, kinh tế ban đêm để giảm bớt lây lan nhưng không gây khó khăn thêm cho quá trình hồi phục kinh tế vốn đang rất chật vật ở châu Âu.

Trong cuộc họp cuối tuần rồi, Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo “những tháng rất, rất khó khăn” phía trước trong bối cảnh châu Âu đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ba ngày liên tiếp vừa qua.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dịch bệnh trong những tuần gần đây đã gây tổn thất nặng nề cho các thành quả chống dịch mà châu Âu từng rất chật vật mới đạt được, thậm chí phải hi sinh nhiều về kinh tế khi quyết định áp đặt phong tỏa toàn bộ trong mùa xuân năm nay.

Cho tới thời điểm này, hầu hết các nước châu Âu vẫn đang né tránh việc khôi phục hai điểm khắc nghiệt nhất từng thực thi khi áp lệnh phong tỏa trong mùa xuân, đó là bắt buộc người dân phải ở trong nhà và đóng cửa mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu.

Ở giai đoạn vô cùng hệ trọng này, nước Đức cũng đang đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU). Tình thế nguy nan của đại dịch COVID-19 cũng đang đặt lên vai Berlin trách nhiệm hết sức nặng nề.

Bên cạnh những kỳ vọng rằng nước Đức, cụ thể là Thủ tướng Angela Merkel, có thể biến cuộc khủng hoảng dịch bệnh thành cơ hội để thúc đẩy sự thống nhất, đoàn kết của EU, cũng có ý kiến ngờ vực nước Đức không thể hoàn thành nhiệm vụ đó trong thời gian ngắn ngủi 6 tháng giữ cương vị chủ tịch luân phiên.

100.000

Theo giáo sư Jean-François Delfraissy – người đứng đầu hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về đại dịch COVID-19, Pháp có thể sẽ phải ghi nhận tới 100.000 ca bệnh mới mỗi ngày, gấp đôi số thống kê mới nhất là 52.010 ca trong ngày 25-10.

D.KIM THOA
TTO