Điện thoại “cục gạch” bao giờ khai tử ?
Điện thoại “cục gạch” bao giờ khai tử ?
Tới năm 2024, giấy phép tần số 2G của các nhà mạng hết hạn sẽ không được cấp mới. Song trước đó, lộ trình tắt sóng 2G, khai tử dòng điện thoại thế hệ cũ (điện thoại “cục gạch”), thay thế bằng điện thoại thông minh, được đặt mục tiêu vào năm 2022.
Dừng 2G hay 3G ?
Báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết việc dừng công nghệ cũ đã được đặt ra từ năm 2018, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá và trao đổi với các nhà mạng. Bộ TT-TT hiện đang thúc đẩy công nghệ mới 5G, vì vậy các doanh nghiệp (DN) viễn thông không thể duy trì cùng lúc 4 công nghệ (gồm 2G, 3G, 4G và 5G) trên cùng một mạng. Yêu cầu dừng công nghệ cũ là cần thiết để nhà mạng tập trung nguồn lực, dành băng tần số cho triển khai công nghệ mới.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, mục tiêu giảm còn dưới 5% người dùng 2G thì sẽ tắt sóng 2G, hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng. Từ năm ngoái đến nay, chúng ta đã giảm được 6 triệu thuê bao 2G, phấn đấu giảm xuống còn 5 – 7 triệu thuê bao dùng 2G sẽ chính thức tắt 2G và chuyển đổi.
Bài toán đặt ra là dừng công nghệ 2G hay 3G? Theo Cục Viễn thông, với phương án dừng 3G, ưu điểm là số lượng thuê bao sử dụng thiết bị 3G ít hơn so với thuê bao sử dụng 2G, chi phí phải bỏ ra bù cho người sử dụng ít hơn. Ngoài ra, 3G không phải là công nghệ dữ liệu hoàn thiện như 4G.
Với phương án dừng 2G, người dân sẽ chuyển sang sử dụng thiết bị dùng 3G trở lên (điện thoại thông minh – smartphone), kéo theo đó là việc người sử dụng tiếp cận các ứng dụng trên di động nhiều hơn, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số. Tuy nhiên, do số lượng điện thoại đang dùng công nghệ 2G nhiều, nên chi phí dừng 2G sẽ lớn hơn.
“Bộ TT-TT cũng đã trình các phương án và Chính phủ kết luận không chốt cứng thời gian dừng công nghệ cũ, mà Bộ TT-TT sẽ đưa ra giải pháp mềm mại hơn để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh. Đến thời điểm khi số thuê bao sử dụng điện thoại cũ giảm xuống dưới 5% sẽ là điều kiện để các DN dễ hơn trong bù chi phí đổi điện thoại cho người dùng”, đại diện Phòng Cấp phép thị trường – Cục Viễn thông cho hay. Bộ TT-TT cũng đang thúc đẩy chương trình sử dụng điện thoại thông minh, mục tiêu mỗi người dân có 1 thiết bị smartphone.
Trên thực tế, một trong những rào cản lớn nhất với mục tiêu chuyển đổi điện thoại “cục gạch” 2G sang điện thoại thông minh là chi phí. Giải pháp cho bài toán này là sử dụng các thiết bị do DN trong nước sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Một số nhà sản xuất trong nước khẳng định có thể sản xuất được điện thoại giá thấp dưới 1 triệu đồng nếu được sự hỗ trợ từ Chính phủ, hoặc phối hợp cùng nhà mạng.
Theo Phòng Cấp phép thị trường, hiện Viettel đã phối hợp với các DN sản xuất thiết bị, kết hợp các gói cước để khi smartphone đến tay người dùng, giá chỉ có 500.000 đồng.
Mỗi người dân 1 smartphone
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, mục tiêu đặt ra trước đây của Bộ TT-TT là tắt sóng 2G, nhưng hiện nay chuyển đổi sang “phủ” smartphone giá rẻ. Mục tiêu vẫn là nhà mạng đủ điều kiện tắt sóng 2G vào năm 2022, nhưng cách tiếp cận khác nhau.
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng cho biết, mục tiêu này hoàn toàn khả thi, dù số lượng thuê bao sử dụng 2G còn rất lớn. Thống kê cho biết, Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 – 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy hiện nay.
“Cục đã phân tích, với 24 triệu máy này, nhiều người sử dụng như máy thứ 2 bên cạnh điện thoại smartphone. Chỉ có khoảng 12,4 triệu người dùng duy nhất 1 điện thoại “cục gạch”, đây là đối tượng nhà mạng phải hỗ trợ chuyển đổi”, ông Cường thông tin.
Đáng chú ý, trước đây nhiều ý kiến cho rằng, việc tắt sóng 2G đồng nghĩa với việc chấm dứt thời của điện thoại “cục gạch”, có thể gây khó khăn cho đối tượng người cao tuổi không quen sử dụng smartphone. Song theo ông Cường, thống kê cho biết, thuê bao với người dùng trên 70 tuổi chỉ có 630.000 người. Hiện các nhà sản xuất điện thoại Việt Nam đã sản xuất được cả dòng máy feature phone (điện thoại “cục gạch”) dùng được 4G giá rẻ. Theo tính toán của các nhà sản xuất, với sự hỗ trợ của các nhà mạng, dòng máy này trên 600.000 đồng, có thể sản xuất và bán được cho người dùng.
Để chuẩn bị cho lộ trình này, hàng loạt giải pháp sẽ được đưa ra, trong đó, tới năm 2023 – 2024, khi các nhà mạng hết hạn giấy phép 2G sẽ không được cấp phép lại tần số 2G. Ngoài ra, dự kiến sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc các thiết bị sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải có 3G, 4G, 5G… Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng cho biết đang đề xuất bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi điện thoại cho nhóm người dân yếu thế như người nghèo, vùng sâu, vùng xa, sau khi chính thức tắt sóng 2G. Ngoài ra, cục này đang thúc đẩy các nhà mạng sử dụng công nghệ VOIP (âm thanh được truyền qua giao thức internet) thay vì gọi thoại truyền thống. Hiện Viettel và Vinaphone đã triển khai, còn MobiFone dự kiến sang năm sẽ áp dụng.
MAI HÀ
TNO